Có thực hiện đúng theo lộ trình?
Theo lộ trình, cuối năm nay các ngân hàng thương mại sẽ phải chuyển đổi 30% lượng thẻ ATM sang công nghệ thẻ chip, tương đương khoảng 21 triệu thẻ đang hoạt động. Đến thời điểm này, ghi nhận một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho biết, dù chưa công bố chính thức ngày phát hành thẻ chíp nhưng cam kết sẽ thực hiện đúng lộ trình theo quy định của NHNN.
Theo lộ trình, đến cuối năm nay 30% lượng thẻ ATM sẽ được chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Trong ảnh: Khách hàng rút tiền tại cây ATM của Agribank Vũng Tàu. |
CHUYỂN ĐỔI 30% THẺ TỪ SANG THẺ CHiP
Theo Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), hiện nay, các NHTM trong cả nước đã phát hành luỹ kế 130 triệu thẻ ATM. Tuy nhiên, số lượng thẻ thực tế đang hoạt động vào khoảng 70 triệu thẻ. Theo thông tư số 41 của NHNN, đến cuối năm nay, các NHTM phải chuyển đổi 30% lượng thẻ ATM sang công nghệ thẻ chip. Và dự kiến, đến năm 2021 toàn bộ thẻ trên thị trường sẽ sử dụng công nghệ thẻ chip mới. Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip gia tăng nhiều tính năng, tiện ích cho khách hàng; góp phần quan trọng trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đáng chú ý, ưu điểm vượt trội của thẻ chip là hạn chế tình trạng khách hàng bị đánh cắp thông tin bằng đầu đọc giả mạo cũng như các nguy cơ mất an toàn khác như hiện nay.
Đến nay, bộ tiêu chuẩn thẻ chip Việt Nam đã được xây dựng theo tiêu chuẩn riêng cho thị trường Việt Nam, nhưng vẫn tương thích với chuẩn quốc tế. Hiện đã có 7 ngân hàng tham gia chuyển đổi gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPbank, ABBank. Đây là các ngân hàng có số lượng thẻ lớn, ước tính số lượng thẻ của ngân hàng này chiếm khoảng 70% tổng số thẻ trên cả nước.
Ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Vietinbank, chi nhánh BR-VT cho biết: Đến nay, số thẻ ATM VietinBank BR-VT đã phát hành là 74.497 thẻ, trong đó có 61.631 thẻ đang hoạt động. Về lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, dù chưa công bố chính thức nhưng ngân hàng cam kết tuân thủ đúng theo tiến độ quy định của NHNN.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hoàng, Giám đốc DongA Bank, Chi nhánh BR-VT khẳng định, để chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, ngân hàng không gặp rào cản về công nghệ. Bởi cách đây vài năm về trước, ngân hàng đã phát hành loại thẻ này. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, do việc sử dụng thẻ chip chưa phổ biến nên không đáp ứng được, do đó DongA Bank đã trở lại phát hành thẻ từ. Trong quá trình chờ chuyển đổi, để bảo đảm an toàn cho khách hàng, DongA Bank cũng đã thực hiện các giải pháp như: Lắp đặt thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ đối với toàn bộ hệ thống ATM của đơn vị. Đồng thời, chi nhánh cũng tăng cường theo dõi và kịp thời xử lý các giao dịch bất thường, đặc biệt là giao dịch thực hiện vào thời điểm từ 23 giờ đến 1 giờ sáng….
TỐN KÉM NHƯNG MANG LẠI NHIỀU LỢI ÍCH
Theo Thông tư số 41/2018 của NHNN, đối với tổ chức thanh toán thẻ, đến cuối năm nay, ít nhất 35% máy ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại các điểm bán đang hoạt động phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Đến cuối năm 2020, toàn bộ ATM và máy POS phải đáp ứng quy định tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, nhằm bảo đảm hệ thống ATM hoạt động thông suốt, ổn định an toàn.
Khi chuyển đổi thẻ, các ngân hàng phải nâng cấp phần mềm để chấp nhận thẻ chip, các máy ATM, đầu đọc thẻ tại các điểm thanh toán. Nghĩa là các ngân hàng phải bỏ chi phí để nâng cấp hệ thống chấp nhận thẻ gồm máy ATM và máy POS để tương thích thẻ chip. Bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh BR-VT cho biết: Hiện nay, tổng số máy ATM đang hoạt động trên địa bàn hiện có 399 máy. Có 31/39 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã trang bị 2.279 máy POS được lắp đặt tại 1.676 đơn vị chấp nhận thẻ để thanh toán tiền mua hàng tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cửa hàng xăng dầu và hệ thống xe taxi…
Như vậy, chi phí để chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip không nhỏ. Chưa kể, giá thành làm phôi thẻ chip đắt hơn nhiều so với thẻ từ. Cụ thể, chi phí phôi thẻ ATM bằng thẻ từ chỉ tốn 1.000-2.000 đồng/thẻ, trong khi chi phí làm thẻ chip lên đến 20.000-30.000 đồng/thẻ.
Theo phản ánh của các ngân hàng, dù có tốn kém việc chuyển đổi này vẫn phải thực hiện vì mục tiêu bảo đảm an toàn trong vấn đề sử dụng của khách. Điều này cho thấy sự vào cuộc rất quyết liệt của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, để việc chuyển đổi suôn sẻ, NHNN cần hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết để cho thẻ chip được vận hành thông suốt. Ví dụ, cần có bộ tiêu chuẩn về thẻ chip và các ngân hàng dựa vào tiêu chuẩn chung đó để xây dựng lộ trình chuyển đổi, tránh tình trạng mỗi ngân hàng đưa ra một loại thẻ, sau đó phải đồng bộ lại mất rất nhiều thời gian và chi phí.Bên cạnh đó cần tăng tính kết nối và sử dụng chung nền tảng công nghệ giữa các ngân hàng với nhau. Bởi nếu mỗi một tổ chức phát hành thẻ trên một nền tảng công nghệ khác nhau sẽ gây lãng phí lớn.
Bài, ảnh: PHAN HÀ