Xây dựng và khẳng định được thương hiệu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh là điều DN nào cũng hướng tới. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều DN đã nỗ lực xây dựng và khẳng định được tên tuổi trên thị trường.
Công nhân Công ty TNHH thực phẩm Amazon đóng gói chocolate tại xưởng. |
Hơn 10 năm qua, số DN trên địa bàn tỉnh được công nhận có sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia tăng đều qua các năm. Hiện nay, các sản phẩm hải sản chế biến của Công ty CP Chế biến XNK thủy sản BR-VT (Baseafood); cà phê Nón Lá của Công ty TNHH SX và XNK Nón Lá (TX. Phú Mỹ); tiêu đỏ, tiêu xanh của HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc); ca cao, chocolate hữu cơ của Công ty TNHH thực phẩm Amazon (TX. Phú Mỹ); Đạm Phú Mỹ; dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC... bên cạnh việc khẳng định thương hiệu ở thị trường nội địa, đã có những thành công nhất định khi vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Có mặt tại hơn 40 nước trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt từ 30-36 triệu USD, sản phẩm hải sản chế biến của Baseafood là thương hiệu uy tín của các bạn hàng ở nước ngoài. Tại thị trường nội địa, người tiêu dùng cũng tin tưởng lựa chọn các sản phẩm mang thương hiệu Baseafood như da cá lắc trứng muối, da cá rong biển, cá mai sấy lá chanh, mực nang 1 nắng. Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Baseafood cho biết: “Để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, Baseafood đã đầu tư 5 nhà máy thu mua và chế biến với máy móc thiết bị sản xuất theo công nghệ tiên tiến của thế giới. Công ty cũng không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý nhằm nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã bao bì theo hướng thuận tiện với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Hiện nay, Baseafood đã có 5 đại lý phân phối, 4 showroom tại BR-VT, chuỗi 7 cửa hàng 3 sạch food, 3 nhà phân phối tại TP. Hồ Chí Minh và bán hàng trên các kênh thương mại điện tử Lazada, Tiki, Sendo, Shopee...”.
Còn sản phẩm ca cao và chocolate Bapula hữu cơ với 5 loại sản phẩm gồm: 92% organic, 72% organic, 72% thường, 68% thường và 72% quế hồi đã được bán rộng rãi trên thị trường BR-VT, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang… Ông Hồ Sĩ Bảo, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Amazon cho biết, để nâng cao chất lượng và giúp người tiêu dùng nhận diện được thương hiệu cacao, chocolate Bapula, công ty đã đầu tư thêm máy làm chocolate, thuê thiết kế chuyên nghiệp làm bao bì sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng đất BR-VT. Đồng thời, công ty đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm cho thương hiệu ca cao, chocolate Bapula hữu cơ.
Ngoài thị trường trong nước, thương hiệu ca cao, chocolate Bà Rịa Organic 92%, đã chinh phục các chuyên gia chocolate khó tính thế giới và được Tập đoàn CPoint Nhật Bản ký độc quyền phân phối tại các chuỗi siêu thị Nhật Bản trong thời gian 10 năm, với sản lượng khoảng 3 tấn/năm và giá trị hợp đồng dự kiến sẽ tăng thêm từ 30-50%/năm. “Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của thương hiệu trên thị trường nên công ty không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, mẫu bao bì phù hợp với thị hiếu và phân khúc sản phẩm trên thị trường”, ông Bảo nói.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ DN phát triển, tạo dựng thương hiệu. Hành lang pháp lý về bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu của DN cũng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung ngày càng hoàn thiện, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tại BR-VT, các chương trình hỗ trợ DN đầu tư máy móc, thiết bị, bao bì, mẫu mã và quảng bá thương hiệu đã được triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp DN tích lũy kinh nghiệm để định hướng sản xuất kinh doanh. Theo Sở Công thương, trong năm 2019, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, Sở phối hợp cùng với các đơn vị liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ kết nối cung cầu, tạo điều kiện cho DN quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước, khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU