Nhiều doanh nghiệp tăng vốn mở rộng sản xuất

Thứ Tư, 10/04/2019, 17:01 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Ban Quản lý các KCN, từ đầu năm đến nay tại các KCN, CCN đã có nhiều DN tăng vốn, mở rộng sản xuất. Các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư là sản xuất thép, may mặc, điện tử... Đây là tín hiệu tích cực cho thấy việc các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã “tiếp sức” cho các DN tự tin mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất.

Sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, Tập đoàn Hoa Sen đã đầu tư thêm 500 tỷ đồng xây dựng Nhà máy ống kẽm nhúng nóng Hoa Sen.
Sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, Tập đoàn Hoa Sen đã đầu tư thêm 500 tỷ đồng xây dựng Nhà máy ống kẽm nhúng nóng Hoa Sen.

Thông tin từ các DN sản xuất và xuất khẩu thép cho thấy, kể từ khi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương CPTPP có hiệu lực thì “cánh cửa” xuất khẩu tôn, thép của Việt Nam vào các thị trường lớn càng rộng mở hơn. Trước tín hiệu tích cực đó, vừa qua Tập đoàn Hoa Sen tổ chức lễ khánh thành Nhà máy ống kẽm nhúng nóng Hoa Sen do Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ làm chủ đầu tư (là công ty con do Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 100% vốn điều lệ). Nhà máy được xây dựng trên diện tích đất 5,3ha, với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, có quy mô gồm: 6 dây chuyền cán ống thép; 1 dây chuyền xẻ băng và 1 dây chuyền mạ kẽm nhúng nóng ống thép, ứng dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới của đơn vị Gimeco - Italia, công suất thiết kế đạt 85.000 tấn/năm. Ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực - Điều hành Tập đoàn Hoa Sen cho biết: Ngay từ đầu tháng 2-2019, Tập đoàn Hoa Sen đã ký hợp đồng xuất khẩu 4.300 tấn tôn trị giá 3,7 triệu USD đến Mexico, đánh dấu khởi đầu tốt đẹp và mở ra nhiều triển vọng mới cho kênh xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen trong năm 2019. Mới đây, ngày 16-3, Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục xuất khẩu 15.000 tấn tôn, trị giá hơn 11,5 triệu USD đến Anh, Đức, Italia, càng khẳng định sức cạnh tranh của sản phẩm tôn, thép trên thị trường thế giới. Đó là động lực để DN tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

 Không chỉ các DN thép, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đang thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa một cách mạnh mẽ giữa các nước tham gia, trong đó có ngành may mặc của Việt Nam. Thực hiện chiến lược nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhiều DN ngành may mặc cũng không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề để có thể đáp ứng được những đơn hàng khó của đối tác nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Ngại, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Quốc tế Việt An (CCN Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) cho biết: Với các DN may, thời gian qua việc cạnh tranh thị trường rất gay gắt về giá, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, buộc DN phải cải tiến công nghệ, đầu tư các loại máy móc hiện đại để sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ đó hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty có nhiều khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10%/năm. Đầu năm 2019, công ty đã mở rộng thêm một chuyền may mới, nâng công suất sản xuất lên từ 15-20%. Ngoài các thị trường truyền thống, DN đã mở rộng thêm các thị trường mới như: Đức, Mỹ..., bình quân xuất khẩu 35-45 ngàn sản phẩm/tháng.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, 3 tháng đầu năm 2019, tại các KCN có 11 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm 385,6 triệu USD. Trong đó, có nhiều DN có nguồn vốn tăng thêm khá lớn để mở rộng sản xuất như: Nhà máy thép cán nguội Thống Nhất tại KCN Phú Mỹ I của Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất tăng tổng vốn đầu tư từ 625 tỷ đồng lên 740,62 tỷ đồng; Dự án sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm kính nổi tại KCN Mỹ Xuân A của Công ty TNHH Công nghiệp Kính NSG Việt Nam đăng ký tăng từ 323,01 triệu USD lên 418,53 triệu USD; Dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zirtec tại KCN Châu Đức đăng ký tăng từ 9,5 triệu USD lên 12 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Nitori BR-VT tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ III đăng ký tăng từ 106,89 triệu USD lên 164,7 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Yoshino Gypsum Việt Nam tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ III  tăng từ 20 triệu USD lên 50 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Sản xuất Giày Vĩnh Uy II tại KCN Đất Đỏ I đăng ký tăng từ 1,1 triệu USD lên 2,1 triệu USD...

Ông Lee Sung Jae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dongjin Global (KCN Đất Đỏ I, huyện Đất Đỏ) cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động đến nay tình hình sản xuất kinh doanh của công ty ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Đây là thời điểm thích hợp để chúng tôi tăng vốn mở rộng sản xuất để phục vụ xuất khẩu. Vì thế, Công ty TNHH  Dongjin Global đã đầu tư 20 tỷ đồng để mở rộng thêm 2 dây chuyền sản xuất đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với việc mở rộng sản xuất này, DN hướng tới mục tiêu đưa năng lực sản xuất tăng thêm 20%, doanh thu cũng sẽ tăng thêm từ 30-50%”.  

Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, việc các Hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực đã tạo niềm tin, động lực mới để DN mạnh dạn tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm của các DN ngoại.  Đó là tín hiệu tích cực góp phần tăng vốn đầu tư vào các KCN. Ở góc độ quản lý nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho các DN, hiện tỉnh đang thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng lấy DN làm đối tượng ưu tiên phục vụ.  

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.