Ngày 17-4, đồng chí Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GT-VT và đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội thảo “Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển và kết nối DN logistics khu vực Cái Mép-Thị Vải”. Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng lượng hàng thông quan qua cảng trong thời gian tới.
Vận chuyển hàng container tại Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT). |
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Hiệp hội cảng biển và Logistics, các sở ngành, các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải (CM-TV).
HÀNG HÓA CHUYỂN DỊCH TÍCH CỰC
Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết: Sau 5 năm thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Nhóm cảng biển số 5 và các nhóm bến cảng tại khu vực CM-TV, hàng hóa đã có sự chuyển dịch theo chiều tích cực giữa các cảng biển trong nhóm. Theo đó, hàng hóa từ khu vực cảng truyền thống là TP. Hồ Chí Minh đã dần dịch chuyển ra các cảng mới tại Đồng Nai và BR-VT. Cụ thể, tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh giảm dần từ 65,2% (năm 2013) xuống 55,9% (2018), trong khi tỷ trọng hàng hóa qua cảng biển BR-VT tăng tương ứng từ 30,6% lên 34,1% và cảng biển Đồng Nai từ 4,2% lên 10%.
Xếp dỡ hàng tại Cảng Dịch vụ Tổng hợp Hưng Thái. |
Hàng container cũng có sự chuyển dịch từ các cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh sang các cảng biển khác. Chẳng hạn, năm 2013, tỷ trọng hàng hóa container thông qua các cảng biển TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - BR-VT tương ứng là 82%-0,2%-17,8%, đến năm 2018, tỷ trọng này là 63,6%-6,3%-30%.
Việc triển khai Đề án trên đã giảm sự tăng trưởng hàng hóa của cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển Đồng Nai, BR-VT. Nếu chỉ tính riêng hàng hóa container xuất nhập khẩu bằng tàu biển thông qua cảng biển BR-VT năm 2018 thì chỉ đạt 2,89 triệu TEUs nhưng xét cả hàng hóa vận tải bằng các phương tiện thủy nội địa và xếp dỡ qua cảng, con số này là 5,29 triệu TEUs, đạt 78% công suất thiết kế của các cảng container. Hơn nữa, việc triển khai Đề án này còn góp phần tạo niềm tin để các hãng tàu mở rộng các tuyến kết nối với các bến cảng khu vực CM-TV. Cụ thể, năm 2013 có 8 tuyến/tuần tàu mẹ nội Á cập khu CM-TV, đến nay tăng lên 28 tuyến, trong đó 22 tuyến vận tải quốc tế và 6 tuyến vận tải nội địa.
CẦN CÓ “NHẠC TRƯỞNG”
Đồng chí Nguyễn Văn Trình cho biết, thời gian qua tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác hệ thống cảng CM-TV. Tuy nhiên, hiện nay lượng hàng về CM-TV còn ít. Theo số liệu thống kê năm 2018, các bến cảng tổng hợp, container khu vực CM-TV thông quan khoảng 50,6 triệu tấn, đạt 56% tổng công suất thiết kế. Các DN, hãng tàu vẫn tập trung đưa hàng về cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), gây quá tải cho khu vực này. Do vậy, mong muốn của địa phương là khai thác hết tiềm lực hiện có của hệ thống cảng CM-TV và kết nối với các khu vực xung quanh. Tuy nhiên, nhiều hạn chế còn tồn tại khiến việc khai thác các cảng ở khu vực CM-TV chưa như mong muốn. Do đó, cần nhận diện các vấn đề đang tồn tại để tìm các giải pháp đưa CM-TV ngày càng phát triển.
Tàu CC Alaska trọng tải 12.600 TEUs của hãng CMA CGM cập Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cuối năm 2018. Ảnh: NGÂN HÀ |
Phân tích các hạn chế, ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, khu vực CM-TV tuy đã được đầu tư hạ tầng bến cảng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhưng chưa có trung tâm logistics, thiếu cảng cạn tập kết container rỗng để hỗ trợ vận tải và thúc đẩy phát triển các dịch vụ hậu cần cảng. Hạn chế đó làm tăng chi phí vận tải đến cảng. Năm 2018 có 2,8 triệu TEUs xuất nhập khẩu qua cảng CM-TV nhưng chỉ có 14% lượng container qua đường bộ và làm thủ tục hải quan tại BR-VT, còn lại 76% sử dụng sà lan đường thủy nội địa để về TP. Hồ Chí Minh và 10% về các khu vực khác để thông quan.
Thời gian qua, Bộ GT-VT và các bộ, ngành cũng như tỉnh BR-VT đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác Nhóm cảng biển số 5 nói chung, đặc biệt tại khu vực CM-TV, trong đó đã triển khai các nhóm giải pháp về giá, quản lý, an toàn giao thông luồng lạch. Các giải pháp này đã mang lại hiệu quả bước đầu khi các DN cảng biển có lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng mạnh, doanh thu cao hơn. Thời gian tới, tỉnh BR-VT cũng như các cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp đã đặt ra, trong đó có các vấn đề liên quan đến điều chỉnh giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container. Bộ GT-VT sẽ nghiên cứu để có cơ chế quản lý phù hợp. Mặt khác, các dự án đang triển khai có sức ảnh hưởng đến địa phương là tuyến Bến Lức - Long Thành và tuyến cao tốc trọng điểm Biên Hòa - Vũng Tàu. Đối với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ GT-VT đã lập xong dự án, nhưng việc tính toán đầu tư chưa được Chính phủ phê duyệt. Nếu có nguồn lực để thực hiện dự án này thì việc kết nối các tỉnh như Bình Dương - Đồng Nai về CM-TV là cực kỳ thuận lợi. (Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Công)
|
Để thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu cho khu vực CM-TV, các đại biểu cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, cần sớm đưa vào quy hoạch các cảng có khả năng đón tàu đến 22.000 TEUs tại khu vực Cái Mép. Bởi lẽ, quy hoạch hiện nay cho cụm cảng Cái Mép đón tàu trọng tải tối đa đến 100.000 DWT, khoảng 8.000 TEUs, nhưng năm 2017, Cảng CMIT đã đón thành công tàu 194.000 DWT, 18.000 TEUs. Việc bổ sung quy hoạch là cơ sở quan trọng để triển khai các dự án tiếp theo tại khu vực CM-TV nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của khu vực này. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các bến cảng cần đồng bộ với sự phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần cảng (hệ thống cảng cạn, kho bãi, dịch vụ logistics…) và có quỹ đất dự trữ để đáp ứng nhu cầu phát triển; gắn quy hoạch cảng với quy hoạch các KCN, quy hoạch phát triển kinh tế của vùng và địa phương có cảng.
“Để thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu cho khu vực CM-TV phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, dài hạn, tuân thủ quy luật, nguyên tắc của thị trường và cần có “nhạc trưởng” đóng vai trò dẫn đầu. Có như vậy mới đạt 3 mục tiêu lớn: Phát triển cụm cảng nước sâu khu vực CM-TV hiện đại, đủ tầm cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực và thế giới; thúc đẩy phát triển các KCN sau cảng, tăng cường thu hút đầu tư; phát triển mạnh mẽ dịch vụ logistics, trung tâm logistics”, ông Ngô Minh Thuấn nói.
Bài, ảnh: PHAN HÀ - TRÀ NGÂN