Theo quy định, các DN sản xuất có lưu lượng nước thải và khí thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động (QTTĐ) và đấu nối với Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh để Sở TN-MT kiểm tra, giám sát. Hiện nay, đã có 26/30 DN đấu nối hệ thống dữ liệu về Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh. Nhờ đó, nguồn thải ô nhiễm từ các DN lớn được kiểm soát chặt chẽ hơn.
26/30 DN TRUYỀN DỮ LIỆU
Ông Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT (đơn vị quản lý Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh) cho biết, tính đến tháng 3-2019, đã có 26/30 DN, đơn vị đấu nối hệ thống dữ liệu về trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh. Trong đó có 14/18 đơn vị, DN thực hiện đấu nối QTTĐ nước thải; về khí thải, trung tâm đã tiếp nhận dữ liệu của 12/12 DN. Các DN sản xuất phát sinh nguồn thải lưu lượng lớn tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất xi măng, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng, phân bón, giày da...
4 đơn vị chưa đấu nối dữ liệu về Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh, gồm: KCN Phú Mỹ 1, KCN Đông Xuyên, KCN Cái Mép và KCN Phú Mỹ 2. Nguyên nhân là KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 chưa được phê duyệt kinh phí đấu nối. KCN Cái Mép và Phú Mỹ 2 hiện chưa đủ lượng nước thải để truyền dữ liệu. Các DN trong các KCN này hiện đang xử lý theo hình thức xử lý nước thải cục bộ. Riêng các DN có lưu lượng khí thải lớn như luyện thép, sản xuất xi măng… được đấu nối trực tiếp về Trung tâm điều hành QTTĐ mà không phải thông qua KCN.
KCN Phú Mỹ 1 đã đầu tư hệ thống QTTĐ nhưng chưa truyền được dữ liệu về Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh. |
Công ty đầu tư và khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (IZICO) có 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) công suất 3.000m3/ngày đêm (KCN Đông Xuyên) và 4.000m3/ngày đêm (KCN Phú Mỹ 1). Cả 2 nhà máy này đã lắp đặt hệ thống QTTĐ từ năm 2013 nhưng vẫn chưa truyền được dữ liệu về trung tâm điều hành. Theo đại diện IZICO, là DN có vốn nhà nước nên khi đầu tư các hạng mục mới, công ty phải làm văn bản gửi Sở Tài chính phê duyệt kinh phí. Do vướng một số quy định nên công ty chưa được phê duyệt kinh phí triển khai hạng mục xây dựng đường truyền số liệu về trung tâm điều hành.
Theo đó, IZICO thuộc diện đấu nối hệ thống dữ liệu QTTĐ theo quy định tại Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường khu kinh tế, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Theo quy định này, nếu đã lắp đặt hệ thống QTTĐ, DN chỉ cần nối đường truyền vào hệ thống QTTĐ chung của tỉnh. Tuy nhiên, Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường CCN, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lại yêu cầu ngoài đường truyền còn phải gắn thiết bị lấy mẫu và camera giám sát. Thế nhưng hiện nay Bộ TN-MT chưa có hướng dẫn cụ thể về thiết bị lấy mẫu nên các đơn vị liên quan chưa có cơ sở để phê duyệt kinh phí.
Còn theo đại diện Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn - TNHH MTV (SGCC) - chủ đầu tư hạ tầng KCN Cái Mép, năm 2017, SGCC đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị nhà máy XLNTTT công suất 4.000m3/ngày đêm và sẵn sàng vận hành nước thải. Ông Dương Dũng Nhân, Phó Tổng Giám đốc SGCC cho biết, đến nay nhà máy vẫn chưa tiếp nhận được nước thải để xử lý vì mạng lưới thu gom nước thải từ các DN dẫn về nhà máy XLNTTT phải băng ngang tuyến đường Phước Hòa - Cái Mép. Do tuyến đường này đang thi công nên việc thi công mạng lưới thu gom nước thải và nước mưa phải chờ để đồng bộ với tuyến đường này. “Khi nhà máy có nước thải để vận hành, SGCC sẽ tiến hành truyền dữ liệu QTTĐ về trung tâm điều hành. Trong thời gian này, các dự án thành phần trong KCN được xử lý nước thải theo hệ thống XLNT cục bộ đạt chuẩn của từng đơn vị, DN”, ông Nhân nói.
KIỂM SOÁT CHẶT NGUỒN THẢI
Theo quy định của Bộ TN-MT các KCN, CCN và DN có lưu lượng nước thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên phải có hệ thống QTTĐ và đấu nối dữ liệu về trung tâm điều hành để Sở TN-MT theo dõi, giám sát. Bộ TN-MT cũng quy định 6 đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, gồm: Sản xuất phôi thép (sản lượng từ 200.000 tấn/năm trở lên); nhiệt điện (trừ sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên); sản xuất xi măng; hóa chất và phân bón (sản lượng trên 10.000 tấn/năm); sản xuất dầu mỏ (sản lượng trên 10.000 tấn/năm); lò hơi công nghiệp (sản lượng lớn hơn 20 tấn hơi/giờ). Theo quy định này, BR-VT có 30 đơn vị, DN phải đầu tư hệ thống QTTĐ và truyền số liệu về Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh. Đây là các DN có nguồn xả thải lớn, có nguy cơ ô nhiễm môi trường ở mức cao, cần giám sát chặt chẽ.
Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy thép Posco SS Vina. |
Sau gần 3 năm lắp đặt Trung tâm điều hành QTTĐ, tình trạng ô nhiễm môi trường của các DN có lưu lượng xả thải lớn đã được kiểm soát tốt hơn. Thông qua các thông số, dữ liệu truyền về trung tâm điều hành QTTĐ, một số vụ việc DN xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường đã được Sở TN-MT phát hiện, xử lý kịp thời. Cụ thể, tháng 8-2018, từ Trung tâm điều hành QTTĐ, Sở TN-MT đã phát hiện nhà máy thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ 1) xả khí thải chưa qua xử lý ra môi trường. Từ đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1 trong 3 quạt hút bụi của nhà máy (công suất 1.500KW/quạt) gặp sự cố, dẫn đến khí thải chưa qua xử lý thải ra môi trường. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện thêm nơi đặt lò luyện hồ quang của nhà máy chưa được che chắn kín nên vẫn có hiện tượng khí thải phát sinh từ quá trình sản xuất không được thu gom hết, phát tán ra ngoài qua các khe hở trước khi xảy ra sự cố.
Theo Sở TN-MT, các chủ đầu tư KCN đầu tư hệ thống QTTĐ nước thải và thực hiện việc truyền số liệu quan trắc tự động 24/24h về Trung tâm quản lý của tỉnh để theo dõi, giám sát. Cụ thể, cứ 5 phút, các thông số đo sẽ được truyền về trung tâm điều hành. Trong quá trình giám sát hình ảnh camera nếu phát hiện nguồn thải có những dấu hiệu bất thường như màu sắc của nước thải, khí thải… Trung tâm QTTĐ sẽ thông báo ngay với đơn vị chủ quản để kịp thời kiểm tra khắc phục sự cố. Đồng thời cảnh báo cho chủ nguồn thải biết hiện trạng đang phát thải của cơ sở để chủ nguồn thải kịp thời ngừng xả thải và kiểm tra việc vận hành các công trình xử lý môi trường. DN nào vượt quy chuẩn, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu tự động để kiểm tra. Nhờ đó, Trung tâm điều hành QTTĐ đã giúp cơ quan chức năng quản lý và giám sát chặt chẽ việc xả thải của các DN có lưu lượng xả thải lớn, kịp thời nhắc nhở, yêu cầu DN khắc phục khi nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cũng như làm cơ sở để xử lý vi phạm theo quy định, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các DN.
|
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh được đầu tư hệ thống máy chủ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Do đó, để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, Sở TN-MT đã đề xuất, thời gian tới Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) cũng phải xây dựng Nhà máy XLNT tập trung và lắp đặt hệ thống QTTĐ để truyền dữ liệu về trung tâm điều hành QTTĐ tỉnh. Từ đó, Sở theo dõi, giám sát việc xả thải của các DN sản xuất, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại của tỉnh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ