Thời gian qua, các cơ quan chức năng, chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại rừng và vi phạm Luật Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp để phòng cháy, chữa cháy rừng trong cao điểm mùa khô năm 2019.
Lực lượng kiểm lâm thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu bắt đối tượng xâm phạm rừng. |
NGÀY ĐÊM BẢO VỆ RỪNG
Chiều tối 16-1, trong khi tuần tra, Tổ Cơ động thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (gọi tắt là KBT) phát hiện dấu hiệu phương tiện lạ xâm nhập khu vực cấm nên báo cáo cấp trên. Trong thời gian ngắn, lực lượng bảo vệ rừng đã có mặt phục kích tại các vị trí trọng yếu ra vào KBT. Đến 19 giờ 30 phút, Tổ Cơ động phát hiện 2 đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép ra khỏi rừng nên vây bắt. Các đối tượng đã bỏ tang vật là 0,48m3 gỗ và 2 xe máy, chạy trốn vào rừng.
Theo ông Nguyễn Văn Quyết, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng, Ban quản lý KBT, đây là một trong số những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp điển hình tại KBT. “Rừng rộng gần 11 ngàn ha, lại nằm trong khu vực dân sinh nên địa bàn KBT là một trong những nơi có tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp diễn ra phức tạp nhất của tỉnh. Các vi phạm chủ yếu là khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản. Vì vậy, để bảo vệ rừng, lực lượng chuyên trách của Ban quản lý KBT phải ngày đêm tuần tra, bảo vệ rừng”, ông Quyết nhấn mạnh.
Lực lượng bảo vệ rừng tại KBT được chia làm 8 trạm và 1 tổ cơ động với gần 40 người, bố trí tại các địa điểm trọng yếu quanh rừng. Ông Nguyễn Văn Tiềm, Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng số 3 cho biết, mỗi trạm bảo vệ rừng có từ 4-5 người. Ngoài việc túc trực ban ngày, các anh còn luân phiên tuần tra vào ban đêm. “Trung bình, mỗi anh em trực tuần tra 2 đêm thì được nghỉ 1 đêm. Vì vậy, có thể nói chúng tôi ngủ trong rừng nhiều hơn ở nhà”, ông Tiềm cho biết.
Bên cạnh đó, khu vực rừng phòng hộ, trong đó có rừng ngập mặn cũng được các cơ quan chức năng, chủ rừng bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Trần Văn Tuyền, Trưởng trạm Quản lý Bảo vệ rừng Tân Phước cho biết, đơn vị có 4 người, quản lý khoảng hơn 3.000ha rừng ngập mặn, thuộc xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) và xã Tân Phước (TX. Phú Mỹ). “Trung bình mỗi viên chức quản lý khoảng 700ha rừng. Hàng tháng, chúng tôi phối hợp với kiểm lâm, chính quyền địa phương tổ chức truy quét định kỳ 8-10 lần, bên cạnh đó là các đợt tuần tra đột xuất, kể cả vào ban đêm để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp xâm hại đến rừng ngập mặn”, ông Tuyền nói.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống cháy rừng
Ngoài các biện pháp truyền thống, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống cháy rừng. Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xây dựng 2 hệ thống quan trắc (1 tại huyện Xuyên Mộc và 1 tại TP. Bà Rịa) nhằm thu thập các chỉ số về độ ẩm không khí, lượng mưa, tốc độ gió… từ đó đưa ra cảnh báo cháy rừng kịp thời, chính xác. Bên cạnh đó, Chi cục cũng triển khai phần mềm “Cảnh báo điểm cháy rừng” thông qua tin nhắn điện thoại. Phần mềm này ứng dụng công nghệ chụp ảnh từ vệ tinh, mỗi ngày chụp 6 lần, khi phát hiện điểm nghi cháy, hệ thống chuyển thẳng đến máy chủ để phân tích tọa độ, địa điểm, sau đó thông báo bằng tin nhắn đến các đơn vị chức năng và chủ rừng trên địa bàn tỉnh để xử lý kịp thời. |
Ngoài tăng cường tuần tra, kiểm soát, cơ quan chức năng còn chú trọng công tác tuyên truyền. Cùng với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan kiểm lâm và chủ rừng còn khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ cao tham gia các hoạt động xâm hại rừng và đến tận nơi cư trú để tuyên truyền. Nhờ đó, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. Trong 3 tháng đầu năm 2019, có 26 vụ vi phạm, giảm 6 vụ so với cùng kỳ năm 2018.
CẢNH GIÁC VỚI “BÀ HỎA”
Ngoài việc bảo vệ rừng khỏi các hành vi xâm hại của con người, các đơn vị chức năng cũng chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ông Trần Giang Nam, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, ngay từ đầu mùa khô, cơ quan chức năng đã khoanh vùng gần 4.500ha rừng có nguy cơ cháy cao trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các địa phương có diện tích rừng dễ cháy nhiều nhất là huyện Côn Đảo (1.775ha), huyện Xuyên Mộc (794ha) và TX. Phú Mỹ 654ha. Từ đó, cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp kiểm soát nguồn sinh lửa gây cháy. Ông Nam cho biết: “Chi cục Kiểm lâm đã thành lập 46 tổ tuần tra, canh lửa, phối hợp với chủ rừng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trong và ven rừng; nghiêm cấm mang các vật liệu dễ cháy nổ, dễ phát sinh lửa, nhiệt vào khu vực gần rừng”.
Còn theo ông Phạm Việt Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Vũng Tàu, địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn, với 3.360ha (tập trung ở núi Lớn, núi Nhỏ và núi Nứa), trong đó diện tích rừng có nguy cơ cháy cao khoảng 414ha. “TP. Vũng Tàu thu hút nhiều khách du lịch nên việc quản lý càng thêm khó khăn. Ngoài công tác tuần tra, chúng tôi còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân, du khách cẩn trọng, không thắp nhang, đốt vàng mã, cắm trại, sử dụng lửa bừa bãi khi ở trong và ven rừng”.
Cùng với công tác phòng cháy, các cơ quan chức năng cũng đã xây dựng phương án đối phó khi xảy ra cháy rừng. Theo ông Nguyễn Văn Quyết, ngay từ cuối năm 2018, Ban Quản lý KBT thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu đã chuẩn bị các biện pháp và kế hoạch phòng, chống cháy rừng. “Chúng tôi đã làm đường băng cản lửa với diện tích 205ha tại các khu vực xung yếu. 19/19 bể chứa nước với dung tích hàng chục ngàn m3 phục vụ công tác chữa cháy đã được vệ sinh và bơm đầy nước. Ban quản lý cũng đốt chủ động hơn 98ha diện tích trảng cỏ dễ làm vật liệu cháy lan sang khu vực rừng cây lâu năm. Các phương tiện chữa cháy như máy bơm, bình xịt nước, máy thổi gió… được bảo dưỡng định kỳ. Hơn 5.000 người là lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và nhân dân địa phương sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có sự cố”, ông Quyết cho hay.
Bài, ảnh: QUANG VINH