Cơn sốt đất dấy lên ở vùng nông thôn Châu Đức

Thứ Năm, 18/04/2019, 17:21 [GMT+7]
In bài này
.

Sau TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa, TX.Phú Mỹ, cơn sốt đất đã bắt đầu dấy lên ở vùng nông thôn Châu Đức. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá đất ở Châu Đức tăng chóng mặt. Lượng giao dịch trong thời gian này tăng đột biến.

GIÁ ĐẤT TĂNG NHANH

Từ cuối năm 2017, nhiều người đã đổ xô về xã Nghĩa Thành và Suối Nghệ tìm các khu đất ở quanh khu vực Dự án KCN Đô thị Châu Đức, hay ở xã Suối Rao, xã Đá Bạc nơi gần KCN Đá Bạc. Việc ngày càng có nhiều người tìm mua đất đã khiến giá đất tại các khu vực trên bị đẩy lên cao đột biến, tăng lên gấp nhiều lần so với trước đây.

Anh Thắng, một người môi giới đất ở huyện Châu Đức được biết, đầu năm 2017, giá đất ở một số khu vực “nóng”, có tuyến đường đẹp, gần khu vực quy hoạch KCN Đô thị Châu Đức có mức từ 40-50 triệu đồng/sào (1.000m2). Nay mức giá có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng/sào, cao gấp 20 lần so với trước đây. Đơn cử như, miếng đất 1,4 sào ở mặt tiền đường số 21 - xã Suối Nghệ, trong đó có 160m2 đất thổ cư, đang được chủ đất rao bán với giá gần 3 tỷ đồng. Hay tại xã Đá Bạc, cách cổng KCN Đá Bạc khoảng 1km, miếng đất hơn 1,7 sào cũng được chủ đất rao bán với giá 5 tỷ đồng. Tại xã Nghĩa Thành, khu vực đường số 29, miếng đất chưa tới 800m2 cũng được chủ đất rao bán với giá 1,5 tỷ đồng.

Bộ phận một cửa của huyện Châu Đức hiện đang trong tình trạng quá tải số lượng người dân đến làm hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bộ phận một cửa của huyện Châu Đức hiện đang trong tình trạng quá tải số lượng người dân đến làm hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Chị Lê Thị Hoa, một người môi giới đất ở xã Nghĩa Thành cho biết, hiện giá đất mặt tiền dọc theo QL56 đi địa bàn huyện Châu Đức đang dao động ở mức 230-240 triệu đồng/m ngang, bình quân khoảng 3 tỷ đồng/sào.  “Đất càng vuông vắn, càng gần tuyến đường nhựa lớn thì giá trị càng cao, bán càng được giá”, chị Hoa cho biết.  

Theo ông Trần Bé, Chủ tịch UBND xã Suối Nghệ, giá đất xung quanh khu vực xã Suối Nghệ, xã Nghĩa Thành tăng cao là do khu vực này có quy hoạch KCN Sonadezi, nhiều nhà đầu tư cho rằng đây sẽ là khu vực tiềm năng, do số lượng nhà máy và số lượng công nhân sẽ tập trung về nhiều, nhu cầu sử dụng đất sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Với lợi thế gần các trục đường lớn, gần khu công nghiệp, đất ở xã Đá Bạc có số lượng giao dịch lớn nhất huyện Châu Đức hiện nay. Ảnh: TRÚC GIANG
Với lợi thế gần các trục đường lớn, gần khu công nghiệp, đất ở xã Đá Bạc có số lượng giao dịch lớn nhất huyện Châu Đức hiện nay. Ảnh: TRÚC GIANG

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình hình mua bán đất biến động mạnh ở huyện Châu Đức trong thời gian qua phần lớn tập trung ở khu vực Đá Bạc, Nghĩa Thành, Suối Nghệ, Suối Rao, Kim Long… có vị trí gần các KCN đang hình thành, dọc theo QL56 và các tuyến đường lớn của huyện. Các xã còn lại cũng có tăng vài lần so với trước, nhưng cũng chỉ dao động từ 100-600 triệu đồng/sào, tùy từng khu vực khác nhau. 

Theo đánh giá của giới chuyên môn, giá đất trên địa bàn huyện Châu Đức tăng cao trong thời gian qua là do giới đầu tư đất đai “lướt sóng”, mua đi bán lại nhiều lần, khiến giá đất không ngừng leo thang. “Cùng khu vực đó, cùng thửa đất đó, cùng vị trí đó, nhưng chỉ một vài ngày sau, khi sang tay chủ đất mới, thửa đất đã có mức giá mới. Giá chênh lệch có khi lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng”, anh Tiến - một người môi giới đất ở xã Đá Bạc cho hay.

GIAO DỊCH QUÁ TẢI

Giá đất tăng cao, kéo theo số lượng giao dịch mua-bán đất trên địa bàn huyện Châu Đức cũng tăng nhanh trong thời gian qua. Đơn cử như, năm 2018, xã Đá Bạc có 1.719 hồ sơ làm thủ tục giao dịch đất đai, tăng gần 1.200 hồ sơ so với năm 2017. Riêng 3 tháng đầu năm 2019, địa phương này có gần 600 hồ sơ giao dịch đất đai.

Ghi nhận của phóng viên tại Bộ phận một cửa UBND huyện Châu Đức vào một buổi sáng cuối tuần trước cho thấy, lượng người tới giao dịch hồ sơ đất quá tải. Ông Thái Tăng Lâm, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Châu Đức cho biết, số lượng hồ sơ giao dịch đất đai trên địa bàn tăng nhanh. Trước đây, chỉ có vài chục hồ sơ/ngày, hiện nay đã tăng lên tới hơn 100 hồ sơ/ngày. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và cơ quan chuyên môn phải làm việc hết sức, kể cả tăng ca, tăng giờ mới xử lý kịp cho người dân. 

Theo thống kê của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Châu Đức, năm 2017, lượng hồ sơ giao dịch đất đai trên địa bàn huyện đã giải quyết 5.137 hồ sơ, trung bình gần 430 hồ sơ/tháng. Năm 2018, số lượng hồ sơ giao dịch đất đai lên tới gần 12.000 hồ sơ, tăng gần 7.000 hồ sơ so với năm 2017, cơ quan chức năng của huyện phải giải quyết gần 1.000 hồ sơ/tháng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, đã có gần 4.000 hồ sơ đăng ký giao dịch đất đai trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Công Vinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, giao dịch về đất đai tăng mạnh trên địa bàn huyện trong thời gian qua cho thấy những tác động từ phía chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hiện nay, đã có sự chuyển dịch về cơ cấu lao động của huyện, nhiều gia đình con em đi làm ăn xa hoặc xuất khẩu lao động, nên nhu cầu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp giảm. Do đó, một số người dân đã sang nhượng bớt để đầu tư phát triển một số lĩnh vực khác nhằm phát triển kinh tế. “Tuy nhiên, người dân, cần sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính từ đất đai để phát triển kinh tế, ổn định đời sống gia đình. Đối với giới đầu tư cần thận trọng khi giao dịch và nắm kỹ hồ sơ của thửa đất, tránh những rắc rối không đáng có, ông Nguyễn Công Vinh khuyến cáo.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
;
.