Những năm gần đây, nông dân trồng mì trên địa bàn tỉnh liên tiếp gặp khó khăn do dịch bệnh hoành hành, giá cả bấp bênh. Diện tích trồng loại nông sản này liên tục giảm mạnh trong vụ Hè Thu 2019 do nhiều nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng, rau màu có giá trị cao hơn.
Thu hoạch khoai mì tại xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ. |
Thời điểm này đang là cuối vụ thu hoạch khoai mì Đông Xuân 2019. Theo phản ánh, năm nay giá khoai mì giảm mạnh. Vụ vừa qua, ông Nguyễn Văn Đông (ấp Thanh An, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) xuống giống 1,5ha khoai mì. Ông Đông cho biết: “Năm nay năng suất khoai mì ruộng của gia đình tôi khoảng 25 tấn/ha. Dù vậy, lợi nhuận vụ này giảm mạnh do giá giảm. Cụ thể, ruộng khoai mì được thương lái mua toàn bộ với giá 40 triệu đồng. Nếu quy ra chỉ được khoảng 1.600-1.700 đồng/kg, giảm 400-500 đồng/kg so với cùng kỳ. Với giá này, trừ chi phí tôi chỉ thu lãi được chưa đến 20 triệu đồng/ha/vụ, thấp hơn nhiều lần so với canh tác loại cây khác”.
Hay như tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, một trong những địa phương có diện tích khoai mì lớn của tỉnh với khoảng 350ha, nông dân cũng rất hụt hẫng vì giá khoai mì. Ông Trần Văn Tam, cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã cho biết, vụ thu hoạch vừa qua, năng suất khoai mì bình quân của xã đạt 25 tấn/ha, sản lượng 8.750 tấn. Năm nay, phân bón, thuốc BVTV và nhân công tăng nên chi phí sản xuất cao, lên đến 20-25 triệu đồng/ha. Với việc giá khoai mì giảm mạnh, ở mức 1.600-1.700 đồng/kg, lợi nhuận của người trồng loại nông sản này giảm mạnh, chỉ khoảng 15-20 triệu đồng/ha/vụ. Nếu so sánh với các cây trồng khác trên cùng diện tích thì chênh lệch khá lớn.
Theo một số thương lái thu mua khoai mì, những năm gần đây, giá cả của loại nông sản này lên xuống thất thường vì phụ thuộc vào sức mua của thị trường Trung Quốc. Do nguồn hàng còn tồn đọng của các DN xuất khẩu còn nhiều, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm so với năm ngoái nên đầu ra cho khoai mì của nông dân gặp khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, cũng như nhiều loại nông sản khác, khoai mì bị áp dụng chính sách truy xuất nguồn gốc khi muốn xuất sang Trung Quốc - thị trường chiếm đến 90% toàn bộ sản lượng mì của Việt Nam. Mỗi lô hàng muốn qua được cửa khẩu sẽ phải có “mã code” chứng minh nguồn gốc xuất xứ, điều kiện sản xuất. Tuy nhiên, với tình hình canh tác hiện nay, đây đang là một rào cản rất lớn cho nông dân.
Ngoài việc giá cả bấp bênh, thời gian qua, nông dân trồng khoai mì trên địa bàn tỉnh còn phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh hoành hành. Từ giữa năm 2018, bệnh khảm lá mì xuất hiện tại BR-VT với hơn 30ha diện tích mắc bệnh. Đến tháng 8-2018, đã có hơn 133ha diện tích mắc bệnh; trong đó, có 77ha phải tiêu hủy toàn bộ. Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã kịp thời thực hiện các biện pháp như: tiêu hủy khoai mì có tỷ lệ cây mắc bệnh trên 70%; phun thuốc trừ bọ phấn trắng ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh; nghiêm cấm vận chuyển giống khoai mì từ vùng nhiễm bệnh sang các địa phương khác; khuyến cáo bà con trong vụ mới không trồng giống khoai mì HLS-11...
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV, do không đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân, diện tích trồng khoai mì những năm qua liên tục giảm. Vụ Đông Xuân vừa qua, toàn tỉnh xuống giống 8.500ha khoai mì, giảm 300ha so với năm 2017. Dự kiến, vụ Hè Thu 2019, diện tích khoai mì xuống giống toàn tỉnh chỉ khoảng hơn 8.000ha, giảm 500ha so với năm 2018.
Để nâng cao hiệu quả canh tác trên cùng một diện tích đất, nhiều địa phương đã khuyến khích nông dân chuyển đổi từ cây khoai mì sang một số loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chủ tịch UBND xã Long Mỹ cho biết, năm 2016, diện tích sản xuất khoai mì của xã khoảng 100ha. “Tuy nhiên, thu nhập của loại cây này mang lại cho nông dân không cao. Vì vậy, chính quyền xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng nhãn xuồng cơm vàng (30ha), đậu phộng (40ha), dừa xiêm (6ha), xoài (15ha)… và bước đầu cho hiệu quả. Thu nhập bình quân của 1ha diện tích tăng lên trên 100 triệu đồng so với 20-30 triệu đồng/ha/vụ của cây khoai mì”, ông Trung thông tin.
Bài, ảnh: QUANG VINH