.

Bài 3: Doanh nghiệp chế biến thủy sản "đói" nguyên liệu

Cập nhật: 17:16, 02/04/2019 (GMT+7)

Năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD, tăng thêm khoảng 1 tỷ USD so với năm 2018. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, lo ngại lớn của ngành đến thời điểm này vẫn là nguồn nguyên liệu luôn trong tình trạng thiếu hụt.

Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải sơ chế cá đục.
Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải sơ chế cá đục.

Lợi nhuận giảm do phải nhập khẩu nguyên liệu

Thời gian qua, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn trong thiếu nguyên liệu sản xuất. Để giải quyết bài toán khó này, các DN đã thu mua nguyên liệu từ các tỉnh, thành khác trong nước, kể cả nhập khẩu từ nước ngoài mới bảo đảm hoạt động sản xuất. Công ty TNHH Hwa Kyuong Vina (Bình Châu Seafood) được xây dựng từ năm 2004 tại ấp Thèo Lèo, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Sản phẩm của công ty chủ yếu là cá bò, cá đuối, cá tuyết, cá mặt quỷ… xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ông Nguyễn Văn Thanh, quản lý Công ty Bình Châu Seafood cho biết, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đã xảy ra khoảng vài năm gần đây. Hiện nay chỉ hoạt động khoảng 10% công suất thiết kế (công suất thiết kế gần 100 tấn/ngày). Lượng công nhân từ 300 người nay giảm còn 70 công nhân vì không có nguyên liệu để sản xuất. Năm 2018, công ty phải nhập khẩu nguyên liệu 70%, 30% nguyên liệu trong nước chủ yếu được lấy từ Vũng Tàu, Phước Tỉnh và Phan Thiết (Bình Thuận).  Nhưng từ đầu năm 2019 đến nay công ty phải nhập khẩu 100% nguyên liệu từ nước ngoài, chủ yếu là các nước: Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico… Ông Thanh nhẩm tính, một ký cá nếu mua nguyên liệu trong nước có giá 14.000 đồng thì khi nhập khẩu có giá lên đến 17.000-18.000 đồng/kg. Đó là chưa kể việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài còn phụ thuộc vào các chuyến tàu cảng, nếu tắc cảng là phải đợi mấy ngày mới có cá. Từ đó sẽ làm trễ tiến độ giao hàng cho các công ty đối tác tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood), nguồn cung nguyên liệu hải sản trong nước đang dần cạn kiệt. Kích cỡ hải sản ngày càng thấp không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Trước đây, tàu cá đánh bắt trên biển khoảng 1 tháng, nay phải mất 2 tháng mới quay về đất liền nên việc bảo quản hải sản không được bảo đảm. Trước đây, công ty chỉ tổ chức thu mua tại địa phương cũng như các tỉnh lân cận là đủ chế biến, nay phải tăng cường lực lượng ra tận miền Trung rồi xuống Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng nhưng chỉ thu gom được khoảng 60% nhu cầu sản xuất, số còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do nguồn cung giảm mạnh nên giá hải sản đã tăng 20% - 30%. Chẳng hạn, nguyên liệu bạch tuộc hai da tăng lên 120.000 đồng/kg so với trước là 90.000 - 95.000 đồng/kg. Giá nguyên liệu tăng cao nhưng làm hàng xuất khẩu chỉ lãi 2% - 3% nên DN chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, vì tăng nhập khẩu từ nước ngoài nên giá cao hơn 15%, dẫn đến lợi nhuận của công ty giảm 50%.

Công ty TNHH Tứ Hải (78, Phước Thắng, TP. Vũng Tàu) chuyên sản xuất cá đục xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc với sản lượng trung bình khoảng 1.500 tấn thành phẩm. Theo ông Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cho biết, mỗi năm DN phải thu mua trung bình hơn 3.000 tấn nguyên liệu. Vài năm trở lại đây, do việc đánh bắt tận diệt khiến ngư trường cạn kiệt, dẫn đến nhiều loại hải sản gần như không còn, trong đó có loại cá đục DN sử dụng để chế biến các sản phẩm xuất khẩu. Do đó công ty phải nhập nguyên liệu từ các nước như Indonesia, Australia. Chẳng hạn như năm 2018, công ty phải nhập thêm khoảng 1.000 tấn nguyên liệu từ Indonesia và Australia. Riêng năm 2019, DN cũng dự trù phải nhập thêm khoảng 1.000 tấn cá đục tươi và một số loại cá khác từ Indonesia mới bảo đảm đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Việc phải nhập thêm nguyên liệu từ nước ngoài cũng khiến cho chi phí đầu vào của DN bị đội lên, lợi nhuận giảm.

Chế biến hải sản xuất khẩu tại Baseafood.
Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Tứ Hải.

Hướng tới sản xuất chế biến thủy sản bền vững

Theo ông Trần Văn Dũng cho rằng, điểm yếu nhất của ngành thủy sản chính là vấn đề nguyên liệu. Những bất cập phải kể tới như nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, ngư dân tự khai thác nên trình độ bảo quản trên tàu rất kém, chất lượng xuống cấp phải bán giá rẻ.

Mỗi năm, BR-VT khai thác hơn 300.000 tấn thủy sản, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về nguyên liệu. Trong đó, lượng cá bảo đảm chất lượng để chế biến chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại là cá phế phẩm chỉ dùng để chế biến bột cá. Bên cạnh đó, trong 60% lượng cá bảo đảm chất lượng, tùy vào chủng loại cá cần dùng để chế biến, các nhà máy chế biến cũng chỉ sử dụng được khoảng 1/3 số lượng, khoảng 60.000 tấn nguyên liệu.

Cũng theo các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản, lâu nay việc đánh bắt trên biển vẫn “mạnh ai nấy đánh” dẫn tới không hiệu quả. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, nuôi trồng nguyên liệu thủy sản rất manh mún, ngược lại khâu chế biến và thị trường xuất khẩu đang ngày càng phát triển. Để giải quyết tình trạng khan hiếm nguyên liệu hải sản, DN cần phối hợp với ngư dân tham gia vào chuỗi sản xuất để bảo đảm chất lượng sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác. Ngoài ra, cần tăng cường sự liên kết sản xuất trên biển, mô hình khai thác hải sản theo hình thức tổ, đội, các nghiệp đoàn để phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2019 và những năm tiếp theo, để xuất khẩu thủy sản bền vững, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như: Tập trung phát triển nuôi một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao để phục vụ chế biến xuất khẩu như: cá mú, cá đù Mỹ, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá bớp, tôm hùm đá (xanh), tôm hùm tre… Trong khai thác thủy sản, tập trung đầu tư đóng mới tàu vỏ sắt, vỏ composit có công suất lớn, trang bị các thiết bị hiện đại, đầu tư hầm bảo quản lạnh cho các tàu đánh bắt xa bờ để tăng sản lượng và chất lượng nguyên liệu thủy sản… Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin về các thị trường xuất khẩu, khuyến khích các DN nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến thủy sản để giảm nhân lực, tăng năng suất; tăng cường sản xuất các sản phẩm tinh chế, có giá trị cao để nâng cao chất lượng hàng hóa; chủ động thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm bảo đảm các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
(Ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương).

Đặc biệt hiện nay, việc Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản của Việt Nam và  khuyến cáo Việt Nam tổ chức khai thác hải sản đúng quy định, đồng thời trước yêu cầu khắt khe từ các thị trường nhập khẩu về nguồn gốc xuất xứ đòi hỏi tỉnh cần tăng cường kiểm soát, tổ chức khâu khai thác, đánh bắt. Ngoài ra, tại các cảng cá, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn ngư dân đánh bắt đúng ngư trường và cấp giấy chứng minh nguồn gốc cho ngư dân. Có như thế các DN xuất khẩu mới thu mua được. Theo bà Nguyễn Thị Mười, Trưởng phòng chất lượng Công ty TNHH Ngọc Tùng  (1589, đường 30-4, TP. Vũng Tàu), dù việc kiểm soát việc đánh bắt, khai thác thủy hải sản trên biển đã được cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra nhưng để giúp ngư dân cải thiện điều kiện đánh bắt tiến dần đến quy chuẩn chung của quốc tế vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó cần sự hỗ trợ của Nhà nước để ngư dân thay đổi dần thói quen đánh bắt từ truyền thống sang đánh bắt hiện đại có các phương tiện giám sát hành trình, giám sát nhật ký đánh bắt…

NHÓM PV KINH TẾ (Còn nữa)

----------------------

Bài 1: Mỗi chuyến biển là một lần hồi hộp

Bài 2: Thiếu bạn ghe đi biển

Bài 4: Đi tìm giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản

.
.
.