.

Đến bao giờ biển lại đầy tôm cá? - Bài 1: Mỗi chuyến biển là một lần hồi hộp

Cập nhật: 19:25, 31/03/2019 (GMT+7)
Theo phản ánh của ngư dân, những năm gần đây, ngư trường cạn kiệt, đánh bắt liên tục thua lỗ. Trong 5 năm qua, đã có 83 loài hải sản không còn được bắt gặp ở các vùng biển Việt Nam so với giai đoạn trước đó. Nhóm hải sản tầng đáy giảm tới gần 42% trữ lượng. Tổn thất sau thu hoạch hải sản ở mức 15-25%.
Đã từ lâu ngư dân BR-VT chưa có những mùa trúng biển liên tục. Trong ảnh: Niềm vui hiếm hoi của ngư dân trúng biển khi tàu cập cảng dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái (huyện Long Điền).  Ảnh: KHA SAN
Đã từ lâu ngư dân BR-VT chưa có những mùa trúng biển liên tục. Trong ảnh: Niềm vui hiếm hoi của ngư dân trúng biển khi tàu cập cảng dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái (huyện Long Điền).

 TÀU RA KHƠI SỢ LỖ VỐN

Tháng 3 trời nắng như đổ lửa, tại cảng cá Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) hàng trăm chiếc ghe đang nằm phơi mình chờ đêm tối ra khơi. Một số người đàn ông thay nhau giặt lưới, vệ sinh ghe. Trên bờ, những chị em phụ nữ chăm chỉ vá những chiếc rập rách. Chị Lê Thị Xuân (ấp Bình Hòa, xã Bình Châu) cho biết, 2 vợ chồng chị làm nghề đánh rập xếp, cách bờ biển Bình Châu khoảng 90 hải lý. Hàng ngày chồng chị và bạn ghe thường đánh các loại cá đù, cá đục, ốc, ghẹ, mực… từ 23 giờ đêm hôm nay đến 7 giờ sáng hôm sau. Theo chị Xuân, những năm trước, mùa Bắc (từ tháng 1 đến tháng 6), mỗi ngày vợ chồng chị đánh bắt được khoảng 40kg hải sản các loại. Nhưng khoảng hơn 1 năm nay, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt khiến sản lượng đánh bắt cũng giảm gần 50%. Anh Nguyễn Minh Hậu, chủ một ghe khác ở Bình Châu cho biết: “Không chỉ sản lượng đánh bắt giảm mà có những hôm để rập xếp ngoài khơi còn bị dã cào cuốn sạch, vừa không có được ký cá tôm nào lại vừa mất rập. 1 dắt rập xếp 80 cào, có giá 40 triệu đồng. Năm rồi tôi mất 2 dắt, đi toi 80 triệu đồng chứ ít chi”.

Ngư trường cạn kiệt, nhiều ngư dân phải đi xa hơn mới đánh bắt được thủy sản. Trong ảnh: Ngư dân thị trấn Phước Hải neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Lộc An chuẩn bị cho chuyến biển mới.
Ngư trường cạn kiệt, nhiều ngư dân phải đi xa hơn mới đánh bắt được thủy sản. Trong ảnh: Ngư dân thị trấn Phước Hải neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Lộc An chuẩn bị cho chuyến biển mới.

Cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cũng không còn cảnh tấp nập như những năm trước đây. Tàu hoạt động trên biển ngày càng đông, trong khi đó sản lượng ngày càng giảm nên lợi nhuận sau mỗi chuyến ra khơi thấp hơn trước, thậm chí có những chuyến lỗ. Một số loại cá trước đây rất dồi dào thì nay không còn thấy xuất hiện nữa như cá heo, cá đổng, cá mối, mực nang… Ông Huỳnh Văn Đảo (ấp Phước Lộc, xã Phước Tỉnh) nói: “Đi biển giờ quá khó khăn. Ngư trường ngày càng ít cá tôm nên mỗi chuyến tàu ra khơi lại hồi hộp, lo lắng. Trước đây chỉ đánh bắt mỗi ngư trường BR-VT hoặc xa hơn là Cà Mau, Kiên Giang, nay đánh bắt từ Bắc chí Nam mà vẫn lỗ vì toàn cá tạp. Biển bây giờ ít cá hơn nhưng chúng tôi vẫn ra khơi vì nếu neo tàu trong bờ không chạy thì cũng mau xuống cấp. Trước nhà có 2 đôi tàu công suất gần 1.000CV thì  nay chỉ còn 1 đôi 480CV vì lỗ quá”.

Phân loại cá tại cảng INCOMAP (phường 5, TP.Vũng Tàu).
Phân loại cá tại cảng INCOMAP (phường 5, TP.Vũng Tàu).

CÀNG ĐI CÀNG LỖ

Theo phản ánh của ngư dân, nhiều năm trở lại đây sản lượng hải sản có chiều hướng giảm mạnh, sản lượng đánh bắt chỉ bằng 50-60% so với 2-3 năm trước đây. Do đó, từ đầu năm đến nay, hầu hết ngư dân chỉ huề vốn hoặc bị thua lỗ. Sau gần 1 tháng lênh đênh trên biển, tàu cá của ông Nguyễn Hoàng (đường Bạch Đằng, TP.Vũng Tàu) vừa cập cảng phường 5. Chuyến vươn khơi này không như mong đợi, tàu cá có công suất 450CV chỉ thu được 3 tấn cá bò, 1 tấn cá ngừ và 1 tạ mực, bán được gần 100 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí dầu, thực phẩm, máy móc và chia cho bạn ghe, vụ biển này ông lỗ trên 50 triệu đồng. Ông Hoàng cho biết: “Trước đây, việc đánh bắt thường khá ổn định. Mỗi chuyến biển 20-25 ngày giúp ngư dân thu lãi trung bình 30-50 triệu đồng. Tuy nhiên, ít năm trở lại đây tình hình trở nên khó khăn. Tỷ lệ các chuyến biển trúng cá giảm trên 50% so với trước. Đây là tình trạng chung của nhiều tàu đánh bắt trên địa bàn phường 5 và các địa phương khác”.

Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm, nguyên nhân chính khiến sản lượng đánh bắt giảm mạnh là do thời tiết không thuận lợi, thứ hai là do nguồn lợi hải sản cũng đang dần cạn kiệt. Ông Huỳnh Cấy (đường Bạch Đằng, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Những năm gần đây, ngư trường Trường Sa thường xuyên có gió mạnh, thậm chí lên đến cấp 8-9 nên thời gian tàu cá không thể di chuyển để đánh bắt, phải neo giữa biển để bảo đảm an toàn cao hơn so với thời điểm trước. Đặc biệt, sau nhiều năm các tàu lưới kéo (giã cào) “hoành hành”, lượng thủy hải sản tại các ngư trường giảm mạnh so với trước”.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, BR-VT là một trong những địa phương có đội tàu lớn nhất cả nước với hơn 6 ngàn chiếc. Trong đó, hơn 50% trong đó đánh bắt xa bờ với công suất trên 90CV. Những năm gần đây, tổng trữ lượng thủy sản tại các ngư trường chính của các tàu cá trong tỉnh như ngư trường vịnh Thái Lan, vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đang suy giảm nghiêm trọng. Không những suy giảm về trữ lượng, các loại hải sản đánh bắt được trên biển còn thay đổi về chủng loại. Một số loài cá có giá trị kinh tế cao không còn nhiều, thậm chí cạn kiệt. Lượng hải sản chưa trưởng thành nhưng đã bị khai thác khá lớn, chiếm khoảng 30-40%. Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Nguyên nhân lớn nhất của việc nguồn lợi thủy sản ở các ngư trường trong nước suy giảm là việc đánh bắt tận diệt. Cụ thể là các loại tàu có mắt lưới nhỏ, đánh bắt gần bờ như lưới kéo vẫn còn khá nhiều. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 1.600 tàu lưới kéo, chiếm tỷ lệ 25% so với tổng số tàu đánh bắt trên địa bàn tỉnh. Ngư dân đánh bắt cá vào mùa di cư sinh sản của cá khiến các loài này không thể phục hồi”.

Theo chị Nguyễn Thị Kim Ngân (ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ), mỗi chuyến biển thường kéo dài hơn 1 tháng, chủ yếu là đánh bắt ốc hương và ghẹ. Ngư trường BR-VT cạn kiệt nên tàu phải đi xa hơn, chi phí cho tàu công suất 350CV của gia đình cũng tăng lên, khoảng 200 triệu đến 300 triệu đồng cho tiền dầu, sinh hoạt, nhu yếu phẩm… “Chuyến biển hồi đầu tháng 2 vừa qua, trừ hết chi phí chỉ đủ tiền chia cho bạn ghe chứ không có đồng lãi nào”, chị Ngân cho biết.

Ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, tính đến cuối năm 2018, tổng số tàu thuyền trên địa bàn xã là 549 chiếc với tổng công suất là 99.874CV, giảm 1,8% so với cùng kỳ. Số tàu thuyền giảm là do giá cả vật tư chi phí cao, thiếu lao động nghề biển, việc tiêu thụ sản phẩm của ngư dân chưa ổn định còn phụ thuộc vào đầu nậu và hơn nữa bà con ngư dân đánh bắt thua lỗ dẫn đến tình trạng bán ghe, tàu ngày càng cao.

Nghề biển cũng thất thường như thời tiết, lúc trúng mùa, lúc lại “ngồi chơi không”. Chẳng hạn như thời gian này, theo phân tích của các ngư dân là mùa khó đánh bắt bởi nước biển trong, đàn cá, mực di chuyển đi nơi khác. Ông Đồng Thanh Điền, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ khai thác thủy sản Lộc An (huyện Đất Đỏ) cho biết, gia đình ông có 6 chiếc tàu, trong đó có 5 chiếc trên 90CV, 1 chiếc 75CV. Mỗi năm 6 chiếc tàu vươn khơi từ 18-20 chuyến biển. Tuy nhiên, vào thời điểm này chỉ có 3 chiếc đi đánh bắt còn 3 chiếc nằm bờ. “Một phần do mùa này thời tiết không thuận lợi cho đánh bắt, mặt khác, thời gian gần đây, tình trạng trộm cắp ốc mồi để đánh bắt mực xảy ra nhiều. Mỗi thiên ốc chúng tôi phải mua mất 40 triệu đồng, chỉ cần mất 2 thiên là coi như chủ ghe cầm chắc lỗ”, ông Điền cho biết.

NHÓM PV KINH TẾ (Còn nữa)

-----------------

Bài 2: Thiếu bạn ghe đi biển

Bài 3: Doanh nghiệp chế biến thủy sản "đói" nguyên liệu

Bài 4: Đi tìm giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản

.
.
.