Bài 2: Làm gì để tận dụng tối đa lực đẩy?
Tập trung đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu gắn với quy hoạch sản xuất và bố trí dân cư, lựa chọn đúng đối tượng để hỗ trợ phát triển sản xuất là những giải pháp thiết thực được các địa phương đưa ra nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình 135.
Tuyến đường nhựa dài 2,5km nối liền từ thôn 1 xã Suối Rao (huyện Châu Đức) đến xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) được đưa vào sử dụng tháng 2-2019, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. |
ĐIỀU KIỆN SINH HOẠT CẦN CÓ SỰ THAY ĐỔI
Hiện nay, tại một số địa phương, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch còn thấp. Xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) là một ví dụ. Trong giai đoạn 2015-2018, xã Phước Tân có 3 ấp nằm trong vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) là ấp Thạnh Sơn 3, Tân Trung và Tân Rú với 1.101 hộ, 6.342 nhân khẩu, trong đó có 70 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mới chỉ có 348 hộ ở thôn Tân Trung được sử dụng nước sạch (chiếm tỷ lệ 31,6%). Còn lại 753 hộ với 4.431 nhân khẩu ở hai thôn Thạnh Sơn 3 và Tân Rú chưa có nước sạch để dùng. Nhiều gia đình phải sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt, ăn uống, dù nước giếng rất đục do chứa nhiều phèn.
Tương tự, tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức) có 110 hộ đồng bào DTTS với 472 nhân khẩu, nhưng chỉ có khoảng 30% số hộ được sử dụng nước sạch. Gia đình bà Lý Thị Gạt (dân tộc Châu Ro, thôn 1) và gia đình 4 người con của bà phải sử dụng chung nước từ giếng khoan trước nhà. Theo bà Gạt, nước giếng khi múc lên có nhiều phèn, đục nhưng do chưa có nước sạch nên vẫn phải dùng để nấu ăn. Vào mùa khô, nước giếng khoan cạn dần, để có nước tưới tiêu cho 300 gốc mít, đậu bắp, bà Gạt phải kéo đường ống nước từ con mương cách nhà gần 1km. Còn gia đình bà Lý Thị Sao (cùng thôn) chọn giải pháp mua nước đóng bình về uống và nấu ăn, trung bình mỗi tháng mất 300 ngàn đồng.
Gia đình ông Lâm Chí Liêm (dân tộc Hoa, ở ấp Phú Tài, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) được hỗ trợ lắp đặt đồng hồ điện vào tháng 2-2019. |
Không chỉ thiếu nước sạch, nhiều hộ nằm trong vùng ĐBKK tại 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc còn chưa có điện lưới sinh hoạt khiến đời sống gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả khảo sát thực tế của Hội đồng thẩm định (UBND tỉnh), tính đến cuối năm 2018, khoảng 30% dân số các thôn, ấp nằm trong Chương trình 135 sinh sống rải rác ở các khu vực sâu, cách xa đường chính, một số nơi chưa có điện lưới sinh hoạt. Riêng xã Hòa Hiệp và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) có khoảng 465 hộ đang sử dụng điện qua hình thức câu nhờ từ hộ khác và 18 hộ chưa có điện. Số hộ có nước sạch sinh hoạt còn hạn chế, nhiều hộ thiếu nước vào mùa khô. Nguyên nhân là do địa bàn rộng, dân cư sinh sống không tập trung nên khó khăn trong việc kéo đường ống dẫn nước, đường dây điện đến từng hộ.
Ngoài ra, việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân vùng ĐBKK cũng gặp một số khó khăn, trong đó việc cấp dê, bò giống cho một số hộ dân chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Một số dê giống bị bệnh, không thích nghi được môi trường sinh sống mới hoặc không sinh sản được nên người dân đã bán để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi khác. Một số hộ còn khó khăn về kinh tế, không có vốn đối ứng nên không được nhận bò giống.
Đại diện Phòng dân tộc huyện Xuyên Mộc cho biết, mặc dù được hỗ trợ nhiều chính sách để phát triển kinh tế nhưng đời sống của một số hộ còn nhiều khó khăn, phần lớn là do họ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, đi làm thuê thu nhập không ổn định, trình độ dân trí không đồng đều. Do đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật từ các lớp tập huấn vào sản xuất, chăn nuôi còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
GIẢI PHÁP NÀO?
Trước những khó khăn, tồn tại nêu trên, các địa phương đã lập kế hoạch, đề ra những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chương trình 135, phấn đấu đưa các thôn, ấp, xã còn lại ra khỏi vùng ĐBKK.
Ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, trong giai đoạn mới 2019-2020, huyện sẽ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đời sống của hộ gia đình đồng bào DTTS bảo đảm mức trung bình trở lên về thu nhập, nhà ở, hố xí hợp vệ sinh, điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt, giáo dục, y tế và thông tin. Ngoài ra, huyện sẽ tập trung đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất. Ngoài ra, huyện sẽ chú trọng khâu chọn hộ thụ hưởng chính sách về cây, con giống nhằm hỗ trợ đúng đối tượng, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả kinh tế không cao. Theo đó, mỗi hộ được chọn hỗ trợ sẽ được xét theo thứ tự ưu tiên từ chuẩn nghèo ĐBKK đến chuẩn nghèo tỉnh và do người dân bình chọn. Không thực hiện hỗ trợ đại trà tất cả các hộ nghèo và cận nghèo mà có sự bình xét công khai từ cơ sở, ưu tiên hỗ trợ những hộ gia đình có điều kiện phát triển sản xuất để tăng hiệu quả đầu tư của dự án.
Giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh có 15 thôn, ấp nằm trong vùng kinh tế ĐBKK được hỗ trợ từ chương trình 135. Cụ thể huyện Xuyên Mộc có 12 ấp, gồm: ấp 1, ấp 2 Tây (xã Bàu Lâm); ấp Bàu Hàm, ấp Bàu Ngứa (xã Tân Lâm); ấp Khu 1 (xã Bình Châu); ấp Tân Rú, ấp Tân Trung (xã Phước Tân); ấp Phú Quý, ấp Phú Tài, ấp Phú Lộc, ấp Phú Vinh, ấp Phú Lâm (xã Hòa Hiệp). Huyện Châu Đức có 3 thôn gồm: thôn Lồ Ồ (xã Đá Bạc), thôn 1, thôn 3 (xã Suối Rao). Dân số của 15 thôn, ấp nói trên khoảng 5.131 hộ, 23.262 nhân khẩu, trong đó có 1.011 hộ đồng bào DTTS. Tổng số hộ nghèo là 1.250 hộ, trong đó số hộ nghèo đồng bào DTTS là 263 hộ chiếm 21,04%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong 15 thôn, ấp này là 24,37%. |
Còn theo ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, nhìn chung trình độ dân trí vùng ĐBKK còn thấp so với mặt bằng chung nên việc tiếp thu khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào ở các vùng khó khăn cao hơn so với bình quân chung của cả huyện và khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các xã ĐBKK rất lớn. Nhiều hộ chưa áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên năng suất thu hoạch còn thấp, tiêu thụ rất khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tự vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời công tác giảm nghèo từng bước thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất và tinh thần giữa các dân tộc và các vùng trên địa bàn huyện.
Đối với dự án phát triển cơ sở hạ tầng, ông Nguyễn Tấn Bản đề xuất, các công trình đầu tư xây dựng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân, do nhân dân lựa chọn, công trình xây dựng phải gắn với quy hoạch sản xuất và bố trí dân cư, cơ cấu đầu tư hợp lý, ưu tiên đầu tư công trình phục vụ sản xuất, không quá tập trung công trình có vốn đầu tư lớn. Đồng thời, các địa phương cần dành nguồn lực để bảo dưỡng, duy tu công trình phát huy hiệu quả và tính bền vững của công trình, dự án. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, nhất là đối với dự án có tính đầu tư xây dựng, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của chương trình. Ngoài ra, các địa phương phải có kế hoạch phân loại xã, ấp hàng năm để xét những xã, ấp hoàn thành mục tiêu đưa ra khỏi diện đầu tư của chương trình.
Mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2019-2020 Giai đoạn 2019-2020, tổng kinh phí thực hiện chương trình là hơn 200 tỷ đồng. Mục tiêu được đặt ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo 3-4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu đến năm 2020, 100% thôn, ấp thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 90-100% thôn, ấp có trục đường giao thông được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 90-100% gia đình được sử dụng điện sinh hoạt và sử dụng nước hợp vệ sinh; Thu nhập của hộ gia đình được hỗ trợ phát triển sản xuất tăng 20-25%/năm; Bình quân mỗi năm có ít nhất 15% gia đình tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo; 90% hộ dân thuộc vùng ĐBKK được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước…
(Nghị quyết số 77/NQ-HĐND ngày 14-12-2018 của HĐND tỉnh) |
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, mục tiêu của kế hoạch thực hiện Chương trình 135 là góp phần cải thiện đời sống khó khăn cho đồng bào DTTS, hướng đến giảm nghèo bền vững. Vì vậy, thời gian tới, các sở, ban, ngành của tỉnh, các địa phương cần tiếp tục rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch theo hướng có gắn kết và lồng ghép các chương trình khác đang được thực hiện trên địa bàn (chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, chương trình kiên cố hóa kênh mương, kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội cho người dân 3 xã Xuyên Mộc, Hòa Hội và Hòa Hiệp…) nhằm bảo đảm hiệu quả và tránh trùng lặp. Ngoài ra, kế hoạch thực hiện Chương trình 135 phải bảo đảm thực chất, hiệu quả và tính đến yếu tố phát triển bền vững, việc đầu tư phải bảo đảm tính đồng bộ và tính kết nối với cơ sở hạ tầng liên vùng; Tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, nước sạch, vệ sinh môi trường. Đối với các dự án thành phần nên đầu tư đường cấp phối, bêtông nhựa hoặc bêtông xi măng, láng nhựa để bảo đảm tính bền vững của công trình và hiệu quả đầu tư.
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN
-------------------