"Cú hích" làm thay đổi bộ mặt nông thôn - Bài 1: Người dân được hưởng lợi
Tuyến đường nối từ ấp Tân Rú (xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) đi xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) dài khoảng 1,4km được trải nhựa năm 2016. |
Trở lại các xã trong vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của hai huyện Châu Đức và Xuyên Mộc sau 4 năm sau triển khai Chương trình 135, chúng tôi thực sự vui mừng bởi sự đổi thay trong mỗi thôn, ấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất hiệu quả, tạo cơ hội việc làm, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
ĐƯỜNG SÁ THÔNG THOÁNG
Xã Suối Rao là một trong 2 xã ĐBKK của huyện Châu Đức nằm trong Chương trình 135 giai đoạn 2015-2018. Cùng bà Mai Thị Bé, công chức Văn hóa-xã hội xã, chúng tôi đến thăm một số công trình đường, điện, nước sinh hoạt mới được nâng cấp, lắp đặt trong thời gian gần đây. Là một xã vùng xa, cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng được sự đầu tư của tỉnh và ưu đãi từ Chương trình 135, bộ mặt xã đã có nhiều khởi sắc. Những con đường liên thôn, liên xã được trải nhựa và lắp đặt đèn chiếu sáng.
Chỉ tay về con đường nhựa dài 2,5km nối liền thôn 1 của xã Suối Rao đến xã Long Tân (huyện Đất Đỏ), bà Bé cho biết: “Con đường này trước đây là đường đất, không có đèn đường. Mùa mưa, ô tô, xe máy đi qua dính đầy bùn, đất. Người dân đi lại, vận chuyển hoa màu rất vất vả. Năm 2018, theo Chương trình 135, đường được nâng cấp trải nhựa, mở rộng từ 6m lên gần 10m, lắp thêm đèn chiếu sáng, đi lại thuận tiện nên bà con ai nấy đều phấn khởi”.
Cán bộ xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) kiểm tra tình hình phát triển dê giống của gia đình bà Lý Thị Ngọc Mai (dân tộc Thổ, ấp Phú Vinh). |
Ông Phạm Tiến Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Rao cho biết, trong những năm qua, Chương trình 135 đã tạo điều kiện cho địa phương phát triển hệ thống hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện cũng như hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt, cây, con giống cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có đồng bào DTTS. Giai đoạn 2015-2018, toàn xã đã nâng cấp, nhựa hóa 33km đường giao thông nông thôn, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.
Còn tại huyện Xuyên Mộc, giai đoạn 2015-2018 có 9 ấp và 1 xã trong vùng ĐBKK với hơn 8.400 hộ, gần 39.000 nhân khẩu. Trong 4 năm qua, với 122,5 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, huyện đã đầu tư xây dựng 37 công trình giao thông, thủy lợi, điện hạ thế và nhà văn hóa dân tộc, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, trước năm 2014, tại các xã, ấp ĐBKK, hệ thống đường giao thông nông thôn chủ yếu là đường mòn và đường trải đá, xuống cấp nghiêm trọng nên người dân đi lại, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Sau khi huyện đầu tư sửa chữa, nâng cấp 32 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 140 km, đến nay khoảng 65-70% mạng luới giao thông nông thôn tại các khu vực này đã được hoàn thiện.
NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN
Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi, điện hạ thế, nước sinh hoạt cũng được đầu tư, lắp đặt tại các xã, thôn thuộc chương trình 135.
Giai đoạn 2015-2018, xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) đã được triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh, lắp đặt điện, nước sinh hoạt, cấp thẻ BHYT cho người dân. Gia đình anh Lâm Chí Liêm (dân tộc Hoa, ở ấp Phú Tài) là một trong 9 hộ đồng bào DTTS trong xã đã được hỗ trợ lắp đặt điện sinh hoạt. Anh Liêm cho biết, hơn 2 năm qua, gia đình anh phải dùng chung nguồn điện với hàng xóm vì không có điều kiện lắp đặt đồng hồ điện và kéo dây về nhà. “Nguồn điện thường bị quá tải nên gia đình tôi phải hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị điện trong nhà. Đã vậy, hàng tháng gia đình tôi vẫn phải trả tiền điện với mức giá cao hơn do chênh lệch giá điện theo quy định”, anh Liêm cho biết.
Tháng 2 vừa qua, gia đình anh đã được địa phương hỗ trợ lắp đặt đồng hồ điện, kéo đường dây điện về tận nhà. Thay vì mỗi tháng phải trả 200-300 ngàn tiền điện, giờ đây hàng tháng của gia đình anh chỉ tốn khoảng 100 ngàn đồng và có nguồn cấp điện ổn định, chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.
3 năm qua, gia đình ông Cao Quang Huệ (dân tộc Mường, ấp Tân Trung, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) đã có nước sạch để dùng và mỗi tháng lại được hỗ trợ 50% tiền nước nên ông rất phấn khởi. Ông Huệ nhớ lại, trước khi được cấp nước sạch, mọi sinh hoạt của vợ chồng ông và gia đình 4 người con đều bằng nguồn nước giếng. “Khi nấu ăn, tôi phải múc vào xô cho phèn lắng xuống, rồi gạn lấy phần nước trong để dùng. Biết là nước giếng không bảo đảm nhưng không còn cách nào khác. Bây giờ, có đường ống đưa nước sạch về tận nhà, lại còn được hỗ trợ 50% tiền nước, gia đình tôi phấn khởi lắm”, ông Huệ vui vẻ nói.
Thực hiện Chương trình 135, tỉnh đã đầu tư 51 công trình đường giao thông từ xã đến thôn, ấp, liên thôn; 8 công trình điện, 3 công trình thủy lợi, xây dựng 1 nhà Văn hóa DTTS; Hỗ trợ cây, con giống cho 1.341 hộ. Đến nay, khoảng 95% số hộ dân được sử dụng điện thắp sáng (khoảng 9.750 hộ) và 85% số hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt (khoảng 9.200 hộ). Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm gần 15%, từ 2.398 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 22% (đầu năm 2015) giảm xuống còn 917 hộ nghèo, tỷ lệ khoảng 8,4% (năm 2018). Trong đó, huyện Xuyện Mộc giảm 1.215 hộ, huyện Châu Đức giảm 266 hộ. Cuối năm 2018, có 3 xã và 6 thôn, ấp ra khỏi Chương trình 135 gồm: xã Hòa Hiệp, ấp Bình Thắng (xã Bình Châu), ấp Thạnh Sơn 3 (xã Phước Tân) của huyện Xuyên Mộc; xã Suối Rao, xã Đá Bạc, ấp Vinh Thanh (thị trấn Ngãi Giao), thôn 1 (xã Bình Trung), thôn Bình Sơn, thôn Bàu Điển (xã Đá Bạc) của huyện Châu Đức. |
Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân, xã có hơn 3.800 hộ dân sinh sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống người dân còn khó khăn. Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chương trình 135, bộ mặt của xã đã thay đổi đáng kể. Đời sống người dân được nâng cao, đặc biệt là đồng bào DTTS. Đến nay, 169 hộ đồng bào DTTS được sử dụng điện (đạt 100%), thu nhập của đồng bào DTTS đạt 49 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo là người DTTS giảm xuống còn 12 hộ (tỷ lệ 0,07%).
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cây, con giống từ Chương trình 135 cũng góp phần tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đầu năm 2018, gia đình bà Lý Thị Sao (dân tộc Châu Ro, thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) được hỗ trợ 2 con dê cái đang mang bầu. Nhờ chăm sóc tốt, đến cuối năm, 2 con dê này đẻ được 5 dê con. Cùng với 6 con dê của nhà, gia đình bà phát triển đàn dê lên hơn chục con. Ngoài ra, gia đình bà còn được địa phương hỗ trợ vay 40 triệu đồng để mua 2 con bò đực. Nhờ đó, kinh tế gia đình bà từng bước thay đổi. Từng là hộ nghèo cận quốc gia giai đoạn 2011-2016, đến nay gia đình bà Sao đã khấm khá hơn. “Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, kinh tế của gia đình tôi đã ổn định hơn, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước đây”, bà Sao vui vẻ nói.
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN
------------------------