Ngày 27-4-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-UBND hướng dẫn triển khai xây dựng "chợ văn minh thương mại". Các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện quyết định này và bước đầu đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần chấn chỉnh, khắc phục.
Bà Lê Thị Kim Chi, bán trái cây tại chợ Vũng Tàu (chợ đạt tiêu chuẩn văn minh thương mại) vui vẻ với khách. |
NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Mỗi sáng, chị Đặng Thị Thảo, tiểu thương chợ Bà Rịa lại dọn trái cây ra bán. Hàng hóa được chị sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt, có bảng niêm yết công khai giá từng loại. Khách đến mua hàng được chị tiếp đón niềm nở, ân cần. Chị Thảo chia sẻ: “Gần 1 năm qua, từ khi được Ban quản lý (BQL) chợ vận động xây dựng chợ văn minh thương mại, tôi ý thức được trách nhiệm của mình nên thực hiện nghiêm việc niêm yết giá hàng hóa, cam kết không bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; cân đúng trọng lượng và tiếp xúc với khách hàng bằng thái độ vui vẻ, thân thiện”.
Tiểu thương chợ phường 1, TP. Vũng Tàu bày bán, sơ chế thực phẩm trên nền chợ, không bảo đảm tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm của “chợ văn minh thương mại”. |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc, tiểu thương bán thịt tại chợ Vũng Tàu nói: “Buôn bán phải hòa nhã, thân thiện với khách hàng, hàng hóa phải bán đúng giá, bảo đảm chất lượng. Khi khách hàng thắc mắc điều gì, người bán phải sẵn sàng tư vấn nhiệt tình thì khách mới quý mà trở lại những lần sau”.
Ông Lê Bá An, Phó Trưởng BQL chợ Bà Rịa cho biết, thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đơn vị đã sắp xếp nơi buôn bán đúng chỗ, không cho lấn chiếm, bảo đảm lối đi thông thoáng. BQL chợ cũng vận động các hộ kinh doanh cùng thực hiện mô hình “chợ văn minh thương mại”, cam kết bán đúng giá, bảo đảm chất lượng, có thái độ giao tiếp văn minh, hòa nhã, không gây gổ, chèo kéo, lừa dối khách hàng... Nhờ vậy, ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của các tiểu thương ngày càng được nâng cao.
Khách hàng mua rau tại chợ Châu Pha (TX. Phú Mỹ). |
Theo Sở Công thương, qua khảo sát, chấm điểm theo Quyết định số 1058/QĐ-UBND, hầu hết các chợ đạt tiêu chuẩn văn minh thương mại trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện nghiêm túc các quy định về: Trang bị cân đối chứng hàng hóa và được kiểm định định kỳ; các mặt hàng thực phẩm được kiểm tra thường xuyên, bảo đảm an toàn thực phẩm, không có trường hợp ngộ độc thực phẩm do hàng hóa bán ra từ chợ. Công tác phòng, chống cháy/nổ, kiểm tra hàng hóa, phương tiện kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lối đi công cộng… cũng được thực hiện thường xuyên.
CÒN NHIỀU HẠN CHẾ
Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại trên toàn địa bàn là chủ trương của lãnh đạo tỉnh. Qua đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong kinh doanh; tăng cường công tác quản lý thị trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, chống buôn lậu và gian lận thương mại kết hợp với các quy tắc ứng xử văn hóa văn minh thương mại. Tính đến nay, hơn 2/3 BQL chợ trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại.
Mô hình bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng ở một số chợ vẫn còn nhiều hạn chế cần chấn chỉnh, khắc phục. Cụ thể, nhiều quầy sạp, cửa hàng, kios… không có bảng ghi rõ tên, địa chỉ, số đăng ký kinh doanh, điện thoại của chủ hộ kinh doanh. Một số chợ được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, biển hiệu đã cũ và chữ mờ chưa được sửa chữa; các quầy hàng chưa sắp xếp theo đúng ngành hàng, nhóm hàng, nền chợ bị ứ đọng nước tại một số khu vực buôn bán. Một số BQL chợ chưa thực hiện kiểm tra, giám sát thực phẩm trước khi đưa vào chợ nên còn tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được đưa vào chợ, gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số chợ chưa làm tốt công tác xử lý rác, nước thải, dọn dẹp vệ sinh trong chợ, tiểu thương bày bán hàng hóa bừa bãi, lấn chiếm lối đi chung...
Dù hệ thống siêu thị và các đại lý bán lẻ hàng hóa, cửa hàng tiện lợi xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng gia đình tôi vẫn giữ thói quen đi chợ truyền thống. Việc xây dựng chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại là việc làm cần thiết, tạo lập mối quan hệ giao tiếp thân thiện giữa người bán và người mua. Tuy nhiên, BQL các chợ cần thực hiện nghiêm và thường xuyên, liên tục công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ. Đồng thời, tổ chức tốt hơn việc thoát nước thải, rác thải và bảo đảm an ninh trật tự.
(Bà Nguyễn Thu Hà, 213/1/7A, Lê Hồng Phong,
phường 8, TP. Vũng Tàu)
|
Theo bà Bùi Thị Dung, sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới phân phối bán lẻ hiện đại, cùng với sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của chợ truyền thống. Tuy vậy, mạng lưới chợ truyền thống vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, là nơi tiêu thụ lượng lớn hàng hóa, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất. “Do đó, để từng bước xây dựng chợ văn minh, hiện đại, ngành công thương sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ BQL chợ và tiểu thương vì họ chính là chủ thể thực hiện mô hình này”, bà Bùi Thị Dung nhấn mạnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 88 chợ, trong đó có 3 chợ hạng I và 13 chợ hạng II, còn lại là chợ hạng III, chợ tạm. Thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành tiêu chuẩn chấm điểm chợ văn minh thương mại, tổ công tác liên ngành các địa phương đã chấm điểm 60/82 chợ loại I và II (các chợ hạng III và chợ tạm không thực hiện chấm điểm). Kết quả, trên địa bàn tỉnh có 19 chợ loại tốt, 28 chợ loại khá và 13 chợ không đạt tiêu chuẩn chợ văn minh thương mại. |
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục theo dõi, nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên việc duy trì và thực hiện các tiêu chuẩn văn minh thương mại tại các chợ, như: bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc hàng hóa, giá cả; thực hiện cân, đong chính xác; PCCC, an ninh trật tự khu vực trong và bên ngoài chợ, thực hiện nghĩa vụ thuế. Một giải pháp nữa là tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở hộ tiểu thương thực hiện tốt các tiêu chí văn minh thương mại, giữ gìn đạo đức kinh doanh, thái độ văn minh, thân thiện khi giao tiếp với khách hàng; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ trong từng ngành hàng và hộ kinh doanh tại chợ.
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH