"Trái ngọt" từ dòng nước mát Sông Ray
Từ khi có nguồn nước của hồ Sông Ray, bà con sống trên vùng gò đồi xã Suối Rao, huyện Châu Đức đã phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Nhờ đó, nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, đủ đầy, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Phân loại kích cỡ cá chình giống tại HTX Thủy sản Suối Giàu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức). Ảnh:ĐINH HÙNG |
Chị Đoàn Thị Thúy, vợ anh Thắng (thôn 1, xã Suối Rao huyện Châu Đức) cho cá ăn. |
Trước năm 2012, thu nhập chính của gia đình anh Nguyễn Thanh Chức (thôn 1, xã Suối Rao) là từ nghề trồng lúa nhưng bấp bênh do thiếu nước, thổ nhưỡng không phù hợp. Năm 2012, anh quyết định đào ao nuôi cá nước ngọt trên diện tích canh tác không hiệu quả. Chỉ tay về phía thượng nguồn, anh Chức cho biết: “Khu vực này là vùng cao, địa hình gò đồi. Trước đây, việc tìm nguồn nước tưới cho các loại cây trồng rất khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2016, khi hồ Sông Ray đi vào hoạt động, các kênh thủy lợi dẫn nước xuống hạ nguồn qua địa phương nên nguồn nước dồi dào. Tận dụng nguồn nước này, tôi và một số hộ đã đào ao, nuôi cá nước ngọt. Mô hình kinh tế này cho hiệu quả cao hơn so với trồng cấy”.
Sau khi có nguồn nước sạch, các hộ dân ở xã Suối Rao tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc các loại cá nước ngọt. Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Thắng (thôn 1, xã Suối Rao) vừa lúc anh đang cho cá ăn. Trên diện tích ao hơn 1ha, anh thả nuôi 6.000 cá giống các loại: Trắm, chép, mè trắng, rô phi… Hiện nay, đàn cá đã được 3 tháng tuổi và phát triển tốt. Nếu thuận lợi, lứa này có thể đem lại cho anh trên 200 triệu đồng tiền lãi. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá, anh Thắng cho biết: “Mỗi ngày, đàn cá được cho ăn 2 lần, thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp và cỏ voi. Sau khi tìm hiểu, tôi đã thêm vào khẩu phần ăn của cá lúa ủ mầm trong 3 ngày 3 đêm. Loại thức ăn này giúp thịt cá săn chắc, thơm và ngon hơn thông thường nên rất được khách hàng ưa chuộng”.
Thu hoạch cá tại ao nuôi của anh Nguyễn Thanh Chức (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức). |
Ngoài các hộ nuôi nhỏ lẻ, tại xã Suối Rao đã xuất hiện mô hình liên kết sản xuất, đem lại lợi nhuận nhiều tỷ đồng/năm. Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Suối Giàu cho biết, sau nhiều năm tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế, năm 2010, gia đình ông đã chọn xã Suối Rao để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Với 3ha ao nuôi, ông chọn cá lóc để khởi nghiệp. Nhờ nguồn nước, thổ nhưỡng phù hợp nên việc chăn nuôi thuận lợi. Nhận thấy tiềm năng, ông Nghĩa quyết định mở rộng sản xuất. “Từ năm 2017, tôi đã kêu gọi, liên kết một số nhà đầu tư và thành lập HTX Thủy sản Suối Giàu. Các cổ đông góp vốn và cùng tham gia công tác quản lý. Tôi cùng các kỹ sư, nhân viên trực tiếp điều hành sản xuất. Hiện nay, HTX có 11 thành viên, với vốn điều lệ 13 tỷ đồng. Bên cạnh nuôi cá lóc, chúng tôi cũng đã thành công với mô hình sản xuất cá chình giống. Mỗi năm, HTX xuất ra thị trường khoảng 300 tấn cá lóc thương phẩm và 10.000 cá chình giống. Lợi nhuận khá, mỗi cổ đông được chia khoảng 800 triệu đồng/năm”, ông Nghĩa phấn khởi nói.
Theo ông Nghĩa, khu nuôi cá chỉ cách kênh thủy lợi của đập Suối Rao và hồ Sông Ray 300m, rất thuận lợi trong về nguồn nước. Ngoài phát triển nuôi cá, HTX đang xây dựng trang trại chăn nuôi rộng 17ha thành khu du lịch sinh thái, gồm các hạng mục như khu nghỉ dưỡng, khu thực phẩm với thức ăn là các sản phẩm được nuôi tại trại, khu vườn cổ tích dành cho trẻ em… Dự kiến, đến cuối năm 2019, khu du lịch sẽ được đưa vào hoạt động.
Ông Phạm Văn Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Rao cho biết, trên địa bàn xã có 35ha nuôi cá nước ngọt. Những năm qua, nghề nuôi cá đã đem lại thu nhập ổn định, đời sống đủ đầy cho nhiều bà con nơi đây. “Nhằm hỗ trợ nông dân, UBND và Hội Nông dân xã đã mở các khóa tập huấn kỹ thuật nuôi cá cho bà con. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng làm cầu nối để hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư mở rộng diện tích chăn nuôi”, ông Hinh nói.
Bài, ảnh: QUANG VINH