Nông sản chủ lực mất giá: sau tiêu là điều
Cùng với hồ tiêu, thời điểm này, bà con nông dân đang tất bật thu hoạch vụ điều. Sau nhiều năm thất thu do thời tiết, mùa điều năm nay đa số các vườn điều của tỉnh cho năng suất cao. Tuy nhiên, giá loại nguyên liệu này giảm mạnh. Điệp khúc “được mùa mất giá” này tiếp tục đặt ra bài toán cho sự phát triển của ngành điều nói riêng và các loại cây công nghiệp của tỉnh nói chung.
Thu hoạch điều tại gia đình ông Lê Tuấn Hùng (xã Kim Long, huyện Châu Đức). |
NĂNG SUẤT CAO NHƯNG GIÁ GIẢM MẠNH
Thời điểm này, các hộ nông dân tại các vùng trồng điều trên địa bàn tỉnh như TX. Phú Mỹ, huyện Châu Đức… đang tất bật thu hoạch. Theo khảo sát, đây là vụ điều có năng suất cao nhất trong vài năm qua. Ông Lê Tuấn Hùng (thôn Quảng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức), người đang trồng chuyên canh hơn 3 sào điều cho biết, những năm trước, do ảnh hưởng của thời tiết, nhất là việc xuất hiện sương muối vào thời điểm ra hoa nên năng suất điều thấp, thậm chí có hộ chỉ được vài tạ/ha. “Năm nay, mưa trái mùa, sương muối ít xuất hiện, các loại dịch bệnh thường xảy ra trên cây điều bọ xít, sâu róm, bệnh thán thư, bệnh cháy lá không xuất hiện nên năng suất loại cây này tăng mạnh. Vụ này 3 sào điều của tôi cho đến gần 1 tấn hạt, cao nhất trong nhiều năm qua”.
Tuy nhiên, theo nhiều hộ trồng điều của tỉnh, dù năng suất tăng mạnh nhưng lợi nhuận từ hạt điều không tăng. Nguyên nhân là giá loại nguyên liệu này giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Xanh, ấp Bông Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức cho biết, năm ngoái, giá hạt điều ở mức cao từ đầu đến cuối vụ, trung bình ở mức 40-42 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay giá hạt điều giảm đến 10 ngàn đồng/kg, chỉ còn ở mức 30-32 ngàn đồng/kg. Ông Xanh cho biết: “Cây điều khi đã cho thu hoạch không tốn nhiều chi phí chăm sóc. Tuy nhiên, nhân công thu hoạch năm nay tăng cao do khan hiếm, cộng với việc giá loại cây này giảm mạnh đã khiến lợi nhuận của tôi không tăng so với năm trước”.
Theo một số DN chế biến và xuất khẩu hạt điều, nguyên nhân của việc giá loại nguyên liệu này giảm mạnh là do thị trường xuất khẩu hạt điều thành phẩm gặp khó khăn về đầu ra. Đặc biệt sản lượng hạt điều nguyên liệu ở một số nước châu Phi, Ấn Độ, Campuchia (các DN Việt Nam thường nhập điều nguyên liệu từ các nước này chế biến để xuất khẩu) của vụ điều năm 2018 còn ứ đọng rất lớn. Với tình trạng này, dự báo năm nay giá điều nguyên liệu sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp khoảng 30-35 ngàn đồng/kg cho đến hết vụ.
LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG?
Như vậy, sau hồ tiêu, đến lượt người trồng điều trên địa bàn tỉnh có vụ thu hoạch kém vui dù được mùa. Điều này đặt ra bài toán về phát triển bền vững cho ngành điều, một trong những loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh. Hiện nay, các cơ quan chức năng và nông dân trên địa bàn tỉnh đang từng bước thực hiện một số biện pháp như ổn định diện tích, xây dựng nguồn giống điều chất lượng cao, chuyển đổi sang trồng một số loại cây khác phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Theo Sở NN-PTNT, hiện diện tích điều trên địa bàn tỉnh còn hơn 9.000ha, mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 sẽ giảm xuống còn khoảng 8.000ha, năng suất trên 1,5 tấn/ha và sản lượng đạt trên 11.500 tấn/năm. Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp phấn đấu 100% diện tích trồng mới đều sử dụng giống điều chất lượng cao, đẩy mạnh các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông dân tái canh vườn điều. Đồng thời, Sở NN-PTNT cũng tăng cường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam bộ nhân giống điều mới để cung ứng cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật...
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam Vinacas dự báo năm 2019 có thể tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành điều nên các nhà sản xuất, chế biến cần thận trọng. Nhìn lại năm 2018, ngành điều Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi giá điều xuất khẩu tháng 9 chạm đáy hai năm còn 8.400 USD/tấn và tiếp tục giảm xuống còn hơn 8.100 USD/tấn trong tháng 12-2018. Nguyên nhân giá điều giảm như hiện nay là cung vượt quá cầu. Trong khi nhu cầu các sản phẩm điều trên thế giới chỉ tăng khoảng 5% thì sản lượng sản xuất điều nhân của Việt Nam tăng tới 25%. Vinacas cho hay Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân với thị phần tới 60%. |
Ông Lê Quý Thịnh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, địa phương này là một trong những vùng trồng hạt điều lớn nhất của tỉnh.Tuy nhiên, diện tích loại cây này những năm gần đây liên tục giảm do điều già cỗi hoặc lợi nhuận thấp nên nông dân chặt bỏ. Trước tình hình đó, huyện đã nhanh chóng tìm các biện pháp hỗ trợ nông dân tìm ra một số giống cây mới có thị trường tiêu thụ tốt, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. “Sau khảo sát, ngành nông nghiệp huyện nhận thấy ca cao là một loại cây tiềm năng, phù hợp với điều kiện phát triển của huyện Châu Đức. Vừa qua, huyện đã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng ca cao hữu cơ năng suất cao và hỗ trợ toàn bộ giống cho bà con địa phương trồng thêm 100ha ca cao”, ông Thịnh nói.
Ngoài chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã tìm cách nâng cao giá trị cây điều bằng một số biện pháp như áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Ông Trần Nam, ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức cho biết, cách đây 3 năm, vườn điều của ông do giống cây không tốt, già cỗi nên cho năng suất rất thấp. Vì vậy ông đã phá bỏ và trồng loại giống mới cho năng suất cao. Không những vậy, ông còn tìm kiếm một số loại điều từ một số địa phương và trại giống uy tín về trồng, nhờ đó chất lượng điều cao. Vụ điều năm 2018, ông thu hơn 1,6 tấn cho 5 sào điều. Ông Nam cho biết: “Bên cạnh đó, tôi còn sử dụng biện pháp xen canh điều và tiêu để tiết kiệm phân bón, nước tưới. Nhờ đó, dù năm nay cả tiêu, điều đều mất giá nhưng nhờ biện pháp này tôi vẫn thu được lãi chứ không bị thua lỗ như một số hộ khác”.
Bài, ảnh: QUANG VINH