.

Tăng đối thoại để hạn chế căng thẳng quan hệ lao động

Cập nhật: 17:52, 13/03/2019 (GMT+7)

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra các vụ ngừng việc tập thể. Phần lớn các vụ ngừng việc tập thể xuất phát từ việc DN vi phạm quyền lợi của người lao động (NLĐ), nhưng cũng có những vụ việc phát sinh do chưa có những sự thấu hiểu, chia sẻ giữa NLĐ và chủ DN. 

LIÊN TIẾP XẢY RA NGỪNG VIỆC

Từ đầu năm 2019 tới nay, BR-VT xảy ra 3 vụ ngưng việc tập thể. Mới đây nhất là vụ ngưng việc tập thể xảy ra tại Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (huyện Châu Đức) vào ngày 8-3. Nguyên nhân ban đầu là do các tài xế xe nâng của công ty bức xúc vì nón bảo hộ lao động do công ty cấp phát không phù hợp, không đạt chất lượng. Đồng thời, công nhân yêu cầu có sự thay đổi về lương và sửa chữa một số xe hư hỏng gương chiếu hậu, không bảo đảm an toàn. Để phản đối việc này, gần 30 NLĐ đã ngưng việc phản đối. Chỉ khi có cơ quan chức năng tới làm việc và công ty cam kết đổi mũ mới, sửa chữa và bảo trì một số xe hư hỏng thì CNLĐ mới làm việc trở lại.

Năm 2018, nhiều NLĐ Công ty TNHH Tùng Sơn ngừng việc tập thể đòi được hưởng tháng lương thứ 13.
Năm 2018, nhiều NLĐ Công ty TNHH Tùng Sơn ngừng việc tập thể đòi được hưởng tháng lương thứ 13.

Tương tự, cuối tháng 1, tại Công ty TNHH Chun IL Vina (TP.Bà Rịa) cũng xảy ra ngưng việc tập thể. Bức xúc vì công ty chậm thanh toán tiền lương, chi trả tiền thưởng không xứng đáng, hàng trăm công nhân ngưng việc tập thể, tập trung trước cổng công ty yêu cầu DN thanh toán tiền lương, chi trả tiền thưởng.

Trước đó, trong năm 2018, tại các KCN xảy ra 3 vụ ngừng việc tập thể. Cụ thể tại Công ty TNHH Aurelia Apparels Việt Nam (Châu Đức), Công ty TNHH Đóng tàu và cơ khí hàng hải Sài Gòn (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu). Điều đáng nói là có những DN không giải quyết dứt điểm những vướng mắc của NLĐ và liên tiếp xảy ra các vụ ngừng việc tập thể, như tại Công ty TNHH Đóng tàu và cơ khí hàng hải Sài Gòn. Có những DN làm ăn không hiệu quả, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến không đủ nguồn kinh phí để trả lương và các loại bảo hiểm nhưng lại không được NLĐ chia sẻ. 

Thống kê của LĐLĐ tỉnh cho thấy, năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ ngưng việc tập thể với sự tham gia của 1.258 NLĐ. Theo ông Nguyễn Đức Ý, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh thì các vụ ngừng việc tập thể không chỉ gây thiệt hại về mặt vật chất cho DN như tình hình sản xuất bị ngưng trệ, chậm cung ứng đơn hàng với đối tác… mà còn tác động xấu tới mối quan hệ lao động, ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài của DN. Đặc biệt, nhiều vụ ngừng việc còn ảnh hưởng đến trật tự, an ninh chính trị, an toàn xã hội đối với địa phương.

Người lao động của Công ty TNHH Mei Sheng Textiles (huyện Châu Đức) đã nhiều lần ngừng việc phản đổi quy định của DN. Ảnh: NHÃ UYÊN
Người lao động của Công ty TNHH Mei Sheng Textiles (huyện Châu Đức) đã nhiều lần ngừng việc phản đổi quy định của DN. 

XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH

Đứng trước thực tế trên, nhằm hạn chế mâu thuẫn về lợi ích giữa 2 bên, DN cần phải quan tâm nhiều hơn nữa tới chính sách lao động nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Đặc biệt là xây dựng được cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin 2 chiều giữa người sử dụng lao động và NLĐ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ… từ đó đưa ra những chính sách kịp thời để giải quyết các nguyện vọng chính đáng, phù hợp với NLĐ.

Để phòng ngừa, hạn chế ngừng việc tập thể, hướng tới xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển trong DN thì DN cần chấp hành tốt chính sách pháp luật, nhất là liên quan đến chế độ tiền lương, thưởng và thời gian nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi của NLĐ. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền để NLĐ hiểu được rằng, để bảo đảm quyền lợi thì không nhất thiết phải ngừng việc mà có thể yêu cầu công đoàn cấp trên hoặc cơ quan quản lý nhà nước can thiệp để giải quyết quyền lợi
(Ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh)

Tại Công ty TNHH E-TOP Việt Nam (KCN B1 Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ) nhờ áp dụng thành công giải pháp này đã xây dựng được mối quan hệ ổn định giữa DN và NLĐ. Năm 2012 tại DN từng xảy ra ngưng việc tập thể. Ngay sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc này, chủ DN đã phối hợp với tổ chức công đoàn tăng cường đối thoại định kỳ và thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho NLĐ. Là DN sử dụng hơn 3.000 lao động nhưng từ đó tới nay, DN không còn để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động trong DN.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH E-TOP Việt Nam thì để có được điều này, công đoàn đã đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa NLĐ và DN. Ngoài tổ chức đối thoại định kỳ, thông qua các hòm thư góp ý được đặt trong khuôn viên công ty, các ý kiến của NLĐ đều được ghi nhận và giải quyết thỏa đáng. “Tôi nghĩ, chính việc lắng nghe tiếng nói của NLĐ và kịp thời giải đáp vướng mắc cho họ đã góp phần tạo niềm tin, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định tại DN. Đồng thời, các chế độ phúc lợi được quan tâm, việc chi trả lương, thưởng kịp thời cũng giúp mối quan hệ giữa NLĐ và DN ngày càng gắn kết hơn”, bà Mai cho hay.

Còn theo ông Phạm Tài Ngọc, Chủ tịch LĐLĐ huyện Châu Đức, để ngăn chặn các vụ ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn huyện, LĐLĐ huyện đã chú trọng xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt là những kênh thông tin để kịp thời báo cáo các vụ việc ngay từ lúc manh nha. Từ nguồn thông tin này, LĐLĐ huyện nhanh chóng nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xử lý, giải quyết các vướng mắc giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động nhằm hạn chế các vụ ngừng việc tập thể.

Theo ông Nguyễn Đức Ý, các vụ ngừng việc xảy ra là lựa chọn “cực chẳng đã” của NLĐ nhằm đòi quyền lợi của mình. Để giải quyết các vụ ngừng việc như hiện nay cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật lao động đối với các bên. Khi phát hiện cần xử phạt nghiêm các DN vi phạm về pháp luật lao động, BHXH. “Để ngăn ngừa tình trạng này, cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn. Tôi nghĩ, nếu cơ quan chức năng chỉ kiểm tra và chỉ nhắc nhở mà không áp dụng xử phạt dễ khiến DN nhờn”, ông Ý khẳng định. 

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

.
.
.