.

Ngày quyền của người tiêu dùng (15-3): Đừng ngại lên tiếng

Cập nhật: 16:34, 14/03/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đã triển khai nhiều hoạt động bảo về người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn xảy ra phổ biến và ngày càng phức tạp hơn.

Lực lượng chức năng kiểm tra nguyên liệu làm bánh tại một cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại huyện Long Điền.
Lực lượng chức năng kiểm tra nguyên liệu làm bánh tại một cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại huyện Long Điền.

CHẤP NHẬN CHỊU THIỆT

Cuối tháng 2, chị Lê Thị Thúy (chung cư Lakeside A2, Khu đô thị Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) đặt mua chiếc váy trên trang bán hàng trực tuyến có địa chỉ Facebook là M.N.T. Trang này quảng cáo là chất liệu lụa tơ tằm, mềm, mát và không nhăn, giá bán 1,5 triệu đồng và phải chuyển tiền trước. Khi nhận hàng, chị Thúy mới biết chất liệu hàng không phải lụa, nhăn nhúm, ống tay lỡ chứ không phải là tay dài như trong ảnh mẫu. Chị phản hồi với chủ trang bán hàng thì họ vẫn khăng khăng là “đã gửi hàng đúng mẫu”. Chị Thúy đòi trả lại chiếc váy nhưng không được chấp nhận. Quá mệt mỏi và cũng không biết “kêu” ở đâu, chị Thúy đành ngậm ngùi nhận chiếc váy dù không mặc được.

Nhiều NTD khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự như chị Thúy. Theo đó, khi quảng cáo, bán hàng, người bán thường hứa hẹn về chất lượng hàng hóa, thậm chí có trang còn cam kết đền 100% giá trị tiền hàng nếu không đúng mẫu. Thế nhưng, sau khi khách chuyển tiền và nhận hàng xong, người bán liền chối bỏ trách nhiệm. Nhiều NTD khi đăng tải việc mình bị lừa đảo lên Facebook để cảnh báo cho bạn bè, người thân không rơi vào tình trạng tương tự, họ mới phát hiện mình không phải là nạn nhân duy nhất của những trang Facebook lừa đảo này. Chị Trần Thị Kim Dung (đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Vũng Tàu) cho biết, chị nhiều lần mua phải hàng không đúng với quảng cáo, nhưng do ngại đến các cơ quan chức năng, cũng không có hóa đơn chứng từ do chỉ giao dịch qua tin nhắn, điện thoại nên đành chịu thiệt.

Khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên chủ động tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được  hỗ trợ giải quyết. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua đu đủ tại siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu. Ảnh: VÂN ANH
Khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên chủ động tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được hỗ trợ giải quyết. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua đu đủ tại siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu.

Theo tìm hiểu, những hành vi nêu trên có thể bị xử phạt theo Điều 80 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và BVQLNTD. Tuy nhiên, đối với hình thức mua hàng qua mạng hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý. Thực tế, nhiều NTD mua hàng qua mạng đã khiếu nại vì mua phải hàng hóa kém chất lượng. Nếu hàng hóa mua có địa chỉ rõ ràng thì NTD vẫn được đền bù. Ngược lại, nếu mua phải hàng hóa của cửa hàng không có địa chỉ rõ ràng, địa chỉ ảo thì NTD đành chịu thiệt.

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HỘI BVQLNTD

Theo Hội BVQLNTD tỉnh, thời gian qua, Hội đã nhận được khiếu nại của nhiều NTD về tình trạng hàng nhận được không giống với quảng cáo về hình dáng, tính năng, công dụng, thông số kỹ thuật; sai về xuất xứ hàng hóa; thông tin sai về giá cả... Ngoài ra, các hành vi vi phạm khác như giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hư hỏng nhưng không thu hồi lại, giao hàng chậm, hủy đơn hàng không lý do.

Khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, NTD nên chủ động tìm đến  Hội BVQLNTD để được hỗ trợ giải quyết. Trong ảnh: NTD mua quần áo tại siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu.
Để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên đến các địa chỉ tin cậy.
Trong ảnh: NTD mua quần áo tại siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội BVQLNTD TP. Bà Rịa cho biết, sau gần 10 năm hoạt động, NTD đã tin tưởng và tìm đến Hội nhiều hơn. Năm 2018, Hội đã đại diện cho NTD giải quyết thành công 5 khiếu nại, buộc các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải bồi thường. Đáng chú ý, không chỉ giải quyết các khiếu nại của NTD trên địa bàn thành phố, Hội còn giải quyết nhiều vụ việc của NTD ở các tỉnh, thành khác khi đến BR-VT du lịch hoặc từ BR-VT đi các tỉnh, thành khác mua trúng hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Thời gian qua, các cấp Hội BVQLNTD đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tập huấn các nội dung cơ bản của Luật BVQLNTD; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan đến BVNTD thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giải quyết các khiếu nại của NTD; phối hợp với các ngành tăng cường giám sát việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, đo lường, VSATTP... Tuy nhiên, để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, NTD nên tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua sắm hàng hóa. Nếu chẳng may mua hàng giả, hàng kém chất lượng, NTD nên lưu giữ hóa đơn, chứng từ, hàng hóa và chủ động tìm đến các cấp Hội BVQLNTD để được hỗ trợ giải quyết.

Đơn cử, ông Nguyễn Văn T. (phường Phước Trung, TP. Bà Rịa) gửi đơn đến Hội khiếu nại về việc mua máy tính bảng qua mạng tại một cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh nhưng không kích hoạt được phần mềm. Ông T. đem máy đến trả lại cho Bưu điện TP. Bà Rịa và yêu cầu nhận lại số tiền đã mua nhưng không được hoàn tiền. Nhận được đơn, cuối tháng 12-2018, Hội BVQLNTD  TP. Bà Rịa đã tổ chức buổi làm việc với các bên. Sau khi phân tích và xác định nguyên nhân xảy ra sự cố do lỗi của đơn vị cung cấp hàng, ông T. đã được trả lại số tiền trên. Vụ khác, ông Đặng Ngọc P. (huyện Xuyên Mộc) khiếu nại với Hội BVQLNTD TP. Bà Rịa về việc ông đặt mua 1 chiếc xe ô tô hiệu Ford màu đen 7 chỗ với giá 1,3 tỷ đồng tại Cửa hàng của hãng xe này ở TP. Bà Rịa (khoảng đầu năm 2018) nhưng khi nhận xe lại có đốm trắng. Qua buổi làm việc, Hội đã phân tích và đối chiếu với đơn đặt hàng của ông P. và nhận thấy lỗi là do phía cửa hàng. Kết quả, ông P. đã được cửa hàng đổi cho xe khác đúng màu đã đặt.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Chinh, Chủ tịch Hội BVQLNTD tỉnh cho rằng, nhưng tình trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn đang xảy ra phổ biến và ngày càng phức tạp, nhất là khi hoạt động thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội… phát triển mạnh như hiện nay. Việc kiểm tra, xử lý các khiếu nại của NTD qua các kênh mua sắm trực tuyến còn nhiều bất cập, do các giao dịch này thường không có hóa đơn, chứng từ, không truy tìm được chủ tài khoản của người bán hàng. Trong khi đó, NTD vẫn còn tâm lý ngại đòi hỏi, bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình hoặc khi đến khiếu nại không cung cấp được các bằng chứng xác thực việc mình bị vi phạm quyền lợi như: Hàng hóa không còn nguyên vẹn, hóa đơn chứng từ mua hàng không còn, hoặc các trang mạng bán hàng không rõ ràng, không còn tồn tại… Điều này khiến các điều tra viên rất khó trong việc phát hiện kiểm tra và xử lý vụ việc.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - MINH AN

.
.
.