HẦU HẾT ĐỀU PHẢI CHUYỂN VỀ XỬ LÝ Ở BV BÀ RỊA
TTYT huyện Long Điền có quy mô 50 giường bệnh, trung bình mỗi ngày Trung tâm có hơn 200kg chất thải y tế, trong đó 0,5kg chất thải nguy hại không lây nhiễm, và 6kg chất thải nguy hại lây nhiễm. Bác sĩ Dương Văn Muôn, Giám đốc TTYT Long Điền cho biết, trước đây, Trung tâm có một lò đốt rác công suất 160kg/ngày (vận hành 8 giờ/ngày) với công nghệ đốt 2 buồng, sử dụng nhiên liệu dầu DO. Lò đốt này được di dời từ cơ sở cũ sang do công trình mới không được đầu tư hệ thống lò đốt rác (năm 2014). Tuy nhiên, chỉ sử dụng được vài năm lò đốt rác đã hư hỏng, không thể tiếp tục hoạt động.
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh kiểm tra chất lượng xử lý rác thải y tế tại BV Bà Rịa. |
Đoàn khảo sát hệ thống xử lý rác thải y tế tại BV Lê Lợi. |
Do không có hệ thống xử lý chất thải y tế nên Trung tâm đang phải ký hợp đồng xử lý rác với 2 đơn vị là Công ty CP Dịch vụ Đầu tư phát triển đô thị huyện Long Điền (xử lý chất thải y tế thông thường) và Công ty TNHH Bảo Vân (xử lý rác thải y tế nguy hại lây nhiễm).
Tương tự, TTYT huyện Đất Đỏ có một lò đốt rác thải nằm trong khuôn viên của trung tâm được trang bị từ năm 2011 cùng thời điểm với việc đầu tư xây dựng mới cơ sở. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, lò đốt đã ngưng hoạt động. Theo lý giải của lãnh đạo TTYT huyện Đất Đỏ, mỗi khi vận hành, lò đốt rác phát sinh khói, làm ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh, do đó, Trung tâm đã buộc phải ngưng sử dụng lò đốt. Hiện nay, chất thải y tế phát sinh hàng ngày được Công ty TNHH Bảo Vân thu gom, xử lý (tần suất 3 lần/tuần).
Lò đốt rác thải y tế tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền “đắp chiếu” do hư hỏng, không sử dụng được. |
Còn tại TTYT TP.Vũng Tàu, do chưa có hệ thống xử lý rác thải y tế nên mỗi một tháng, Trung tâm thu gom 202kg chất thải y tế nguy hại (kể cả của 17 trạm y tế xã/phường) giao cho Công ty TNHH dịch vụ Cảnh quan môi trường Kiên Minh xử lý.
Tuy nhiên, điều đáng nói là toàn bộ chất thải y tế nguy hại kể trên đều có điểm đến là lò đốt rác y tế của BV Bà Rịa.
VÀ NỖI KHỔ CỦA “NGƯỜI ANH CẢ”
Sáng 4-3, chúng tôi theo chân đoàn khảo sát đến khu vực xử lý rác thải y tế của BV Bà Rịa. Quanh khu vực lò đốt, khói xả đen kịt, hôi thối. Bên ngoài lò đốt là khu chứa chất thải và các thùng đựng chất thải sau khi đốt. Quan sát bên trong các thùng này vẫn còn nhiều vật liệu y tế chưa được tiêu hủy hết.
Những con số đáng báo động Theo Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh có 979 cơ sở y tế. Mỗi ngày, lượng chất thải rắn nguy hại khoảng 650kg, chất thải y tế thông thường khoảng 3.000kg. Với rác thải y tế thông thường, các đơn vị y tế đã ký hợp đồng với Công ty Công trình đô thị vận chuyển và xử lý chung với rác sinh hoạt. Còn rác y tế nguy hại chưa có nơi xử lý nên các cơ sở y tế tự xử lý bằng lò đốt rác. Tuy nhiên, trong số 13 cơ sở y tế công lập đã có lò đốt, hiện chỉ còn 6 lò đốt hoạt động. Các lò đốt này, có thời điểm đốt không hết chất thải theo đúng tiêu chuẩn quốc gia, khí thải cũng không đạt tiêu chuẩn. Những cơ sở không còn lò đốt đều phải ký hợp đồng vận chuyển về các đơn vị còn khả năng xử lý. |
Nhân viên phụ trách lò đốt cho biết, lò đốt này hiện phải vận hành liên tục cả ngày lẫn đêm để xử lý rác thải y tế nguy hại. Công suất thiết kế của lò đốt là 245kg/ngày (hoạt động ổn định trong 8 giờ), trong khi, số lượng rác phát sinh tại BV này lên tới 470kg/ngày. Như vậy, chưa tính tới lượng rác thải y tế nguy hại chuyển về từ các TTYT, thì chỉ riêng việc xử lý rác cho BV Bà Rịa đã là quá tải. Hiện nay, lò đốt của BV Bà Rịa đang phải hoạt động liên tục 24/24 giờ, dẫn đến thường xuyên bị hư hỏng.
Chờ đợi khu xử lý tập trung rác thải y tế
Tại Quyết định số 342/QĐ-UBND, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty CP Sara Vũng Tàu và Công ty CP Sara Việt Nam đầu tư Dự án Khu xử lý tập trung rác thải y tế bằng công nghệ đốt áp suất âm - không khói tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ). Dự án sử dụng khoảng 1ha đất, tổng vốn đầu tư hơn 123 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động chính thức vào quý IV/2022. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Bà Rịa cho biết, trước đây, đơn vị có 2 lò đốt chất thải rắn y tế (đốt nhiệt và vi sóng) được đưa vào hoạt động từ năm 2015. Sau một vài năm thì cả 2 lò xử lý rác bắt đầu trục trặc (rác xử lý không triệt để hoặc xả khói đen quá nhiều, phát sinh mùi hôi thối). Từ năm 2017, BV buộc phải ngưng sử dụng lò vi sóng để đốt rác. Chỉ còn lại lò đốt nhiệt đang vận hành, nhưng hoạt động không ổn định, phát sinh lượng khói quá lớn.
Bài, ảnh: MINH THIÊN