Cây măng tây bén rễ trên vùng đất cát

Thứ Tư, 06/03/2019, 15:12 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm 2018 đến nay, một số hộ dân tại ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ được chọn thí điểm trồng cây măng tây trên vùng đất pha cát của xã và bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế. Cây măng tây đang mở ra triển vọng cải thiện thu nhập cho nông dân xã Long Mỹ.

Vườn măng tây giống do chị Lương Thị Cẩm tự gieo hạt.
Vườn măng tây giống do chị Lương Thị Cẩm tự gieo hạt.

HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO

Thấy khách đến nhà, chị Lương Thị Cẩm bỏ dở việc thu hoạch măng tây, vồn vã ra chào. Gia đình chị Cẩm có hơn 1ha đất cát, trước đây trồng rau màu nhưng hiệu quả thấp. “Thổ nhưỡng không phù hợp nên trồng rau rất vất vả, năng suất thấp. Trên diện tích 6.000m2 trồng rau, thu nhập của gia đình tôi chỉ khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Tháng 1-2018, gia đình tôi được huyện chọn trồng thí điểm cây măng tây xanh trên diện tích 500m2. Sau lứa đầu, thấy vùng đất pha cát này phù hợp với cây măng tây, gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên 6.000m2”, chị Cẩm mở đầu câu chuyện. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chị Cẩm thu hoạch từ 5-8kg măng tây. Với giá bán 80.000 đồng/kg, gia đình chị sống khỏe với loại cây này. “Cũng diện tích này, mỗi ngày tôi chỉ mất thời gian chừng 1 tiếng hái măng, 2 lần tưới cây, nhưng thu nhập gấp 3 lần so với khi trồng rau”, chị Cẩm tính toán.

Kế nhà chị Cẩm là hộ ông Nguyễn Sỹ Hùng, cũng được chọn thí điểm trồng măng tây xanh. Trước đây, ông Hùng trồng mướp, bí, bầu, khổ qua trên diện tích 1.000m2, nhưng thu nhập chỉ đủ sống. “Từ ngày trồng măng tây xanh, tôi nhàn hơn mà thu nhập cũng tốt hơn. Do diện tích ít, nên mỗi năm trừ chi phí, tôi cũng để dư được 20-30 triệu đồng, không như hồi trồng rau chỉ vừa đủ đắp đổi qua ngày”, ông Hùng phấn khởi nói.

Theo chị Cẩm, ông Hùng, măng tây thích hợp với vùng đất pha cát và dễ trồng, năng suất cao. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm măng tây xanh tại vườn nhà chị Cẩm, ông Hùng đều được Công ty CP Nông nghiệp sạch Sao Mai (huyện Đất Đỏ) thu mua. 

TRIỂN VỌNG CẢI THIỆN THU NHẬP

Chị Lương Thị Cẩm và ông Nguyễn Sỹ Hùng là hai hộ được chọn thực hiện thí điểm mô hình trồng măng tây xanh do Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ triển khai từ tháng 1-2018. Trước khi trồng thử nghiệm, hai hộ trên đã được đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bình Thuận, được hỗ trợ 1.000 cây giống và 30% lượng phân bón ban đầu (tổng giá trị 14,5 triệu đồng). Ban đầu, hai hộ chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ. Sau 6 tháng, cây bắt đầu cho măng, lại được giá, sản phẩm được Công ty CP Nông nghiệp sạch Sao Mai bao tiêu nên chị Cẩm và ông Hùng đã mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất như hiện nay. Chị Cẩm cho hay, cây măng tây thân yếu nên người trồng phải làm trụ, có dây cước cố định thân cây, trồng cây theo luống và có rãnh thoát nước. Khi cây ra măng, chỉ 2-3 ngày sau có thể thu hoạch và cứ hái măng 3 tháng lại nghỉ 1-1,5 tháng để cây đủ dưỡng chất, tiếp tục lên măng. Nếu chăm sóc tốt, cây có tuổi thọ lên đến 6-8 năm.

Măng tây chứa nhiều kali, canxi, sắt, vitamin A và vitamin C, giàu chất xơ và khoáng chất. Thực phẩm này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như: giảm cân, lợi tiểu, ngừa ung thư, phòng chống suy giãn tĩnh mạch, hỗ trợ đường ruột và tốt cho tiết niệu… Người mua nên chọn cây măng có độ dài khoảng 15-20cm, mập mạp. Măng tây có thể nấu súp, xào thịt bò hoặc hấp/luộc…

Vừa trồng, vừa tham khảo tài liệu trên mạng internet và tự rút kinh nghiệm, đến nay, chị Cẩm đã thành thạo kỹ thuật trồng cho những ngọn măng mập, chất lượng cao và có thể tự gieo hạt, ươm cây giống. “Tôi đã dành 1.000m2 để ươm cây con. Thời gian qua, tôi đã bán được vài trăm gốc cây giống cho một số hộ nông dân trong và ngoài huyện trồng thử”, chị Cẩm nói.

Ông Phạm Văn Xum, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đất Đỏ cho biết, măng tây xanh phù hợp với vùng đất cát, dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tìm kiếm các đơn vị bao tiêu sản phẩm để nhân rộng mô hình trồng cây măng tây xanh trên địa bàn huyện, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân địa phương.

Bài, ảnh: MINH THANH

;
.