Tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có yêu cầu bắt buộc thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.
Trước đó, tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 8-2018 cũng đã đề ra mục tiêu đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Hiện nay, ngoài các cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết trên 2 sàn HOSE, HNX và UpCom, với 17 mã hiện nay gồm: CTG, BID, ACB, VCB, EIB, STB, SHB, MB, TPB, VPB, HDB, NVB, TCB, VIB, KLB, LPB, BAB và còn khá nhiều ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung theo quy định. Tức là hiện chỉ có 17 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết/đăng ký giao dịch trên 3 sàn, trong khi đó, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần là 31.
Được biết, năm 2018 có tới hàng chục ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhưng chỉ 3 ngân hàng thành công là Techcombank, HDBank và TPBank.
Theo Stockbiz, theo số liệu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, 60% các ngân hàng tại Việt Nam có tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, thuộc nhóm quy mô lớn. Có hơn 10 các ngân hàng có quy mô dưới 100.000 tỷ đồng theo thống kê tổng tài sản năm 2017, bao gồm BacABank, ABBank, OCB, NCB, VietABank, BaoVietBank, VietBank, VietCapitalBank, KienLongBank, PGBank và SaigonBank.
Quy mô tổng tài sản ngân hàng liên tục có sự thay đổi, nhưng nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước (Big 4) luôn là các ông lớn có quy mô lớn nhất. Tổng giá trị tài sản của BIDV, AgriBank, VietinBank, Vietcombank chiếm khoảng 1/3 tài sản của 31ngân hàng thương mại (không kể 3 ngân hàng 0 đồng và DongABank).
Mấy năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất và dẫn dắt thị trường.
NGUYỄN TRẦN