Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm tại chợ
Chợ truyền thống là nơi cung cấp thực phẩm thường xuyên và chủ yếu cho người dân. Do đó, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại chợ luôn được các cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn nhiều mặt hàng bày bán ở chợ chưa rõ nguồn gốc, kém chất lượng, thậm chí chứa chất cấm.
PHÁT HIỆN NHIỀU MẪU THỰC PHẨM CHỨA CHẤT CẤM
Ngày 11-2 (mùng 7 Tết), hoạt động kinh doanh mua bán ở chợ Bà Rịa đã trở lại bình thường. Ông Trần Hoàng Dũng, nhân viên Ban quản lý chợ Bà Rịa tiến hành test formol và hàn the (những chất cấm dùng trong thực phẩm) đối với mặt hàng chả lụa lấy mẫu từ một hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ. Việc này được tiến hành tại trạm kiểm nghiệm nhanh (test) các chỉ tiêu ATTP trong chợ. Sau 10 phút, kết quả âm tính, tức là sản phẩm không bị nhiễm các chất vừa nêu.
Ông Lê Bá An, Phó trưởng Ban quản lý chợ Bà Rịa cho biết, từ đầu tháng 8-2018, đơn vị đã đưa vào hoạt động trạm test nhanh, phân công nhân viên đã tham gia lớp tập huấn kiểm nghiệm nhanh các chỉ tiêu ATTP trực để kiểm tra nhanh các chỉ tiêu ATTP khi người tiêu dùng và hộ kinh doanh yêu cầu. Thời gian qua, các nhân viên tiến hành lấy mẫu và test nhanh chỉ tiêu hóa sinh trong thực phẩm ở chợ với gần 100 mẫu các sản phẩm như: mắm, măng chua, cải chua, ô mai, mực tươi, thịt heo, bún tươi, đậu hũ, dầu ăn, chả lụa, mì tươi, cà pháo muối, bánh hỏi, bún, chả cá, chà bông, bánh phở, cá tẩm… Qua đó, Ban quản lý chợ đã tịch thu và tiêu hủy tại chỗ một số sản phẩm dương tính với hàn the. Ông An cho rằng, từ khi trạm test nhanh đi vào hoạt động đến nay, nhận thức của các hộ kinh doanh ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, trong vấn đề bảo đảm VSATTP tại chợ vẫn còn tồn tại tình trạng hàng hóa kinh doanh của một số tiểu thương, nhất là mặt hàng rau, củ, quả và các mặt hàng thịt có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, gây bất an cho người tiêu dùng.
Nhân viên Ban quản lý chợ Bà Rịa test nhanh mặt hàng chả lụa về độ ATTP. Ảnh: TRIỆU VỸ |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai đề án “Kiểm soát ATTP tại 88 chợ trên địa bàn tỉnh”, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát VSATTP liên ngành tại các chợ. Thời điểm kiểm tra tập trung vào 6 tháng cuối năm 2018. Theo đó, Đoàn đã kiểm nghiệm nhanh 657 mẫu thực phẩm, phát hiện 23 mẫu dương tính với hàn the và formol (chiếm tỷ lệ 3,65% trên tổng số mẫu kiểm tra), bao gồm: 11 mẫu tàu hũ ky, 9 mẫu mỳ tươi, 1 mẫu cá khoai, 1 mẫu chả lụa, 1 mẫu thịt xay. Các mẫu này lấy tại các chợ trên địa bàn tỉnh, gồm: Bến Đình, Bà Rịa, Hòa Long, Phú Mỹ, Chu Hải, Phước Lộc, Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Long Điền, Đất Đỏ, Phước Bửu, Ngãi Giao, Suối Nghệ.
THAY ĐỔI NHẬN THỨC TIỂU THƯƠNG
Theo lãnh đạo Sở Công thương, sau đợt kiểm tra 6 tháng cuối năm 2018, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở vẫn chỉ đạo các phòng, ban, chuyên môn phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra việc thực hiện VSATTP tại các chợ. Qua đó, ý thức của các tiểu thương trong việc bảo đảm VSATTP đã được nâng lên, phần lớn thực phẩm đã được kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Hằng, kinh doanh rau, củ, quả tại chợ Vũng Tàu cho biết, bà lấy hàng từ các đầu mối ở Đà Lạt. Từ khi có thông tin khoai tây, cà rốt Trung Quốc “đội lốt” rau, củ, quả Đà Lạt, bà đã đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn với đầu mối ở Đà Lạt, yêu cầu không trộn lẫn củ, quả Trung Quốc vào sản phẩm của Đà Lạt để giao cho bà. Bên cạnh đó, bà đã liên hệ với một số HTX, hộ trồng rau trên địa bàn tỉnh để lấy thêm nguồn hàng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. “Hàng rau, củ, quả chất lượng tuy giá có cao hơn hàng sản xuất không rõ nguồn gốc, không tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua để bảo vệ sức khỏe của mình. Do đó, việc kinh doanh của tôi cũng thuận lợi hơn”, bà Hằng chia sẻ.
Người dân mua thịt heo tại chợ Vũng Tàu. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Tuy nhiên, kết quả đợt kiểm tra do Đoàn kiểm tra, giám sát ATTP liên ngành tỉnh tiến hành cuối năm 2018 cho thấy, vẫn còn tình trạng các mặt hàng không rõ nguồn gốc được đưa vào mua bán trong chợ. Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát VSATTP tại các chợ năm 2019, Sở Công thương đã chỉ đạo các ban quản lý chợ đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các hộ tiểu thương ký cam kết kinh doanh những mặt hàng bảo đảm VSATTP, bán hàng rõ nguồn gốc xuất xứ; xây dựng biểu mẫu, sổ sách nguồn gốc hàng hóa và kiểm tra việc ghi chép của các hộ kinh doanh trong chợ. Từ nay đến năm 2020, ngoài việc tiếp tục nhân rộng mô hình thí điểm chợ bảo đảm VSATTP, Sở Công thương phấn đấu trên địa bàn mỗi huyện có ít nhất 1 điểm kiểm nghiệm nhanh thực phẩm.
Ông Lê Bá An cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về công tác VSATTP tại chợ, Ban quản lý chợ Bà Rịa cũng yêu cầu các tiểu thương niêm yết giá bán đầy đủ, kinh doanh những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mua các sản phẩm tại những nơi sản xuất an toàn. “Ban quản lý chợ Bà Rịa sẽ tăng cường kiểm tra và lập biên bản vi phạm đối với hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, hàng kém chất lượng bày bán tại chợ và xử lý theo quy định”, ông Lê Bá An nhấn mạnh.
TRIỆU VỸ