.

Dịch vụ chăm sóc mai "hút" khách

Cập nhật: 17:51, 12/02/2019 (GMT+7)

Kỳ nghỉ Tết vừa kết thúc, nhu cầu gửi cây mai để chăm sóc tại các nhà vườn trên địa bàn tỉnh tăng cao. Theo đó, dịch vụ chăm sóc mai sau Tết trở nên bận rộn hơn bao giờ hết.

Khách chở mai đến gửi chăm sóc tại vườn mai Bá Thế (đường 30-4, TP. Vũng Tàu).
Khách chở mai đến gửi chăm sóc tại vườn mai Bá Thế (đường 30-4, TP. Vũng Tàu).

NHU CẦU NHIỀU

Sau một năm làm ăn thành công, anh Nguyễn Văn Dương, trú tại khu phố Hải Hòa, thị trấn Long Điền (huyện Long Điền) quyết định mua cây mai trị giá 15 triệu đồng để chưng vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Hết Tết, hoa đã tàn, công việc bận rộn, lại không am hiểu kỹ thuật chăm sóc mai nên anh Dương tìm đến vườn mai của ông Nguyễn Trung Hiếu (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) để gửi chăm sóc. Anh Dương cho biết: “Tôi gửi chăm sóc cây mai tại vườn với giá 2 triệu đồng/năm. Đây là vườn mai có uy tín nên tôi yên tâm và hy vọng Tết năm sau cây mai sẽ lại cho nhiều bông, nở đúng dịp Tết”.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, từ mùng 6 Tết, nhiều vườn mai tại các huyện Long Điền, TX. Phú Mỹ, TP. Vũng Tàu đã nhộn nhịp khách. Các xe tải loại nhỏ liên tục chở mai đến, bốc dỡ xuống vườn. Ngoài những cây mai được chủ vườn thu hồi sau khi cho thuê chưng Tết, phần lớn còn lại là mai được khách hàng gửi nhờ chăm sóc. 

Chủ một vườn mai trên địa bàn TX. Phú Mỹ cho biết, sau Tết, nhu cầu gửi mai chăm sóc rất lớn vì nhiều người bận rộn với công viêc, lại không hiểu rõ kỹ thuật chăm sóc loại cây này. Tiền công chăm sóc mai dựa trên giá trị và độ khó chăm sóc của cây. Thông thường, cây mai dưới 1 triệu đồng, công chăm sóc bằng 50% giá trị cây. Cây giá từ 1-2 triệu đồng thì công chăm sóc bằng 30% giá trị cây. Đối với những cây giá trên 2 triệu đồng, công chăm sóc khoảng 20-25% giá trị cây. Trường hợp cây bị chết hoặc mất, nhà vườn phải đền, nếu mai không nở đúng dịp Tết, nhà vườn sẽ bù cây khác tương đương cho khách.

NHÀ VƯỜN “KÉN CHỌN”

Nhu cầu nhờ chăm sóc mai rất lớn nhưng nhiều nhà vườn, nghệ nhân trồng mai trên địa bàn tỉnh cho biết, họ không quá mặn mà với việc nhận chăm sóc mai thuê. 

Ông Phan Bá Thế, chủ vườn mai Bá Thế (967 đường 30-4, phường 11, TP. Vũng Tàu) cho biết, những năm gần đây, chi phí nhân công, điện, nước, mặt bằng liên tục tăng cao nên giá thành chăm sóc mai cũng cao hơn. Tuy nhiên, nhà vườn rất khó đòi giá công chăm sóc mai cao nên ít có lãi. Ngoài ra, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, nguy cơ mai nở sớm lớn hơn, kéo theo rủi ro khi nhận chăm sóc mai thuê tăng lên. Ông Thế nói: “Tôi chỉ nhận chăm sóc mai cho một số người quen và khách hàng đã mua mai của mình chứ không nhận thêm khách mới. Những năm trước đây, có năm tôi nhận chăm sóc trên 500 cây mai nhưng giờ chỉ khoảng 100 cây”. Đây cũng là xu thế chung của nhiều chủ vườn mai trên địa bàn tỉnh. 

Ông Hồ Ngọc Vinh, chủ một vườn mai ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền cho biết, cây mai không khó chăm sóc, nhưng để có hoa đẹp và nở đúng Tết thì cần có sự chỉn chu, tỉ mỉ. Ông Vinh chia sẻ kinh nghiệm: Từ mùng 6 đến 15 tháng Giêng, cần thay hết đất (được làm từ hỗn hợp xơ dừa, trấu sống, phân bò) trong các chậu mai, ngắt hết các bông mai còn lại. Sau ngày 20 tháng Giêng, lá mai được tỉa hết, chỉ chừa lại cành. Sau đó, mỗi ngày tưới nước cho cây 1-2 lần và 7-10 ngày thì bón phân, phun thuốc diệt bọ trĩ 1 lần. Cuối năm, tùy vào thời tiết, người chăm sóc cần tưới nước, bón phân với thành phần phù hợp, lặt hoặc giữ lá để mai nở đúng dịp Tết.

Dịch vụ xe chở mai đông khách

Khi các nhà vườn thu hồi mai cho thuê và khách hàng chở loại cây này đi gửi chăm sóc cũng là lúc dịch vụ vận chuyển đắt khách. Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ xe tải nhỏ chở hàng tại TP. Vũng Tàu cho biết, công vận chuyển phụ thuộc vào kích thước chậu mai, quãng đường di chuyển. Theo đó, tiền công mỗi chuyến từ 100-250 ngàn đồng nếu trong cùng một huyện, thành phố hoặc 300-500 ngàn đồng khi vận chuyển quãng đường xa, từ các địa phương khác nhau. Các chậu mai có kích thước lớn, nặng cần nhiều người khiêng thì sẽ thu thêm phụ phí từ 100-300 ngàn đồng/cây.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.