Ngày 11-2 (mùng 7 Tết), hầu hết các DN đã hoạt động bình thường trở lại sau 9 ngày nghỉ Tết. Năm Kỷ Hợi 2019, các DN kỳ vọng nhiều khởi sắc, thành công, đặc biệt với các lĩnh vực dầu khí, cơ khí, xuất khẩu thủy sản, du lịch...
Ngay sau Tết Nguyên đán, các DN đã nhanh chóng vào guồng công việc. Trong ảnh: Công nhân nhà máy giấy Sài Gòn (KCN Mỹ Xuân A, TX.Phú Mỹ) trong giờ làm việc. |
ỔN ĐỊNH HOẠT ĐỘNG
Sáng 11-2, công nhân Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) đã hối hả vào ca sau những ngày nghỉ Tết để kịp giao các đơn hàng đúng cam kết. Trên các chuyền, công nhân thoăn thoắt làm việc với khí thế phấn khởi. Người xẻ cá, người phân loại rồi chuyển qua chuyền cấp đông. Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Baseafood cho biết, để bảo đảm tiến độ giao hàng cho các đối tác, Công ty đã chủ động nguồn nguyên liệu từ trước Tết. Vì vậy, sau kỳ nghỉ Tết, công nhân có việc làm ngay. “Năm 2019, chúng tôi đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 38-40 triệu USD, tăng 10% so với năm 2018. Hiện nay, công ty bảo đảm nguyên liệu sản xuất cho các đơn hàng đến tháng 4-2019. Đây là những tín hiệu vui, là động lực để Baseafood phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2019”, ông Tường nói.
Công nhân Công ty Baseafood trong ngày làm việc đầu năm. |
Công ty CP xây lắp Dầu khí miền Nam - Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) cũng đã hoạt động trở lại từ mùng 6 Tết với gần 800 người lao động có mặt tại các xưởng sản xuất và nhanh chóng bắt tay vào việc. Anh Phạm Văn Chính, công nhân tổ đóng gói thiết bị cho biết, từ mùng 4 Tết, công ty đã tổ chức họp mặt người lao động và triển khai kế hoạch, giải pháp sản xuất năm mới. Và mùng 6 Tết, mọi người đi làm như những ngày bình thường để thực hiện các hạng mục sản xuất theo kế hoạch từ trước Tết.
Công nhân Alpha-ECC đang hàn đính bồn chứa dung dịch, hóa chất. |
Theo lãnh đạo công ty Alpha ECC, các đơn hàng ngay sau Tết mà công ty đang làm là sản xuất các thiết bị tách dầu, giàn khoan, bình bồn áp lực, hệ thống súc rửa, cơ khí thủy lực… để xuất khẩu sang châu Âu, chủ yếu là Na Uy. Được biết, năm 2018, doanh thu của công ty đạt hơn 600 tỷ đồng, trong đó 70% sản phẩm xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Năm 2019, công ty dự kiến khối lượng công việc sẽ tăng lên gấp đôi và 90% sản phẩm là xuất khẩu. “Để bảo đảm công việc, công ty đưa ra các giải pháp nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất như chuyển từ mô hình quản lý theo phòng, ban sang mô hình giao khoán năng suất cho các tổ sản xuất. Ngoài ra, công ty khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động…”, ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc điều hành Alpha ECC cho biết.
Lãnh đạo và công nhân Công ty CP xây lắp Dầu khí miền Nam - Alpha ECC (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) trao đổi công việc tại xưởng sản xuất của công ty sáng 11-2 (mùng 7 Tết). Ảnh: QUANG VŨ |
Ngay sau buổi họp mặt đầu năm mới, người lao động của Công ty CP May Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) nhanh chóng bắt tay vào sản xuất. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc công ty cho biết, năm 2018, công ty đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ với kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt hơn 4 triệu USD. Hiện nay, công ty đã có đơn hàng đến tháng 6-2019. “Năm nay, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, Công ty đang tiếp tục đàm phán và tiếp nhận các đơn hàng từ các đối tác mới. Năm 2019, công ty phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh từ 5-8% so với năm 2018”, ông Quý cho biết thêm.
Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải trong giờ sản xuất. |
NỖ LỰC TỪ ĐẦU NĂM
Theo lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), do đặc thù công việc, ngành dầu khí vẫn hoạt động bình thường trong những ngày nghỉ Tết. Sáng mùng 6 Tết, người lao động thuộc khối văn phòng đã trở lại làm việc bình thường, trong khi gần 2.000 lao động làm việc trên các công trình biển vẫn làm việc xuyên Tết. Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc VSP cho biết năm 2019, VSP phấn đấu khai thác 3,1 triệu tấn dầu/condensate và 117,79 triệu m3 khí. Để đạt mục tiêu này, VSP sẽ thực hiện các biện pháp chủ yếu như: giám sát thường xuyên công tác khai thác các mỏ, giám sát đặc biệt hoạt động khai thác tại khu vực trung tâm tầng móng mỏ Bạch Hổ; tối ưu hóa chế độ làm việc của giếng khoan, gia tăng sản lượng khai thác dầu...
Các DN khối bất động sản cũng có nhiều kỳ vọng vào năm 2019 khi thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc và tăng trưởng tích cực. Sáng 11-2, người lao động Công ty CP Phát triển nhà BR-VT (Hodeco) đã trở lại với công việc. Ông Đoàn Hữu Thuận, Tổng Giám đốc Hodeco cho biết, năm 2019, Hodeco đặt mục tiêu doanh thu 800 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018. Bên cạnh các sản phẩm dự án chung cư, căn hộ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, Hodeco còn phát triển thêm sản phẩm mới như đầu tư xây dựng các dự án bất động sản kết hợp với du lịch.
Công nhân Công ty Hodeco trên công trường Dự án căn hộ du lịch và khách sạn 20 tầng FUSION SUIT. |
Với các DN chế biến hải sản xuất khẩu, nhiều tín hiệu vui đã đến ngay sau kỳ nghỉ Tết, khi nhiều DN ký kết được các đơn hàng đến đầu quý II-2019. Theo các DN ngành chế biến hải sản xuất khẩu, thời gian qua, ngành gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu sản xuất cũng như những tác động từ “thẻ vàng” của EU. Để khắc phục, các DN đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm tạo thêm giá trị gia tăng; chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các nước để bảo đảm hoạt động sản xuất. Bên cạnh việc khai thác hiệu quả những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, các DN cũng chú trọng phát triển các thị trường tiềm năng khác như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các thị trường thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bà Nguyễn Thị Mười, Trưởng Phòng chất lượng Công ty TNHH Ngọc Tùng (TP.Vũng Tàu) cho biết, năm 2019, ngành thủy sản nói chung, Công ty Ngọc Tùng nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, do Việt Nam chưa được gỡ “thẻ vàng” hải sản IUU của EU. Trước tình hình này, công ty đã chủ động nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ và tìm kiếm thị trường mới.
Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng trong giờ làm việc sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. |
Cuối năm 2018, Công ty Công ty TNHH TM - DV Xuất nhập khẩu Bùi Nguyễn Gia Phát (thôn Sông Xoài 1, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đã đưa nông trại du lịch Green Farm vào hoạt động và đón khách du lịch. Chúng tôi đã đầu tư khoảng 60 tỷ đồng xây dựng nông trại trên diện tích 7,5ha, gồm khu nhà kính trồng dưa lưới, vườn bưởi, khu nhà hàng - cà phê. Những ngày Tết Kỷ Hợi, Green Farm đã đón nhiều khách đến trải nghiệm du lịch và tham gia chương trình “Tết yêu thương” tại nông trại với công việc: trồng cây, hái rau, thu hoạch trái cây, bắt cá, nấu cơm… Đó là bước khởi đầu tốt đẹp của một DN làm du lịch theo định hướng 1 trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn mà tỉnh BR-VT ưu tiên phát triển. Tôi tin tưởng rằng, năm 2019 và những năm sắp tới, du lịch sẽ tiếp tục là ngành kinh tế giàu tiềm năng và hấp dẫn của BR-VT khi kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao. (Ông Bùi Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH TM - DV Xuất nhập khẩu Bùi Nguyễn Gia Phát) Năm 2019, ngoài Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng sẽ được thông qua, tạo lợi thế lớn cho các DN trong sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. DN có thể nhập nguyên liệu giá rẻ từ các nước cùng tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) và xuất khẩu vào những thị trường Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Theo khảo sát, có 34 - 40% DN kỳ vọng trong năm 2019, các hiệp định FTA mới sẽ giúp DN tăng doanh thu trong thời gian tới. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ - VÂN ANH