Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2020, BR-VT trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) của cả nước vẫn còn nhiều việc phải làm.
THAY ĐỔI TƯ DUY CANH TÁC
Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) cho biết, sau khi tham quan, khảo sát nhiều nơi, cuối năm 2018, bà đã hoàn thành hệ thống trồng rau thủy canh ƯDCNC trên diện tích 5.000m2. Theo bà Nguyệt, phương pháp canh tác này giúp sản lượng rau tăng gấp 2-3 lần trên cùng một diện tích so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Mặt khác, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng. Bà Nguyệt dự kiến, nếu thuận lợi, HTX sẽ mở rộng diện tích canh tác rau công nghệ cao lên khoảng 3ha trong thời gian tới.
Một đơn vị khác đã ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp và đạt được những kết quả bước đầu khả quan là HTX Nông nghiệp Thái Dương (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Hiện nay, HTX có 4ha đất trồng bơ theo hướng nông nghiệp sạch. Ngoài việc chăm sóc vườn cây theo quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, HTX còn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: sử dụng hệ thống máy giám sát dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm của cây để cho ra những trái bơ chất lượng. Nhờ đó, giá bán sản phẩm cao gần gấp đôi so với bơ thông thường. Ông Nguyễn Cảnh Thái Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thái Dương tính toán, với bán tại vườn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, xã viên của HTX thu lãi khoảng 500 triệu đồng/ha. HTX đang nghiên cứu khai thác các trị gia tăng khác từ bơ với các sản phẩm như: tinh dầu bơ, bột bơ, trà bơ… đồng thời dán tem truy xuất nguồn gốc cho từng trái bơ để người tiêu dùng an tâm về chất lượng.
Vườn bơ được trồng theo mô hình NNƯDCNC của HTX Nông nghiệp Thái Dương. |
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 1.047ha đất đang đầu tư mô hình sản xuất NNƯDCNC. Các sản phẩm gồm: rau củ, dưa lưới, bưởi da xanh, chuối, bơ… với tổng sản lượng ước đạt 23.582 tấn/năm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, 87 trang trại chăn nuôi heo, gia cầm ƯDCNC, chiếm 37,16% trên tổng đàn gia cầm và 53,24% trên tổng đàn heo. Lĩnh vực thủy sản có 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ƯDCNC. Giá trị sản xuất NNƯDCNC chiếm 21,5% trên tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
DN CẦN TIẾP SỨC
Thời gian qua, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án NNƯDCNC, nhằm tạo ra nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn, từng bước nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập bền vững cho nông dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của BR-VT khoảng 100.000 - 120.000 tấn/năm. Do đó, tỉnh chủ trương kêu gọi các DN, nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường đầu tư sản xuất NNƯDCNC, nông nghiệp sạch, làm nòng cốt hỗ trợ, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho nông dân; liên kết sản xuất sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường, đồng thời tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 40 DN đang xin đầu tư các dự án NNƯDCNC trên diện tích gần 2.500ha, với tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị cao như: bưởi da xanh, cam sành, sầu riêng, nhãn, bơ, dưa lưới, hồ tiêu, một số loại rau củ quả và nuôi trồng thủy, hải sản… Tuy nhiên, hiện nay nguồn đất sạch cho DN đầu tư NNƯDCNC còn khó khăn. Năm 2018, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhằm thống nhất chủ trương chuyển giao 1.033ha đất trồng cao su tại huyện Châu Đức cho tỉnh quản lý để kêu gọi đầu tư các dự án NNƯDCNC và việc này vẫn trong quá trình đàm phán.
Ông Võ Thành Tài, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng và phát triển đô thị tỉnh (UDEC) - đơn vị chủ đầu tư trang trại NNƯDCNC (UDEC Eco Farm) tại thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức cho biết, đầu tư vào nông nghiệp sạch đòi hỏi số vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn ưu đãi, DN rất cần nhà nước bảo đảm ổn định và bền vững về quy hoạch. Trong quy hoạch cần gắn kết với yếu tố thị trường, xây dựng các kênh phân phối.
Ông Cao Xuân Mạnh, Phó Giám đốc Công ty CP NNCNC Vifarm phân tích: Việc ƯDCNC vào nông nghiệp không chỉ là công nghệ sản xuất mà còn bao gồm cả công nghệ tiếp cận thị trường, bán hàng, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, quy hoạch phát triển NNƯDCNC cần bảo đảm tính liên ngành, liên vùng khi hội nhập. Cần có cơ chế liên kết giữa các ngành và các tỉnh trong quy hoạch sản xuất, điều phối nguồn lực, tài nguyên để sử dụng hiệu quả.
Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về phát triển NNƯDCNC đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án là xây dựng, đưa vào hoạt động 7 vùng NNƯDCNC; tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 gấp 1,3 lần. Đồng thời, tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch được chứng nhận an toàn, chứng nhận VietGAP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đề án phấn đấu đến năm 2020, nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, với mức tăng trưởng hằng năm là 4,5%; sản phẩm NNƯDCNC chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp; đến năm 2025 chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp… |
Bài, ảnh: THANH NGA