"Chén đắng" từ diễn biến chóng vánh của giá tiêu
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, giá hồ tiêu rớt thảm từ 240 ngàn đồng/kg xuống dưới 45 ngàn đồng/kg. Từ chỗ được coi là “vàng đen” giúp nhiều nông dân hái bạc tỷ mỗi năm, thì nay cây tiêu đang dìm người nông dân xuống đáy, “bỏ thì thương vương thì tội”.
THU KHÔNG ĐỦ CHI
Những ngày Châu Đức, Xuyên Mộc đang đang vào thời điểm rộ mùa thu hoạch tiêu.
Như những năm trước, đây là lúc mà tại các vườn tiêu nhộn nhịp nhất bởi hàng chục nhân công được thuê hái, thương lái tấp nập vào ra. Tuy nhiên năm nay, các vườn tiêu chín đỏ nhưng không ai buồn hái. Chị Nguyễn Thị Kim Tuyên, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cho biết, mỗi ngày chi phí thuê nhân công hết 220 ngàn/người. Với 3ha hồ tiêu chị phải thuê hơn 10 người hái. Nhưng đang vào rộ mùa, không có người để thuê, thậm chí mỗi ngày với 6 nhân công, chi phí thuê hết hơn 1,3 triệu đồng/ngày. Do năm nay tiêu mất mùa, ít trái nên mỗi người chỉ hái được khoảng 10kg/ngày. Số tiêu này sau khi phơi khô, bán ra không đủ chi phí thuê nhân công. “Trước đây tôi chỉ trồng 1ha tiêu, số đất còn lại trồng cà phê và điều. Tuy nhiên khi thấy giá tiêu tăng cao, lợi nhuận từ điều và cà phê thấp nên tôi đã chặt bỏ toàn bộ vườn điều, cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Đây là vụ thu hoạch đầu tiên từ khi trồng mới hồ tiêu, với giá này thì không đủ chi phí đầu tư ban đầu như cây giống, cọc, phân bón…”, chị Tuyên cho hay.
Việc diện tích tiêu tăng “nóng” là nguyên nhân lớn làm lượng nhân công thời vụ không đáp ứng đủ nhu cầu, khiến huyện Châu Đức phát động đợt “giải cứu” chưa có tiền lệ. |
Đã có một thời gian dài, hồ tiêu được xem là “vàng đen” với nông dân các địa phương như Châu Đức, Xuyên Mộc. Từ cây trồng này, nhiều hộ nông dân đã “đổi đời”, thoát nghèo và vươn lên làm giàu, xây biệt thự, mua xe hơi. Thế nhưng, chỉ trong vòng 3 năm qua, từ “đỉnh” là 230-240 ngàn đồng/kg năm 2015, hồ tiêu dần rớt xuống 160 ngàn đồng vào năm 2016. Với giá này nông dân vẫn thu lãi cao. Từ năm 2017 đến nay, hồ tiêu tiếp tục “lao dốc”, từ 110 đồng xuống còn 45-50 ngàn đồng. Theo tính toán, hiện nay người trồng tiêu đang bị lỗ từ 3.000 - 6.000 đồng/kg. Đặc biệt, những hộ mới trồng tiêu vào những năm 2015-2016 lỗ cao hơn bởi thời điểm đó chi phí trồng tiêu rất cao.
Ồ ẠT MỞ RỘNG DIỆN TÍCH
Trong vòng 2-3 năm trở lại đây, diện tích hồ tiêu liên tục tăng, không thể kiểm soát được, có nguy cơ phá vỡ ngành hàng. Điều đáng nói là, khi hồ tiêu giá cao, nông dân đã ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng tiêu, bất chấp cảnh báo từ cơ quan chức năng. Thậm chí, một số vùng đất không phù hợp với hồ tiêu cũng được người dân trồng, dẫn đến dịch bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu lan rộng.
Xã Hòa Hội là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu phát triển nhanh nhất của huyện Xuyên Mộc. Theo ông Phạm Văn Tuyển, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã, chỉ trong vòng 2 năm, diện tích tiêu của địa phương đã tăng mạnh. Ông Tuyển cho biết: “Do giá tiêu thời điểm trước ở mức “khủng”, lợi nhuận quá lớn nên nông dân địa phương ồ ạt trồng loại cây này. Thậm chí, ở một số vùng thuộc ấp 1, ấp 4 của xã có đặc thù là đất cát, không phù hợp nhưng bà con vẫn trồng tiêu. Điều này khiến diện tích loại gia vị này của Hòa Hội tăng hơn 80ha trong 2 năm, nâng tổng diện tích tiêu lên 301ha, vượt quy hoạch phát triển của xã trên 100ha”.
Còn tại huyện Châu Đức, địa phương có diện tích tiêu lớn nhất của tỉnh, thực trạng diện tích loại cây này tăng “nóng” cũng diễn ra, thậm chí vượt quy hoạch phát triển của huyện cả ngàn ha. Ông Lê Quý Thịnh, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, trong quy hoạch phát triển của huyện, diện tích hồ tiêu khoảng 6.000ha, trong khi đó, diện tích loại cây này phát triển mạnh trong 3 năm qua, hiện đã ở mức 7.400ha. Ông Thịnh cho biết: “Nguyên nhân chính của diện tích hồ tiêu của huyện tăng đột biến, vượt quy hoạch gần 1.500ha là giá tăng mạnh, lợi nhuận thu được cao. Bên cạnh đó, các loại cây “cạnh tranh” như cà phê, cao su, điều đều gặp khó khăn về năng suất hoặc giá cả. Nông dân của huyện cũng chưa tìm được các hướng đi, mô hình mới đem lại thu nhập ổn định nên hồ tiêu trở thành “cứu cánh” của nông dân trong những năm trước”.
Hiện nay, các khâu thu hoạch, sơ chế tiêu đều được làm thủ công nên năng suất thấp, tỷ lệ hao hụt cao. Trong ảnh: Phơi hồ tiêu tại vườn của ông Phạm Văn Ánh, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức. |
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, diện tích hồ tiêu theo quy hoạch phát triển nông nghiệp của BR-VT là 8.500ha, tập trung ở một số địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với loại cây này tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc. Tuy nhiên, việc giá hồ tiêu đạt “đỉnh” trong những năm trước đã khiến diện tích loại cây gia vị này tăng ngoài kiểm soát, thời điểm này đã ở mức trên 12.000ha, vượt trên quy hoạch hơn 3.500ha.
CÓ GIẢI PHÁP PHÙ HỢP
Trong bối cảnh ngành hồ tiêu đang rơi vào khủng hoảng, chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp để vượt qua khó khăn, trong đó, chú trọng vào việc cơ cấu lại diện tích canh tác và hướng đến sản xuất sạch, an toàn, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Ông Phạm Văn Tuyển cho biết thêm: “Đến thời điểm nay, chúng tôi tiếp tục khuyến cáo bà con trong xã không tái canh những vườn hồ tiêu già cỗi, đặc biệt là trên các vùng đất xám, đất cát không phù hợp. Bên cạnh đó, địa phương cũng phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp dạy kỹ thuật trồng các loại cây với thổ nhưỡng địa phương như nhãn, điều... để bà con nông dân có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp”.
Còn tại huyện Châu Đức, từ đầu năm 2018, huyện đã cấp gần 2 tỷ đồng để các địa phương xây dựng 39 mô hình sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu của dự án là tìm ra các loại cây trồng, vật nuôi mới, sử dụng quỹ đất, nhân công lao động ít nhưng đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Ông Lê Quý Thịnh cho biết: “Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, giống cho bà con, huyện còn liên hệ với các chuyên gia, giảng viên mở 34 lớp tập huấn cho hơn 1.000 người về kỹ thuật sản xuất một số mô hình mới như trồng dâu nuôi tằm, trồng nấm bào ngư, linh chi, nuôi gà trống thiến, bồ câu, gà Đông Tảo… Nhờ đó, khi triển khai, nhiều mô hình đã cho hiệu quả tốt, bà con tiếp tục duy trì và phát triển. Đây sẽ là những mô hình sản xuất thay thế phù hợp để nông dân chuyển đổi diện tích hồ tiêu già cỗi, kém hiệu quả”.
Thu hoạch tiêu tại nhà ông Nguyễn Phương Đông, thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức. Ảnh: QUANG VINH |
Ngoài việc chuyển đổi hồ tiêu sang các loại cây trồng, vật nuôi khác, một trong những biện pháp nhằm giúp ngành hồ tiêu của tỉnh phát triển bền vững là nâng cao chất lượng, giá trị của loại gia vị này bằng phương thức sản xuất sạch, an toàn. Theo ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, đơn vị đã xây dựng xong và trình UBND tỉnh Kế hoạch phát triển các vùng trồng trọt sản xuất theo hình thức hữu cơ tỉnh BR-VT giai đoạn 2019-2021, trong đó, hồ tiêu là một trong những loại cây trồng trọng điểm. Ông Đức cho biết: “Các biện pháp chủ yếu là xây dựng Quy trình sản xuất hồ tiêu theo phương thức hữu cơ trên cây tiêu; lựa chọn, mời các DN tham gia liên kết cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt sản xuất theo hình thức hữu cơ; hỗ trợ công tác thiết kế logo, bao bì, máy đóng gói sản phẩm cho các cơ sở tham gia mô hình; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các quy trình sản xuất trồng trọt theo hình thức hữu cơ…”.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC) dự báo tổng sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2019 có thể đạt 4,9 triệu tấn, giảm so với 5,2 triệu tấn trong năm 2018. Trong khi đó. theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT, mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha. Thế nhưng, diện tích sản xuất tiêu Việt Nam, tính đến hết tháng 12-2018 là 152.000 ha gấp gần 5 lần quy hoạch ban đầu. Vì vậy, song song với các chính sách quản lý, quy hoạch và sản xuất tiêu của các địa phương, chính quyền các địa phương phối hợp với DN để nắm được thông tin tổng quát của toàn thị trường. Từ đó, có các giải pháp phù hợp, nâng cao giá trị cho hồ tiêu, tránh tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.
|
QUANG VINH, MINH AN