.

Cấp bách phòng chống dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 18:19, 25/02/2019 (GMT+7)

Sau khi Cục Thú y chính thức công bố dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam, ngày 22-2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch. Trên địa bàn tỉnh, người chăn nuôi và các cơ quan chức năng cũng đang hết sức cẩn trọng với loại dịch bệnh có nguy cơ gây thiệt hại lớn về kinh tế này.

Hiện nay, các địa phương của tỉnh đang khẩn trương công tác tiêu độc khử trùng và tiêm phòng cho heo. Trong ảnh: Tiêm phòng vắc xin cho heo tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức.
Hiện nay, các địa phương của tỉnh đang khẩn trương công tác tiêu độc khử trùng và tiêm phòng cho heo.
Trong ảnh: Tiêm phòng vắc xin cho heo tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới, đến nay đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh Dịch tả heo châu Phi, hơn 1,08 triệu con heo buộc phải tiêu hủy. Tại Việt Nam, dịch bệnh này đã xuất hiện tại 2 hộ chăn nuôi tại tỉnh Hưng Yên và 6 hộ tại tỉnh Thái Bình. Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới là rất cao. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/CT/TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ heo làm lây lan dịch bệnh. Bộ NN-PTNT có phương án hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, dịch tả heo châu Phi nguy hiểm bởi tỷ lệ chết cao, có thể lên đến 100%. Loại bệnh này chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc chữa trị hiệu quả. Trong khi đó, mầm bệnh không chỉ tồn tại trong heo sống mà còn ở trong các sản phẩm thịt nguội làm từ heo như xúc xích, pa tê, thịt đông… trong thời gian dài nên rất dễ lây lan. “Trước tình hình đó, sau khi nhận được Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT báo cáo UBND tỉnh tổ chức cuộc họp khẩn gồm các sở, ngành, địa phương ngay trong ngày 22-2. Sau cuộc họp, chúng tôi đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch Phòng chống dịch tả heo châu Phi tại BR-VT. Trong đó, tập trung vào các biện pháp như: Tổ chức giám sát chặt chẽ đối với người và phương tiện vận chuyển heo; tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu heo, sản phẩm heo không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; tiến hành khẩn trương công tác tiêu độc khử trùng tại các trang trại chăn nuôi…”, ông Trung thông tin.

Tại các địa phương, sau khi xuất hiện thông tin Việt Nam xuất hiện dịch tả heo châu Phi, nhiều biện pháp cũng đã được các trang trại chăn nuôi và cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện. Ông Phạm Văn Tuyển, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc cho biết, địa phương đã thành lập tổ thú y với 4 người. Hiện nay, tổ này đang thực hiện đợt tiêu độc khử trùng cho các trang trại heo của xã. Ông Tuyển cho biết: “Đợt này chia làm 4 lần phun trong vòng 1 tháng. Mật độ 1 tuần/lần. Bên cạnh việc tiêu độc khử trùng, các thành viên của tổ thú y còn tuyên truyền cho bà con về triệu chứng của bệnh, phương án xử lý khi heo mắc bệnh. Đặc biệt, không chỉ tới từng trại để nói trực tiếp, chúng tôi còn sử dụng mạng xã hội như Facebook để đưa các hình ảnh sinh động, trực quan để bà con có thể nắm rõ về bệnh dịch tả heo châu Phi”.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, trong thời điểm giá heo tăng kỷ lục, bà con liên tục xuất bán và nhập đàn heo mới về nuôi nên tình hình càng diễn biến phức tạp. Ngoài nguy cơ từ dịch tả heo châu Phi, một số địa phương lân cận của tỉnh cũng đã có các ổ dịch lở mồm long móng nhỏ. Ngay lập tức, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với huyện Châu Đức (địa phương có tổng đàn heo lớn, việc vận chuyển, buôn bán heo phức tạp vì giáp với tỉnh Đồng Nai) tổ chức tiêm phòng bổ sung hơn 30.000 con heo mới sinh hoặc vừa nhập nuôi. Ông Trung cho biết: “Dù vậy, bà con vẫn cần thực hiện thêm nhiều biện pháp để phòng chống dịch tả heo Châu Phi và lở mồm long móng như: Tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi thường xuyên; bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho động vật; nhập giống nuôi tại các cơ sở uy tín và đã được kiểm định bởi cơ quan thú y, lúc mới nhập giống cần nuôi cách ly theo dõi, nếu ổn định mới nhập vào đàn; thực hiện quy tắc “cùng vào cùng ra” với các động vật nuôi lấy thịt; không nuôi chó mèo, hạn chế người ra vào chuồng trại vì đây là nguồn lây lan bệnh cơ giới; thường xuyên vệ sinh các phương tiện vận chuyển vật nuôi…”.

Heo như thế nào là mắc bệnh tả châu Phi

Triệu chứng của bệnh dịch tả heo châu Phi khá giống với bệnh tả thông thường, khiến người nuôi heo dễ bị nhầm lẫn. Cụ thể, khi bị nhễm bệnh, heo sốt cao trên 400C, bỏ ăn, lười vận động, ủ rũ, thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước; đồng thời có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ. Trong 1-2 ngày trước khi chết, heo có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy hoặc có thể táo bón… Khi phát hiện các triệu chứng trên, người chăn nuôi cần báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Trạm thú y huyện để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN

.
.
.