Những năm qua, BR-VT thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc: ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường… Sau gần 4 năm kiên trì với mục tiêu này, BR-VT đã cho thấy hướng đi đúng đắn mà tỉnh đã lựa chọn đồng thời khẳng định BR-VT là điểm sáng trong thu hút đầu tư, là điểm đến hấp dẫn các DN trong và ngoài nước.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm xưởng sản xuất thép Công ty Thép Tung ho Việt Nam. |
HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN CHO PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG
Năm 2018, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh BR-VT đạt 80.530 tỷ đồng, vượt 25,4% dự toán được giao và tăng 11,8% so với năm 2017. Thu nội địa năm 2018 đạt 29.553 tỷ đồng, đạt 100,7% dự toán, tăng 14,7% so với năm 2017. Đây là những con số ấn tượng cho thấy 2018 là năm đầu tiên thu nội địa của tỉnh đã có sức ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế địa phương. Trong đó, một phần đóng góp lớn của thu nội địa chính là nguồn thu từ các DN trên địa bàn tỉnh trong đó DN đã đóng góp cho ngân sách đạt 85.025 tỷ đồng, tạo việc làm cho 39.000 lượt lao động; đặc biệt các DN đã ủng hộ cho 8 chương trình an sinh xã hội của tỉnh 128 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh kịp thời động viên các DN làm tốt công tác xã hội - từ thiện. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận Tấm lòng vàng đến các DN có những đóng góp lớn cho chương trình an sinh xã hội của tỉnh giai đoạn 2014-2018. |
Những thành quả này thể hiện sự nỗ lực của tỉnh trong nhiều năm qua khi tỉnh kiên trì thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc: chỉ thu hút đầu tư những dự án công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao và có sức lan tỏa, thân thiện với môi trường. Mục tiêu này đã tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế của địa phương. Theo đó, những dự án có nguy cơ ô nhiễm cao, công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động như: giày da, chế biến hải sản, dệt nhuộm, sản xuất thép… đã “không có cửa” đầu tư vào BR-VT. Thay vào đó, một dòng vốn lớn từ các lĩnh vực dầu khí, cảng biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… đang được rót vào BR-VT, góp phần làm cho nền kinh tế của địa phương thay đổi theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững. Cụ thể, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 103 dự án mới được cấp quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm 44 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 1,952 tỷ USD và 59 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 18.768 tỷ đồng, đứng thứ hai cả nước về thu hút mới các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, có 18 dự án đầu tư nước ngoài và 11 dự án đầu tư trong nước điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư là 174,3 triệu USD và 2.994 tỷ đồng.
DN làm thủ tục đăng ký thành lập tại Bộ phận một cửa cấp tỉnh. |
Nhìn lại thời điểm 2015-2016, khi bộ tiêu chí về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh được áp dụng, BR-VT tưởng chừng sẽ đứng trước thực trạng sụt giảm nghiêm trọng cả về nguồn vốn đăng ký lẫn số lượng các dự án đầu tư. Thời điểm đó, nhiều dự án có quy mô lớn, nguồn vốn đầu tư cao đã bị từ chối bởi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu. Một số dự án có tính gia công, sử dụng nhiều lao động cũng đã không thể vượt qua “hàng rào” kỹ thuật này. Tuy nhiên, thực tế, định hướng thu hút đầu tư mới đã không làm ảnh hưởng sự “hấp dẫn” của địa phương. Mặt khác, với việc xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư, tỉnh đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, uy tín, đồng thời hạn chế những lĩnh vực, ngành nghề không thích hợp.
Ngày 14-2, UBND tỉnh trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án gồm:
1.Dự án Nhà máy sản xuất khí hóa lỏng (LNG) công suất 20 triệu m3/ngày đêm do Công ty TNHH khí nhiên liệu giao thông vận tải PVGAZPROM (PVGAZPROM NGV) làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 12,62 triệu đô la Mỹ. 2. Nhà máy sản xuất phụ gia xi măng xanh do Công ty TNHH Tài nguyên CHC Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký 35 triệu đô la Mỹ. 3. Chung cư nhà ở xã hội công nhân thép Tung Ho do Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký 129 tỷ đồng. 4. Dự án Tàu Cao tốc tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo do Công ty CP Tàu Cao Tốc Phú Quốc làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký 175 tỷ đồng. 5. Dự án Nhà máy điện mặt trời Đá Bạc 4 do Công ty CP Đông Á Châu Đức làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký 1.092,14 tỷ đồng. 6.Dự án mở rộng ICD Hưng Thái do Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hải Dầu khí Hưng Thái làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký 332 tỷ đồng. 7. Dự án Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan của Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 115 triệu USD. Dịp này, UBND tỉnh cũng trao chủ trương ủng hộ đầu tư cho 2 dự án: 1. Dự án đầu tư thành lập KCN ứng dụng công nghệ cao - Đô thị - Dịch vụ Hắc dịch do Liên doanh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hamek - Công ty CP Bất động sản Quang Anh - Công ty CP Tập đoàn HVT với tổng vốn đầu tư đăng ký 7.208 tỷ đồng. 2. Dự án mở rộng KCN B1 Conac mở rộng do Công ty Đầu tư và Xây dựng Dầu khí IDICO làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.001 tỷ đồng. |
Điều này có thể nhận thấy rõ nhất khi gần đây những tập đoàn đa quốc gia như Novaland, Tuần Châu; Sonadezi, Đức Long - Gia Lai... đã mạnh dạn “rót vốn” đầu tư vào BR-VT. Một số tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia đã hoạt động đầu tư và đồng hành với sự phát triển của tỉnh trong những năm qua như Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, BP, SCG, Hyosung. Đáng chú ý, chỉ trong vài năm gần đây đã có nhiều dự án lớn, có quy mô đã được khởi động tại BR-VT như: Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu), với tổng vốn đầu tư ước khoảng 5,4 tỷ USD của Tập đoàn SCG Thái Lan; dự án xử lý bụi lò Zinc Oxide tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 có tổng vốn đầu tư hơn 120 triệu USD của Công ty CP Zinc Oxide Việt Nam (ZOCV); cảng Posco SS-Vina với tổng vốn đầu tư khoảng 37 triệu USD; Nhà máy sản xuất polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng của Tập đoàn Hyosung có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD...
HƯỚNG VÀO CÁC LĨNH VỰC TIỀM NĂNG
Ngoài việc kiên trì với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, tỉnh BR-VT cũng không chịu ngồi chờ cơ hội, thay vào đó, tỉnh mạnh dạn đến tận nhiều quốc gia, mời gọi, thu hút đầu tư theo định hướng mà tỉnh đã lựa chọn.
Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực tỉnh đang kêu gọi thu hút đầu tư. Trong ảnh: Vườn sầu riêng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã Long Phước (TP. Bà Rịa). Ảnh: QUANG VŨ |
Theo ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT, năm 2019 và giai đoạn tiếp theo, tỉnh kiên quyết từ chối các DN không bảo đảm về môi trường, sử dụng nhiều lao động nhằm tránh áp lực về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, chất lượng sống... Đặc biệt, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào 5 trụ cột kinh tế là: Công nghiệp, Cảng biển, Dịch vụ hậu cần cảng, Du lịch và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, xử lý hiệu quả các dự án mà nhà đầu tư không có năng lực tài chính, không đủ điều kiện triển khai dự án, tạo dư địa, không gian phát triển để thu hút các nhà đầu tư mới.
Bên cạnh đó, BR-VT đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển DN; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Và đầu năm 2019, tỉnh đón nhận 9 nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 9.937 tỷ đồng và 162,62 triệu đô la Mỹ, đã thể hiện sự cam kết và tạo thêm nguồn lực mới, động lực mới để tỉnh BR-VT tiếp tục phát triển.
Bài, ảnh: QUANG VŨ