Tiếp tục xử lý nợ xấu

Thứ Tư, 23/01/2019, 18:04 [GMT+7]
In bài này
.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2018 là năm xử lý nợ xấu hiệu quả nhất của ngành ngân hàng trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, để việc xử lý nợ xấu tiếp tục đạt kết quả tốt, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung rà soát phân loại nợ, bảo đảm phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh BIDV Long Sơn.
Khách hàng giao dịch tại Phòng giao dịch  BIDV Long Sơn (TP. Vũng Tàu).

KIỂM SOÁT NỢ XẤU 

Báo cáo của NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 12-2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 149,22 ngàn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và 1,99% cuối năm 2017.

Đánh giá về tình hình xử lý nợ xấu trên địa bàn tỉnh BR-VT trong thời gian qua, bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh BR-VT khẳng định: Năm 2018, nợ xấu được các chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục kiểm soát tốt, duy trì ở mức dưới 3%/năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các chi nhánh TCTD đến cuối năm 2018 ở mức 680 tỷ đồng, chiếm 1% trong tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, nợ xấu khối DN khoảng 430 tỷ đồng, chiếm 1,53% trong tổng dư nợ khối DN. 

Ông Đoàn Văn Tuyến, Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh BR-VT cho biết, hiện nay tỷ lệ nợ xấu tại đơn vị ở mức thấp, chỉ chiếm 0,11%. Trong khi đó, ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh BR-VT cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của Chi nhánh hiện chỉ chiếm khoảng 0,29%. Thời gian qua, chi nhánh đã bán được một tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu là cảng xăng dầu Cái Mép trị giá 677 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietinbank cũng bán được một số tài sản bảo đảm khác trị giá khoảng 70 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các TCTD, tình trạng người vay tiền chây ỳ, không chịu bàn giao tài sản bảo đảm đã giảm bớt. Nhiều khách hàng đã chủ động phối hợp, tự bàn giao tài sản trả nợ cho các TCTD.

VẪN PHẢI THẬN TRỌNG  

Theo đánh giá của NHNN, mặc dù đã có nhiều tín hiệu khả quan trong hoạt động xử lý nợ xấu, đặc biệt trong năm 2018 được đánh giá là năm toàn ngành ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả nhất trong vài năm trở lại đây, nhưng lãnh đạo NHNN vẫn lưu ý các TCTD phải thận trọng với nợ xấu, nhất là nợ tiềm ẩn thành nợ xấu hiện còn khá cao. Bởi nếu tính tổng nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu và nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) vẫn ở mức 6,5% khi kết thúc năm 2018.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các TCTD phải phấn đấu trong năm 2019 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu khác) dưới 5%. 

Để bảo đảm tính khả thi cho các mục tiêu trên, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD tập trung rà soát phân loại nợ, bảo đảm phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Đồng thời chủ động nhận diện các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu để có các giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh. Trong quá trình xử lý nợ xấu, TCTD nghiêm túc đánh giá khả năng thu hồi nợ, cũng như phân tích nguyên nhân khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý hiệu quả, kịp thời. Hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường cần được đẩy mạnh hơn.   

Bên cạnh sự chủ động, các TCTD  tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Các TCTD phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là tòa án, cơ quan thi hành án để tiến hành khởi kiện, phát mãi tài sản bảo đảm đối với những khách hàng có nợ xấu không còn khả năng trả nợ, không hợp tác trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với khoản nợ.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.