Thị trường bán lẻ hiện đại: Cuộc đua giành thị phần khốc liệt

Thứ Năm, 03/01/2019, 16:26 [GMT+7]
In bài này
.

Vài năm gần đây, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini mọc lên như “nấm sau mưa” tại BR-VT. Sự phong phú của các cửa hàng, siêu thị này đã tạo nên cuộc đua khốc liệt giữa các kênh bán lẻ hiện đại với nhau và giữa các kênh bán lẻ hiện đại với các kênh bán lẻ truyền thống. 

Thị trường bán lẻ hiện đại là “miếng bánh” hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.  Trong ảnh: Khách mua hàng tại Co.op Mart Vũng Tàu.
Thị trường bán lẻ hiện đại là “miếng bánh” hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh: Khách mua hàng tại Co.op Mart Vũng Tàu.

NỞ RỘ CỬA HÀNG, SIÊU THỊ TIỆN LỢI

Theo Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), năm 2018, giá trị thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam vào khoảng 120 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng gần 10%. Tại BR-VT, theo Cục Thống kê tỉnh, tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh năm 2018 đạt hơn 81.255 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2017. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa là hơn 39.998 tỷ đồng, tăng 12,35% so với năm 2017. Đóng góp vào sự tăng trưởng này có vai trò không nhỏ của mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại. 

Tại BR-VT, tính đến hết năm 2018, chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart  (Nhật Bản) đã phát triển lên con số 10, Cirle K của Mỹ cũng tăng lên 8, VinMart+ tăng từ 15 lên hơn 30 cửa hàng, Co.op Food có 4 cửa hàng, chưa kể hàng chục cửa hàng kinh doanh hàng Thái, hàng Nhật, hàng EU… Các cửa hàng này có quy mô nhỏ, diện tích từ 100-300m2 và “len lỏi” trong các khu dân cư, đang cạnh tranh mạnh mẽ với chợ và các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Đến đây, người tiêu dùng được mua sắm trong không gian sạch sẽ, mát mẻ, nguồn gốc sản phẩm, giá cả được niêm yết rõ ràng. Thậm chí, ngồi tại nhà, người tiêu dùng vẫn có thể đi chợ và thanh toán trực tuyến qua các thiết bị điện tử. 

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu. Ảnh: VÂN ANH
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu. Ảnh: VÂN ANH

Theo ông Phạm Duy Thiên, quản lý chuỗi cửa hàng VinMart+ tại BR-VT, sau 1 năm hoạt động, doanh số bán lẻ của chuỗi cửa hàng tăng lên đáng kể, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Không chỉ phát triển cửa hàng, VinMart+ còn chú trọng chất lượng sản phẩm và xây dựng quy trình khép kín từ canh tác, sản xuất đến khâu thu hoạch và phân phối. Đồng thời, VinMart+ còn gia tăng nhiều lợi ích cho khách hàng như đặt hàng qua điện thoại, giữ xe miễn phí, giao hàng miễn phí tận nhà trong bán kính phục vụ, thanh toán qua thẻ ngân hàng; tích lũy điểm, đổi điểm thưởng thành tiền mặt… 

Không chỉ tập trung ở thành phố, nhiều siêu thị mini cũng đã có mặt tại các huyện, thị khác trong tỉnh. Có thể kể đến cửa hàng tiện lợi mini - mart huyện Xuyên Mộc hay cửa hàng tiện lợi Ngày Mới (huyện Châu Đức). Các cửa hàng này có diện tích từ 200m2 - 900m2, trưng bày và bán hàng chục ngàn mặt hàng, giúp người dân địa phương có thêm điều kiện mua sắm.

CẠNH TRANH KHỐC LIỆT

Việc tham gia của nhiều thương hiệu bán lẻ hiện đại góp phần tăng doanh thu thương mại, cũng như thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các ứng dụng mua hàng qua mạng, xu hướng thanh toán bằng thẻ tín dụng cùng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cũng là những thành tố quan trọng để thúc đẩy và thay đổi thị trường bán lẻ hiện đại. Sự xuất hiện của loại hình này đã tạo sức ép lên các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa. 

Sau hơn 3 năm có mặt tại BR-VT, siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu trở thành điểm mua sắm, vui chơi quen thuộc của nhiều khách hàng.
Sau hơn 3 năm có mặt tại BR-VT, siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu trở thành điểm mua sắm, vui chơi quen thuộc của nhiều khách hàng.

So với các kênh bán lẻ hiện đại, các chợ truyền thống có nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn phổ biến. Đó là những áp lực mà các chợ truyền thống đang phải đối mặt trong khi các siêu thị, cửa hàng tiện lợi lại giải quyết rất tốt các hạn chế này. Chưa kể, hạ tầng cơ sở tại hầu hết các chợ truyền thống đều xuống cấp, ngày nắng thì nóng bức, ngày mưa thì nước đọng, lầy lội khiến người tiêu dùng “ngại đến chợ”. 

Chị Hoàng Thị Hải Yến, kinh doanh quần áo tại chợ Vũng Tàu cho biết, 3 năm trở lại đây, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và cửa hàng kinh doanh trực tuyến mọc lên nhiều khiến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương trong chợ khó khăn hơn. Sức mua, doanh thu giảm khoảng 30-40%. “Dù thời gian qua, các tiểu thương đã thay đổi phương thức kinh doanh, chú trọng nhiều đến chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn, nhưng sức tiêu thụ ngày càng giảm. Chợ ngày càng vắng khách”, chị Hoàng Thị Hải Yến nói thêm.

Theo kế hoạch mở rộng kinh doanh, Family Mart dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào năm 2020 tại Việt Nam. Còn với 7-Eleven (Nhật Bản), mục tiêu này sẽ đạt vào năm 2027. Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam cũng tích cực mở rộng thị phần, như chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam, Vinmart+ dự kiến sẽ có 4.000 cửa hàng vào năm 2020.

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hiện đại đã tạo bộ mặt mới cho thị trường bán lẻ của tỉnh, góp phần giải quyết vấn đề hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vốn là nỗi lo của người tiêu dùng hiện nay. “Tuy nhiên, thời gian tới, các DN phải chủ động cập nhật xu hướng thế giới, tăng cường đưa các ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, dần dần phá vỡ mô hình truyền thống, tăng tính liên kết, tận dụng các cơ hội tiềm năng từ hội nhập quốc tế. Trên thực tế, thời gian qua, đã có DN đi đầu trong việc phát triển mạng lưới phân phối song song với thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước và mang sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Các chuỗi phối hợp này sẽ giúp tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế, góp phần phát triển mạnh hơn hệ thống siêu thị trong tương lai”, bà Vũ Bích Hảo nói thêm. 

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.