Nuôi đặc sản Tết theo đơn đặt hàng

Chủ Nhật, 06/01/2019, 17:14 [GMT+7]
In bài này
.

Gà Đông Tảo, heo rừng lai, dê là những mặt hàng đắt khách dịp Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, các trang trại không còn ồ ạt nuôi các loại đặc sản trên mà tập trung nâng cao chất lượng, sản xuất chỉ vừa đủ theo các đơn đặt hàng từ trước.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) chăm sóc đàn gà Đông Tảo của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) chăm sóc đàn gà Đông Tảo của gia đình.

Khoảng 3 năm trước đây, phong trào nuôi heo rừng lai nở rộ do chi phí thấp, lợi nhuận cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Có thời điểm, huyện Long Điền có gần 100 hộ nuôi với tổng đàn hàng ngàn con. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhiều hộ đã dừng nuôi hoặc giảm đàn. Theo ông Nguyễn Văn Thanh (ấp Phước Lộc, xã Phước Hưng, huyện Long Điền), nguyên nhân nhiều hộ giảm đàn là khó khăn khi tìm thị trường tiêu thụ và thức ăn cho heo rừng lai. Ông Thanh cho biết: “Thức ăn chính của heo rừng lai là các loại lá và rau củ quả, bởi chúng không thể ăn cám công nghiệp vì sẽ tạo mỡ, giảm chất lượng thịt. Nghe thì đơn giản nhưng vì loài này ăn cực nhiều, khoảng 20kg/con/ngày nên nếu nuôi số lượng lớn tìm thức ăn cho chúng là vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, việc nhiều hộ ồ ạt nuôi khiến tổng đàn tăng nhanh, đầu ra lại không ổn định vì loại đặc sản này khá kén người ăn nên nhiều hộ không thể duy trì đàn”.

Ông Lê Xuân Phúc (khu phố Hải Hòa, thị trấn Long Điền) hiện đang nuôi hơn 200 con heo rừng lai, trong đó, khoảng 50 con sẽ được tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán này. Ông Phúc cho biết, ông xác định số lượng nuôi Tết dựa vào lượng xuất bán của năm ngoái và đơn đặt hàng trước của khách chứ không nuôi ồ ạt vì dễ gặp rủi ro khi không bán được heo. “Loại này để quá lứa sẽ không ai mua vì béo lên và tích mỡ. Hiện nay, trong 50 con nuôi Tết thì đã có 40 con được thương lái và khách quen đặt từ đầu năm. Số còn lại, tôi bán lai rai cho khách từ nay tới Tết Nguyên đán. Heo rừng lai có trọng lượng khoảng 30kg là xuất chuồng, với giá khoảng 100kg/heo hơi, trừ chi phí tôi thu lãi trên 50 triệu đồng vụ Tết này”.

Cùng với heo rừng lai, nhiều loài động vật đặc sản cũng được nông dân chuyển hướng sang nuôi theo đơn đặt hàng chứ không tăng đàn ồ ạt như trước. Ông Nguyễn Văn Hoàng (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) năm 2018 nuôi gần 2.000 con gà Đông Tảo. Tuy nhiên, năm nay, ông giảm đàn xuống còn khoảng 1.000 con. Theo ông Hoàng, nuôi nhiều nên việc tìm đầu ra cho loại gà “tiến vua” này không dễ vì giá cao. Vì vậy, năm nay số gà ông nuôi dựa vào đơn đặt hàng của khách. 1.000 con gà Đông Tảo của ông đã được các DN, cơ quan và nhà hàng tại TP.Hồ Chí Minh và trong tỉnh đặt mua hết.

Ông Hoàng cho biết: “Thay vì tăng đàn, tôi muốn tăng lợi nhuận bằng cách giảm chi phí nuôi. Tôi đã tìm tòi và học được kỹ thuật phối giống bằng thụ tinh nhân tạo cho gà Đông Tảo. Tỷ lệ thành công của phương pháp này lên đến 70%. Từ khi áp dụng thành công quy trình thụ tinh nhân tạo, trang trại tôi vừa tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng/năm tiền gà giống, đồng thời còn cung cấp 1.000 con giống/năm cho thị trường”. Ngoài tiết kiệm chi phí mua giống, anh Hoàng còn xây dựng quy trình khép kín bằng cách trồng thêm nhiều loại rau xanh trong trang trại để làm thức ăn cho gà Đông Tảo, vừa giảm chi phí vừa bớt nguy cơ gà mắc dịch bệnh nhờ được bổ sung vitamin. Nhờ vậy, mỗi năm ông Hoàng thu lãi khoảng 500 triệu đồng từ trại gà Đông Tảo của mình.

Ngoài gà Đông Tảo, heo rừng lai, thịt dê cũng là sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng vào dịp Tết bởi loại thịt này ngọt, ít mỡ, không ngán. Theo các hộ chăn nuôi dê tại Xuyên Mộc, Châu Đức, thời điểm này thương lái và khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Vũng Tàu đã tìm đến đặt hàng cho dịp Tết. Ông Nguyễn Văn Hội (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đang nuôi 50 con dê cho biết, những năm gần đây, khách hàng từ thành phố thường có xu hướng đặt mua dê, sau đó thuê người làm thịt mang về dự trữ trong dịp Tết hoặc làm quà biếu. Hiện đã có 20 con dê trong tổng đàn của ông Hội đã được đặt mua. 

Hiện nay, đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu tiêu thụ các loại động vật đặc sản có giá thành cao không phải là nhỏ, nhất là vào dịp lễ, Tết. Vì vậy, tiềm năng của nghề này khá lớn. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi không nên ồ ạt tăng đàn mà cần cần xây dựng quy trình nuôi sạch, chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Đồng thời, bà con cần khảo sát nhu cầu của thị trường trước khi nuôi, tránh dẫn đến dư thừa nguồn cung và mất giá. 

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.