Đến xã Long Tân, hỏi anh “Tân bồ ngót”, hầu như ai cũng biết, bởi anh là người đầu tiên trồng rau bồ ngót trên vùng đất Đất Đỏ miền Đông này. Cây rau ngót đã mang lại cho gia đình anh thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng.
Mô hình trồng rau ngót của anh Nguyễn Thành Tân được Hội Nông dân huyện Đất Đỏ đánh giá cao. |
Năm 2008, gia đình anh Nguyễn Thành Tân từ Bình Định vào làm ăn, sinh sống tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức. Ban đầu với 1ha đất, gia đình anh trồng tiêu, cà phê nhưng thu nhập không ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2014, khu đất của gia đình bị giải tỏa để triển khai dự án KCN Đá Bạc. Có được một khoản tiền bồi thường, vợ chồng anh chuyển về sinh sống tại xã Long Tân. Năm 2015, trong một lần tham quan các mô hình trồng rau ở các tỉnh miền Tây, anh nhận thấy thổ nhưỡng nơi mình ở cũng phù hợp với cây rau ngót nên quyết định cải tạo 6.000m2 đất, đầu tư hệ thống tưới béc phun để trồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư máy cày, máy xới và chiếc xe tải nhỏ để phục vụ sản xuất.
Cầm những bó rau ngót xanh mơn mởn, anh Tân cho biết, đây là loại cây ngắn ngày, trồng một lần có thể thu hoạch 3 năm, mỗi năm 6 lứa, mỗi lứa được khoảng 4 tấn rau. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm, anh thu lời hơn 200 triệu đồng. Không những thế, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động là người đồng bào dân tộc Châu Ro tại địa phương.
Để bồ ngót cho lá quanh năm, anh Tân không cắt bán đồng loạt mà chỉ cắt tỉa, chừa lại một phần để rau phát triển xanh tốt và đâm nhiều nhánh con. Sau đó anh cắt nhánh để giâm cành, mở rộng diện tích canh tác. Chỉ một thời gian ngắn, mảnh đất khô cằn đã được phủ xanh bởi rau ngót. Rau ngót là cây dễ trồng nhưng theo kinh nghiệm của anh Tân, nếu không biết cách chăm sóc thì chỉ thu hoạch được từ 2 - 3 lứa là cây sẽ nhiễm sâu bệnh và chết. “Rau bồ ngót thích hợp trồng trên đất cao. Sau khi trồng khoảng 45 ngày là có thể thu hoạch rau”, anh Tân tiết lộ. Anh lựa giống rau ngót lá nhỏ từ miền Trung, bón phân hữu cơ, đặc biệt là không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm bảo đảm chất lượng, được thị trường ưa chuộng.
Ông Nguyễn Văn Tốt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đất Đỏ cho biết, mô hình trồng rau ngót của anh Tân là mô hình mới trên địa bàn. Hiện nay, địa phương đã hỗ trợ để đầu tháng 2-2019, anh Tân ra mắt HTX chuyên trồng rau ngót, bước đầu có 37 thành viên nhằm xây dựng thương hiệu “bồ ngót Long Tân” sạch, an toàn, ổn định sản lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nhờ dám nghĩ dám làm, từ hoàn cảnh khó khăn, gia đình anh Tân đã vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh vườn của mình. Tin tưởng, thời gian tới thương hiệu “bồ ngót Long Tân” sẽ sớm có mặt tại nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG