Còn nhiều "điểm nghẽn" về thủ tục đất đai

Thứ Hai, 14/01/2019, 19:08 [GMT+7]
In bài này
.

Dù Sở TN-MT đã có nhiều giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực TN-MT, đẩy nhanh thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục cho DN, tuy nhiên lĩnh vực đất đai  vẫn còn nhiều vướng mắc khiến các DN bức xúc. Theo phản ánh của các nhà đầu tư, “điểm nghẽn” về thủ tục đất đai là một trong những lý do khiến cho nhiều dự án chậm trễ.

KDL Hồ Mây xây dựng chưa đến 10% diện tích đất nhưng vẫn phải trả tiền thuê đất giá cao cho 100% diện tích của dự án.
KDL Hồ Mây xây dựng chưa đến 10% diện tích đất nhưng vẫn phải trả tiền thuê đất giá cao cho 100% diện tích của dự án.

DN CHỊU QUÁ NHIỀU THIỆT THÒI

Dự án tuyến ống truyền tải nước và Nhà máy nước Tóc Tiên 2 tại xã Châu Pha và xã Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6-2011 với tổng diện tích hơn 124.996m2, do Công ty TNHH Tập đoàn Hải Châu làm chủ đầu tư. Nhưng gần 8 năm trôi qua, dự án này vẫn nằm trên giấy. Ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Công CP Tập đoàn Hải Châu cho biết, do chưa xác định được mức giá đền bù nên công ty chưa thể tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 62.206m2 đất trong dự án.

Tại hội nghị tiếp xúc với DN (ngày 11-1) do Sở TN-MT tổ chức, ông Toản mang theo một xấp hồ sơ dày cộm liên quan đến dự án và trình bày trong bức xúc: “Theo quyết định 71/201/QĐ-UBND ngày 19-12-2011 của UBND tỉnh: Từ năm 2012, khi thực hiện công tác bồi thường GPMB của tất cả các dự án đầu tư mà bảng giá các loại đất do UBND tỉnh ban hành quy định tại thời điểm thu hồi đất chưa sát giá thị trường thì UBND cấp huyện phải tiến hành khảo sát giá đất cho phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Trên cơ sở này, TX. Phú Mỹ đã thuê công ty khảo sát giá trình lên Sở Tài chính. Tháng 9-2016, UBND tỉnh mới có quyết định phê duyệt giá đất để tính mức bồi thường. Nhưng khi ra được giá đền bù thì TX. Phú Mỹ lại cho rằng mức giá không còn phù hợp với thực tế nữa nên xin ý kiến Sở TN-MT để xây dựng mức giá mới. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm kê lại từ đầu để phê duyệt giá đền bù mới. Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian, công sức đi đi về về hết phòng TN-MT cấp huyện đến Sở TN-MT, Sở Tài chính… nhưng vẫn không tháo gỡ vướng mắc để bồi thường, GPMB. Vì vậy 8 năm qua, dự án vẫn cứ đứng yên tại chỗ, nếu tính thiệt hại thì con số phải lên tới hàng chục tỷ đồng”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tín Nghĩa – Phương Đông (huyện Đất Đỏ) cho biết: Do việc chậm giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp giấy CNQSDĐ cho khu dân cư Đất Đỏ đã khiến cho việc thực hiện các thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử như, ngày 27-8-2018 công ty nộp hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ cho khu dân cư Đất Đỏ I, tuy nhiên cho đến thời điểm này việc thực hiện các thủ tục cấp giấy CNQSDĐ vẫn chưa có tiến triển nên chưa thể hoàn tất hồ sơ để sớm triển khai và đưa dự án này đi vào hoạt động. Công ty cũng không thể nộp hồ sơ làm giấy tờ cho riêng từng hộ dân trong khu dân cư này được. Bên cạnh đó, theo quy hoạch tổng thể khu dân cư Đất Đỏ I có 4,96ha đất bố trí tái định cư. Nhằm đáp ứng kịp thời việc giao đất cho các hộ dân bị thu hồi trong 2 dự án KCN và khu dân cư Đất Đỏ I, Công ty đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh khu tái định cư vào cuối tháng 2-2017. Mặc dù Công ty đã nhiều lần có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết việc hoàn tất thủ tục thu hồi đất để giải quyết nhu cầu đất ở mới cho các hộ dân, đồng thời sớm quyết toán giá trị đầu tư hạ tầng, sớm xác định và ra thông báo nộp tiền sử dụng đất cho phần diện tích 13.843m2 còn lại để công ty triển khai kinh doanh. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả phản hồi từ cơ quan chức năng.

Việc chậm thực hiện các thủ tục đất đai khiến cho KCN Đất Đỏ I (huyện Đất Đỏ) gặp nhiều vướng mắc trong thu hút đầu tư. Trong ảnh: Đường vào KCN Đất Đỏ I. Ảnh: QUANG VŨ
Việc chậm thực hiện các thủ tục đất đai khiến cho KCN Đất Đỏ I (huyện Đất Đỏ) gặp nhiều vướng mắc trong thu hút đầu tư.
Trong ảnh: Đường vào KCN Đất Đỏ I.

NGÀNH TN-MT HỨA SẼ CẢI THIỆN

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều ý kiến của các DN tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở TNMT và DN cuối tuần qua. Giải đáp các vấn đề DN nêu, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, tình trạng ách tắc trong vấn đề đất đai thời gian qua là do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 vẫn còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng cụ thể. Các dự án đầu tư phải chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khiến cho thủ tục đầu tư phức tạp, rườm rà, mất nhiều thời gian cho DN. Chính sách về giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính còn bất hợp lý khi áp dụng vào thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Các huyện, thành phố chưa ban hành kế hoạch sử dụng đất năm 2019 nên chưa có cơ sở pháp lý để chuyển mục đích sử dụng đất cho DN... 

Lãnh đạo Sở TN-MT chủ trì hội nghị đối thoại với DN quý I năm 2019.
Lãnh đạo Sở TN-MT chủ trì hội nghị đối thoại với DN quý I năm 2019.

Đối với những vấn đề mà các DN phản ánh, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT thừa nhận, một bộ phận công chức chưa nắm được quy trình xử lý đối với hồ sơ về đất đai như: thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường; chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chuyển nhượng quyền sử dụng đất… nên chưa hướng dẫn được cho các tổ chức, DN dẫn đến lúng túng khi xử lý hồ sơ của DN. Bên cạnh đó, giữa các địa phương chưa có sự đồng nhất trong việc hướng dẫn, xử lý hồ sơ DN cho dù quy trình, thủ tục đã được ban hành.

Từ năm 2018, Sở TN-MT đã có nhiều nỗ lực nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN trong thủ tục đất đai. Cụ thể, trung bình 1 quý Sở TN-MT tổ chức hội nghị gặp mặt DN 1 lần để lắng nghe ý kiến của DN, báo cáo kết quả hồ sơ vướng mắc đã xử lý và hồ sơ còn tồn đọng, làm rõ nguyên nhân tồn đọng và hướng giải quyết. Cụ thể, qua 4 lần tiếp xúc DN trong năm 2018, Sở TN-MT đã nhận được 47 ý kiến của 26 DN liên quan đến lĩnh vực TN-MT. Đến nay Sở đã giải quyết được 42/47 kiến nghị của 25 DN, tổ chức. Còn 5 kiến nghị của 4 DN, sở đang tiếp tục giải quyết.  “Đối với những vụ việc đang xử lý, Sở TN-MT sẽ khẩn trương phối hợp với các Sở, ngành và địa phương có liên quan để giải quyết dứt điểm cho các DN. Đặc biệt, Sở TN-MT chú trọng rà soát thủ tục hành chính về đất đai, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, trả kết quả sớm cho DN; thường xuyên giám sát, kiểm tra, phê bình, nhắc nhở các bộ phận chuyên môn, viên chức và người lao động chậm trễ trong công tác tham mưu giải quyết thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của các DN và của người dân”, ông Linh nói.

Theo khảo sát gần đây nhất của VCCI BR-VT, 59% DN trên địa bàn tỉnh cho rằng còn nhiều “điểm nghẽn” về đất đai. Cụ thể, các DN đánh giá, quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của DN; công tác giải phóng mặt bằng chậm; thủ tục hành chính thuê, mua đất phức tạp; giá đất theo quy định của Nhà nước cao, tăng quá nhanh...

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.