Được thành lập cách đây 5 năm, Phòng giao dịch Côn Đảo - Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh BR-VT thực hiện nhiệm vụ cấp vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở Côn Đảo, giúp họ có điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh, làm ăn hiệu quả, vươn lên ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng huyện Côn Đảo ngày càng đổi mới và phát triển.
Bà Nguyễn Thị Xét - khách hàng vay vốn của NHCSXH để tổ chức chăn nuôi heo rừng lai tại khu dân cư số 3, huyện Côn Đảo. |
Cơn bão số 9 (Durian) năm 2006 đã làm cho gia đình bà Tô Thị Thanh Phương (khu dân cư số 5, huyện Côn Đảo) bị thiệt hại 100% chiếc tàu đánh cá là phương tiện tạo ra nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ đó, hộ bà Phương rơi vào hoàn cảnh khó khăn, các thành viên trong gia đình phải làm thuê, buôn bán nhỏ ở chợ và làm nhiều công việc khác để trang trải, lo toan cho cuộc sống hàng ngày. Đến năm 2013, sau khi Chi nhánh NHCSXH tỉnh BR-VT thành lập Phòng giao dịch NHCSXH Côn Đảo (PGD Côn Đảo), bà Phương là một trong những khách hàng đầu tiên tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Với số vốn vay 30 triệu đồng, bà Phương tổ chức mua bán hải sản tươi sống tại nhà. Sau một thời gian sử dụng vốn vay, công việc buôn bán hải sản ngày càng phát triển tốt, làm ăn hiệu quả, có thu nhập tích lũy, cùng với vốn vay thêm của người thân và sự giúp đỡ của người tốt bụng, bà Phương có điều kiện mở quán ăn, làm thêm dịch vụ nhà nghỉ. Hiện tại, riêng việc buôn bán hải sản, sau khi trừ chi phí thì bà Phương cũng có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. “Cuộc sống gia đình tôi giờ đây đã thực sự ổn định và ngày càng phát triển. Nhưng tôi không bao giờ quên những đồng vốn vay ban đầu của NHCSXH đã kịp thời hỗ trợ gia đình tôi trong lúc khó khăn nhất. Hiện nay, tôi vẫn là khách hàng vay vốn theo chương trình tín dụng giải quyết việc làm của NHCSXH”, bà Phương bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Xét (khu dân cư số 3, huyện Côn Đảo) cũng là một trong những khách hàng đầu tiên vay vốn của PGD Côn Đảo từ năm 2013. Với nguồn vốn vay, bà Xét tổ chức chăn nuôi heo rừng lai F1. Bà Xét tổ chức nuôi quay vòng nhiều lứa kế tiếp nhau, nên thường xuyên có heo xuất bán. Hiện tại, đàn heo của gia đình bà Xét luôn giữ ổn định 20 heo nái, hơn 50 heo con. Hàng năm, từ việc nuôi heo rừng lai, sau khi trừ chi phí chăm sóc, gia đình bà Xét có thu nhập gần 100 triệu đồng. “Hiện, tôi vẫn còn là khách hàng của PGD Côn Đảo, với dư nợ vay 35 triệu đồng để chăm sóc lứa heo cung ứng ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán năm nay”, bà Xét chia sẻ.
Bà Tô Thị Thanh Phương - khách hàng vay vốn của NHCSXH sử dụng vào việc buôn bán hải sản tươi sống tại khu dân cư số 5, huyện Côn Đảo. |
Hai trường hợp trên là điển hình cho hàng trăm hộ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn của PGD Côn Đảo sử dụng vốn đúng mục đích, tổ chức làm ăn hiệu quả, vươn lên ổn định cuộc sống. Việc cho vay của PGD Côn Đảo được thực hiện thông qua bình xét của 19 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các khu dân cư của các tổ chức đoàn thể Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh của huyện. Theo đó, đến đầu tháng 12, doanh số cho vay của PGD Côn Đảo hơn 11,7 tỷ đồng; tổng dư nợ hơn 30,3 tỷ đồng/747 hộ vay theo các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, học sinh - sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở xã hội. Trong đó, dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức đoàn thể chiếm tới 97% tổng dư nợ.
Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo: “So với các đơn vị giao dịch của Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng NN-PTNT đang hoạt động tại Côn Đảo thì doanh số cho vay của NHCSXH ít hơn. Tuy nhiên, đối tượng cho vay của NHCSXH chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo và giải quyết việc làm, nên đã góp phần thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng huyện Côn Đảo ngày càng đổi mới và phát triển”.
|
Theo ông Võ Đức Tiên, Giám đốc PGD Côn Đảo, hoạt động tín dụng CSXH tại huyện Côn Đảo được tỉnh đặc biệt quan tâm. Cụ thể, vốn từ ngân sách tỉnh giao ủy thác cho vay qua PGD Côn Đảo 24,3 tỷ đồng, chiếm 73,6% tổng nguồn vốn hiện nay của PGD Côn Đảo (gần 33 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn ngân sách tỉnh giao ủy thác cho vay qua các phòng giao dịch NHCSXH tại các huyện khác trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 30% tổng nguồn vốn. “Với mô hình hoạt động của NHCSXH phải phối hợp, thông qua chính quyền cơ sở, nhưng huyện Côn Đảo không có cấp xã nên việc cho vay của PGD Côn Đảo gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện tích cực hỗ trợ, nhờ vậy, chất lượng tín dụng của PGD Côn Đảo tốt hơn nhiều so với địa phương khác. Cụ thể, đến đầu tháng 12-2018, tổng dư nợ hơn 30,3 tỷ đồng đều là nợ trong hạn, không có nợ quá hạn, nợ khoanh”, ông Võ Đức Tiên cho hay.
Bài, ảnh: GIA BẢO