.

Sử dụng vật liệu xây không nung còn hạn chế

Cập nhật: 16:40, 13/12/2018 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, Chính phủ chủ trương thúc đẩy phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN). Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ các công trình sử dụng loại vật liệu này đang còn ở mức khiêm tốn.

Công trình xây dựng Bện viện đa khoa TP.Vũng Tàu đang được xây dựng bằng gạch không nung.
Công trình xây dựng Bện viện đa khoa TP.Vũng Tàu đang được xây dựng bằng gạch không nung.

Tại BR-VT, triển khai chủ trương của Chính phủ về phát triển VLXKN, toàn tỉnh đã có 7 đơn vị đầu tư sản xuất VLXKN, với tổng công suất đạt khoảng 250 triệu sản phẩm/năm. Tuy nhiên, theo các DN này, để bán được sản phẩm, các đơn vị sản xuất VLXKN hầu như phải tự bơi giữa thị trường, cạnh tranh khó khăn với các sản phẩm vật liệu xây dựng truyền thống.

Ông Nguyễn Thế Thường, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Chí cho biết, từ năm 2014, Công ty CP Thành Chí đã đầu tư nhà máy gạch, ngói không nung (xi măng cốt liệu) tại mỏ đá của công ty, với công suất mỗi năm khoảng gần 30 triệu viên gạch không nung và 100.000m2 gạch lát. Nguồn nguyên liệu sản xuất gạch được sử dụng hoàn toàn từ nguồn đá cát nghiền - sản xuất trên dây chuyền đệm không khí nên đạt chất lượng cao. Sản phẩm gạch không nung có màu sắc bền đẹp,  bảo đảm cường độ, độ hút nước và độ rỗng thấp. Về chất lượng, gạch xi măng cốt liệu có ưu thế nổi trội hơn hẳn gạch đất nung về chất lượng và tính ứng dụng của sản phẩm. Cụ thể, gạch xi măng cốt liệu có cường độ chịu lực cao, chống thấm tốt, mẫu mã, kích thước đa dạng, giá cả cạnh tranh, ổn định, sản lượng lớn, giảm thời gian thi công, tiết kiệm chi phí, công cụ, vật tư, kỹ thuật thi công đơn giản dễ dàng trong quản lý và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ, sử dụng loại vật liệu này còn rất hạn chế. Ông Thường cho biết thêm, thị trường của công ty cũng như một số DN trên địa bàn hiện nay chủ yếu là các công trình sử dụng vốn ngân sách trong địa bàn tỉnh BR-VT, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, ngành xây dựng, tại Việt Nam đang sử dụng tới 80% gạch nung truyền thống mặc dù tăng trưởng trung bình năm của ngành này tới 8%. Trước tình hình việc VLXKN  chưa được sử dụng rộng rãi, cuối năm 2017 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BXD quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2018. Theo đó, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây. Ngoài ra, tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ 15-1-2018 cũng quy định, sẽ phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với để nhà thầu thi công không sử dụng VLXKN đối với công trình theo quy định bắt buộc phải sử dụng VLXKN. Tại BR-VT, căn cứ Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh  đã ban hành Văn bản số 1511/UBND-VP ngày 13-2-2018 quy định, kể từ ngày 1-2-2018, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của DN có vốn Nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Các công trình xây dựng mới từ 9 tầng trở lên trên địa bàn tỉnh, không phân biệt nguồn vốn phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN cho công trình.

Ông Vũ Hồng Thuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu cho biết, trước quy định về việc sử dụng VLXKN, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Đồng thời, giao Phòng Quản lý đô thị tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn.

Theo ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng, dù các biện pháp về mặt chính sách là vô cùng cần thiết, tuy nhiên điều quan trọng nhất để phát triển VLXKN vẫn là chuyện phải tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá thành hợp lý. Do vậy, để gạch không nung sử dụng rộng rãi trong xây dựng công nghiệp và dân dụng nhà nước cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhất là các công trình vốn ngân sách. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn chỉnh, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các chủng loại VLXKN để có cơ sở áp dụng đồng bộ, tạo thuận lợi cho các đơn vị đưa các loại sản phẩm này vào công trình.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

.
.
.