Ngành thép tăng trưởng nhưng chưa bền vững
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2018, ngành thép vẫn có tốc độ tăng trưởng vượt bậc cả về sản lượng sản xuất lẫn tiêu thụ. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà ngành thép đối mặt với nhiều vụ kiện về phòng vệ thương mại nhất, điều này đặt ra cho ngành này không ít thách thức trong thời gian tới.
Sản xuất thép tấm lá tại nhà máy thép SCM (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ). Ảnh: MINH TÂM |
Năm 2018, ngành thép tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức khoảng 20-22% so với năm 2017. Sự tăng trưởng của ngành thép được đánh giá là do kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai trong năm đã tạo động lực tốt cho tăng trưởng của ngành.
Thép hiện chiếm tỷ trọng 35% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh BR-VT. Năm 2018, hầu hết các DN chuyên sản xuất thép như: Công ty TNHH Posco Việt Nam; Công ty CP China Steel Sumikin Việt Nam; Pomina… đều có sự tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của cả nước, với mức tăng từ 22-24%. Một số công ty còn mở rộng sản xuất như: Công ty như TNHH Tungho Việt Nam, Pomina tăng năng lực sản xuất thêm 600.000 tấn thép xây dựng; Công ty TNHH ống thép Nippon Steel & Sumikin Việt Nam (KCN Phú Mỹ II, TX. Phú Mỹ) đầu tư 4 triệu USD để mở rộng nhà xưởng. Ông Tokita Yoshifumi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ống thép Nippon Steel & Sumikin Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty ổn định, tăng trưởng tốt, do vậy, công ty quyết định tăng vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, theo ông Chiang Bing Chen, Giám đốc hành chính, Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam (KCN Phú Mỹ 2, TX.Phú Mỹ), năm 2018, hoạt động sản xuất của Công ty vẫn duy trì đà tăng trưởng, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Hiện sản phẩm thép của công ty đang có thị trường ổn định tại một số nước trong khu vực châu Á.
Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng ngành thép cũng đối mặt không ít thách thức. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, từ tháng 8 đến nay, ngành thép Việt Nam đã liên tiếp phải đối mặt với gần 10 vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) từ các nước như Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… Cụ thể, Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng điều tra gia hạn lần 2 biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn. Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu. Cơ quan biên phòng Canada (CBSA) cũng đã khởi xướng điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn các bon có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia (MITI) tiến hành điều tra bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Mới đây, tại hội thảo về thực trạng và thách thức của ngành thép Việt Nam trong bối cảnh các nước tăng áp dụng các biện pháp PVTM, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương) cho biết, trên thế giới có hơn 1.500 vụ phòng vệ thương mại thì ngành thép chiếm hơn 30% tổng số vụ. Đặc biệt, 2 năm gần đây, ngành thép trên thế giới thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM với mức thuế suất rất cao. Chỉ tính trong 2 năm gần đây nhất, ngành thép Việt Nam dẫn đầu danh sách này, với với 37 vụ kiện PVTM. Từ thực tế này, Cục PVTM khuyến nghị, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện PVTM , các DN nên tự bảo vệ mình bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM. Mặt khác, DN cần đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nghiên cứu kỹ có ý định khi mở rộng công suất.
MINH AN