Phát triển đô thị ven biển hài hòa, bền vững
BR-VT là một đô thị biển giàu tiềm năng. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ven biển trên địa bàn tỉnh còn tồn tại những bất cập, hạn chế. Từ thực tế này, cơ quan chức năng đang tổ chức rà soát tổng thể các đồ án quy hoạch xây dựng dải ven biển để có những điều chỉnh phù hợp.
Hiện nay, hầu hết các dải đất ven biển của BR-VT đều “phủ kín” các dự án du lịch. Việc này đã làm giảm dần quyền tiếp cận biển của người dân địa phương.
Dọc theo tuyến đường ven biển từ thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) đến thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đua nhau mọc lên. Trải dài gần 10km dọc tỉnh lộ 44, phía bờ biển là những resort như Lan Rừng Phước Hải Resort & Spa (chủ đầu tư là Công ty TNHH An Kim Thiện), Tropicana Beach (Tập đoàn Kim Group), Thuỳ Dương Resort (Công ty CP May và Xây dựng Huy Hoàng), The Long Hải resort (Công ty CP Thương mại - Du lịch Tân Thành), Oceanami Villas & Beach Club (Công ty CP Beegreen và Công ty CP Du lịch Hoa Anh Đào), Zenna Villas (Công ty CP DKRA Việt Nam)… Do có nhiều dự án “án ngữ” nên suốt chiều dài 10km ven biển chỉ có vài lối nhỏ dành cho người dân xuống biển. Bà Đinh Thị Hương (khu phố Hải Sơn, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cho biết, trước đây, bãi biển Long Hải còn hoang sơ, khách du lịch đến đây chỉ đi vài bước là xuống biển, nay muốn xuống biển phải đi vòng hàng trăm mét.
Nhiều dự án du lịch ven biển Long Hải - Phước Hải chưa triển khai nhưng vẫn làm rào chắn hết lối xuống biển của người dân. Ảnh: MINH TÂM |
Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận, hiện nay, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ven biển trên địa bàn tỉnh đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, việc quy hoạch thiếu đồng bộ về phân khu chức năng giữa các khu vực; kiến trúc đô thị biển còn manh mún; thiếu công trình điểm nhấn nên không tạo sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo mang nét riêng của từng địa phương; trùng lắp về sản phẩm du lịch; thiếu các khu tổ hợp du lịch lớn, nổi tiếng, đa dạng…
Trước những bất cập trên, theo Sở Xây dựng, để làm tốt công tác quản lý quy hoạch, BR-VT cần tổ chức rà soát tổng thể các đồ án quy hoạch xây dựng dải ven biển; đánh giá, phân tích điều kiện hiện trạng, nhu cầu đáp ứng thực tại và trong tương lai để đưa ra giải pháp tổng thể phù hợp. Từ đó, lập quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung đặc thù cho dải ven biển. Đối với các phân khu chức năng, việc tổ chức quy hoạch không gian, hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng phải trên cơ sở kết nối một cách tổng thể, hài hòa cho dải đất ven biển. Bên cạnh đó, tỉnh cần kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, tạo quỹ đất để thực hiện các dự án lớn, hỗ trợ nhà đầu tư có năng lực thật sự. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, các địa phương phải chỉ đạo tổ chức lập kế hoạch thực hiện tổng thể, trong đó cần ưu tiên nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và các tuyến đường ngang nối với các bãi biển, dự án, bãi tắm công cộng.
Hiện nay, Sở Xây dựng đang chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát lại các dự án đầu tư du lịch ven biển chậm triển khai để đề xuất xử lý thu hồi dự án và bố trí quy hoạch xây dựng sau thu hồi. Theo đó, BR-VT sẽ ưu tiên bố trí thêm các khu chức năng công cộng như: Vui chơi giải trí, bãi tắm công cộng, bãi đậu xe, đường giao thông tiếp cận biển… để phục vụ người dân địa phương cũng như khách du lịch.
Khu du lịch Biển Đông (TP.Vũng Tàu) sở hữu 750m chiều dài bờ biển, đã đưa vào khai thác có hiệu quả dịch vụ ghế dù, phao tắm, trò chơi thể thao biển, team building... Ảnh: GIA AN |
Tuy nhiên, về lâu dài, để phát triển đô thị biển theo hướng bền vững, BR-VT cần phải tính đến giải pháp toàn diện hơn. Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, BR-VT là tỉnh ven biển nằm trong khu vực tam giác tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Địa phương hiện có 305km chiều dài bờ biển nên thuận lợi cho phát triển vận tải biển, hệ thống cảng, du lịch và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản. Do đó, đô thị biển không nhất thiết luôn phải là đô thị du lịch nên BR-VT có thể tận dụng những lợi thế của mình hình thành một “tuyến đô thị ven biển đa năng”. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên phác họa mô hình các nhóm đô thị ven biển mà BR-VT mà có thế mạnh để xây dựng và phát triển: Du lịch - nghỉ dưỡng; khai thác hải sản; khai thác dầu khí và khoáng sản; giao thông vận tải biển quốc tế...
QUANG VŨ