Sáng 11-12, Sở KH-CN tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu ứng dụng trong sản xuất và đời sống”, nhằm giới thiệu về trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu ứng dụng trong quản lý, sản xuất và đời sống trên các lĩnh vực y tế, điện tử, logistics, giao thông, giáo dục, nông nghiệp…
Tại buổi nói chuyện, các đại biểu, SV các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã được nghe các diễn giả trình bày các khái niệm cốt lõi của trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu; chiến lược của các quốc gia và thảo luận hướng đi phù hợp cho Việt Nam trong thời đại chuyển đổi số.
Theo GS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Viện John von Neumann (Viện JVN), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tiến bộ của khoa học đã cho phép con người dần số hóa được hầu hết mọi thực thể trên thế giới, và từ đó kết nối các phiên bản số của chúng trong không gian internet, hay còn gọi là Internet Of Things (IoT) - Mạng lưới vạn vật kết nối bởi Internet. Khoa học dữ liệu đóng vai trò “bộ não” trong quá trình phân tích các dữ liệu cung cấp bởi không gian số kể trên, từ đó đưa ra quyết định điều hành các hoạt động trong thế giới thực bằng trí thông minh nhân tạo. Thông qua các quá trình phân tích, khám phá tri thức từ dữ liệu, khoa học dữ liệu hỗ trợ các tổ chức, DN trong việc đưa ra quyết định hiệu quả. Trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, phần mềm công nghệ blockchain được xem là “chìa khóa” cho chuyển đổi số. Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, công nghệ blockchain (chuỗi khối) có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Với những đặc thù này, công nghệ số mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông. Xu hướng áp dụng lớn nhất hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam sẽ là mảng tài chính, ngân hàng, kiểm toán nội bộ.
NGÔ THANH