Đưa Nghị quyết hội nghị Trung ương 8, khóa XII vào cuộc sống: Phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường
Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XII của Đảng thông qua nội dung cơ bản Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với tư duy mang tính đột phá: Hướng ra biển, dựa vào biển “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn”.
ĐVTN thu gom rác thải tại bờ biển ấp Phước Lộc (xã Phước Hưng, huyện Long Điền). |
Trong hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, khóa X về Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước. Các ngành kinh tế thuần biển và ven biển đã đóng góp khá lớn vào GDP của cả nước, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, củng cố an ninh, quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tuy vậy, đã và đang đặt ra nhiều thách thức không hề nhỏ: Tài nguyên và môi trường biến đổi theo chiều hướng xấu, bị hủy hoại và tiếp tục bị “đầu độc” từ các hoạt động của con người trong phát triển kinh tế - xã hội. BCHTW Đảng đánh giá: “Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường”, “Ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức”.
Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa. Khoảng 70-80% rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, khách sạn, nhà hàng, resort, hoạt động nuôi trồng hải sản…xả nước thải, chất thải rắn chưa xử lý trực tiếp xuống biển, hoặc theo các con sông qua 112 cửa sông đổ ra biển. Cùng với sự cố tràn dầu, ô nhiễm từ các hoạt động tàu thuyền đánh cá, vận tải biển và các giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí trên biển. Các nhà khoa học cho biết: Cứ 1 ha nuôi tôm trong một vụ, thải ra môi trường 5 tấn chất thải rắn và hàng chục ngàn m3 nước thải ra môi trường. Vùng biển nước ta hiện có 350 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, ngoài việc thải nước có lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình hoạt động này phát sinh 5.600 tấn chất thải rắn, trong đó 20-30% là chất thải rắn độc hại. Vùng biển Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã xuất hiện thủy triều đỏ; Lượng hải sản vùng biển nước ta đang giảm dần, 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau, trong đó 70 loài được đưa vào sách đỏ Việt Nam; 80% rạn san hô, thảm cỏ biển, hệ sinh thái biển nằm trong tình trạng rủi ro, nguy ngập. Hệ sinh thái biển đang bị đe dọa ở mức nghiêm trọng.
Đảng, Nhà nước phải tìm lời giải hàng loạt vấn đề, trong đó có mối quan hệ: Phát triển kinh tế biển với bảo tồn tài nguyên và môi trường biển. Từ kinh nghiệm của thế giới, cũng như xu thế chủ yếu của thời đại ngày nay “Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển” và bài học đắt giá trong những năm qua, cho Đảng ta đề ra quan điểm: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái biển tự nhiên”. Mục tiêu và cũng là quyết tâm chính trị Đảng phấn đấu hướng tới “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh”, giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển. Nhưng không phải bằng mọi giá, không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường, vấn đề tài nguyên, môi trường vẫn được đưa lên hàng đầu “ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển... phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng”, “ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở những tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường”, “Bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000”.
Kinh tế trong đất liền, ven biển và kinh tế thuần biển phát triển sẽ kèm theo áp lực rất lớn về bảo vệ tài nguyên, môi trường nói chung và tài nguyên, môi trường biển nói riêng. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, ngay từ ngày hôm nay phải: Tiến hành xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển tuân theo tiêu chí sinh thái, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh; Chuyển nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp ven biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; Tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững biển, đại dương. Nhưng điều quan trọng bậc nhất, có tính quyết định là: Tuyên truyền, giáo dục để làm tăng nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về biển đảo. Trách nhiệm của cấp ủy các cấp, của cán bộ, đảng viên và các đoàn thể quần chúng phải tích cực giáo dục để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của biển đảo nước nhà đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cần làm cho mọi người hiểu rằng: Biển đảo là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; Biển là không gian sinh tồn của con người, sức khỏe của biển quyết định sức khỏe của con người, biển chết, con người cũng sẽ không tồn tại. Biển không chỉ cung cấp nguồn thức ăn cho hơn 90 triệu người dân nước ta mà còn là điều kiện cần thiết để phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn: Hải sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch… Biển có nhiều tài nguyên tái tạo vô giá, mà con người có thể khai thác, sử dụng không bao giờ hết: Sức gió, sóng, thủy triều, ánh nắng mặt trời…giúp nền kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Sự thay đổi nhận thức theo hướng tích cực sẽ giúp con người biết yêu quý, thân thiện, trách nhiệm, biết khai thác, giữ gìn, nuôi dưỡng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hành động hiệu quả hơn trên nền tảng văn hóa biển.
NGUYỄN QUANG PHI