Diện tích cây ăn trái tăng "nóng": Hệ lụy khó lường
Chỉ trong vòng 1 năm, diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh tăng hơn 1.000ha. Việc phát triển “nóng” về diện tích dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, một số loại cây không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, dễ bị dịch bệnh.
Mãng cầu ta BR-VT là một trong những thương hiệu trái cây đặc sản sẽ được tăng cường quảng bá trong thời gian tới. Trong ảnh: Anh Nguyễn Vũ Toàn (ấp Thanh An, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) thu hoạch mãng cầu. |
ĐUA NHAU MỞ RỘNG DIỆN TÍCH NHIỀU LOẠI CÂY ĂN TRÁI
Những năm gần đây, bưởi da xanh là một trong những loại trái cây đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ông Dương Văn Tèo (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) đang trồng gần 1ha bưởi da xanh. Ông Tèo cho biết, nhờ đặc điểm đất đai, khí hậu tại địa phương phù hợp nên bưởi cho năng suất tốt, trung bình 20-25 tấn/ha, giá bán cũng luôn ở mức cao, 40-70 ngàn đồng/kg tùy thời điểm. Nhờ đó, trừ chi phí mỗi năm nông dân trồng bưởi có thể thu được khoảng 500-600 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sông Xoài, năm 2016, toàn xã chỉ có khoảng hơn 100ha trồng bưởi da xanh. Tuy nhiên, vì loại cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ đã đầu tư để tăng diện tích trồng, lên khoảng 207ha như hiện nay.
Do liên tục được mùa, được giá, sầu riêng là loại cây có tốc độ tăng diện tích trồng “nóng” của tỉnh. Trong ảnh: Thu hoạch sầu riêng tại vườn nhà bà Chạc Bắc Kiếu (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Ảnh: QUANG VINH |
Sầu riêng cũng là một trong những loại cây ăn trái giúp nhiều nông dân làm giàu. Xã Xà Bang, huyện Châu Đức đang có khoảng 50ha diện tích canh tác loại cây này. Ông Nguyễn Đóa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xà Bang cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, nông dân luôn có thu nhập cao nhờ sầu riêng được mùa, được giá. “Vụ sầu riêng vừa qua giá sầu riêng luôn giữ ổn định ở mức 50-70 ngàn đồng/kg. Cộng với việc thời tiết thuận lợi, năng suất cao nên bình quân bà con nông dân thu lãi trên 600 triệu đồng/ha nhờ loại trái cây đặc sản này. Thấy hiệu quả, nhiều người đã đầu tư để tăng diện tích trồng”. Chỉ trong 1 năm, diện tích sầu riêng của tỉnh đã tăng lên 647ha so với năm 2017.
Lâu nay sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu quan tâm đến sản lượng. Chính từ nhận thức đó khiến nông dân vẫn chạy theo phong trào trong sản xuất, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”. Câu chuyện của cây chuối cấy mô thời gian qua là ví dụ. Ban đầu trên địa bàn tỉnh mới chỉ có vài hộ tại xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) trồng thử nghiệm trên diện tích vài ha, người trồng chuối thu lãi từ 70-80 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, diện tích trồng chuối cấy mô đã tăng lên 70ha, sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm. Trong khi đó, người trồng chuối lại không rõ sẽ bán hàng cho ai, tiêu thụ tại thị trường nào. Tính đến nay, diện tích chuối cây mô triên địa bàn tỉnh tăng lên hơn 363ha. Hậu quả là cung vượt cầu, 2 năm liên tiếp đã diễn ra tình trạng phải kêu gọi “giải cứu chuối”.
Thu hoạch xoài tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc. |
NHIỀU HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG
Theo ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, diện tích trồng cây ăn trái liên tục tăng không chỉ riêng sầu riêng, bưởi da xanh, nhiều loại trái cây khác cũng liên tục được mùa, được giá. Cộng với việc một số cây công nghiệp lâu năm như hồ tiêu, cà phê, cao su gặp vấn đề về dịch bệnh, giá cả. Do vậy, bà con nông dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây ăn trái. Đến nay, diện tích trồng các loại cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã tăng lên hơn 9.000ha so với gần 8.000ha của năm 2017. Trong đó, các loại trái cây đặc sản như bưởi da xanh, nhãn xuồng, mãng cầu, sầu riêng có tốc độ tăng “nóng”, lên đến hàng trăm ha. Thực tế cho thấy, lâu nay thói quen của nông dân là thấy ai trồng loại cây ăn trái nào “trúng” thì ùn ùn trồng theo. Chẳng bao lâu, thị trường bão hòa, giá cả xuống thấp, dịch bệnh liên miên… Còn loại cây nào có hiệu quả kinh tế cao thì “vắt” kiệt sức để thu lợi nhuận. Trước đây, nhờ năng suất ổn định, giá cao, quýt đường cũng là loại trái cây đặc sản chủ lực của tỉnh. Với thu nhập vài trăm triệu đồng/ha/năm đem lại cho nông dân, cây quýt đã làm xuất hiện nhiều làng “tỷ phú” như xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc), xã Long Tân (huyện Đất Đỏ). Tuy nhiên, cũng vì hiệu quả kinh tế cao, nông dân mở rộng diện tích ồ ạt, tăng mật độ trồng khiến loại cây này gặp dịch bệnh hàng loạt. Hàng trăm ha quýt phải chặt bỏ, nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần. Chỉ riêng tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, diện tích quýt đường của xã giảm từ 400ha xuống còn khoảng 70ha.
Hay như vừa qua, bệnh chổi rồng xuất hiện và hoành hành trên hơn 100ha nhãn tại các xã Hòa Hội, Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) làm cho năng suất, chất lượng trái giảm mạnh. Nông dân thua lỗ hàng chục triệu đồng/ha. Nhiều chuyên gia cho biết, một trong những nguyên nhân tăng thêm thiệt hại của loại bệnh này là việc tăng diện tích ồ ạt, tăng mật độ canh tác khiến cây giảm sức đề kháng nên khi dịch bệnh xuất hiện lây lan rất nhanh.
Phát triển 4 loại cây trồng chủ lực
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung phát triển cây ăn trái theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao. Theo đề án quy hoạch phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có khoảng 9.000ha cây ăn trái các loại. Trong đó, 4 loại cây được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: nhãn 1.200ha, sản lượng 6.786 tấn/năm; mãng cầu ta 1.000 ha sản lượng 5.880 tấn/ năm; bưởi da xanh 500ha; thanh long 300ha. Trong đó, thương hiệu “Nhãn xuồng cơm vàng BR-VT” và “Mãng cầu ta BR-VT” sẽ được chú trọng quảng bá để nâng cao giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế.
|
Theo ông Nguyễn Chí Đức, dù hiện nay nhiều nông dân đã áp dụng kỹ thuật cao vào canh tác, chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên phần nào đã cạnh tranh được với một số loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, tuy nhiên, thị trường chính của trái cây BR-VT vẫn là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá trị chưa cao. “Thay vì tăng diện tích trồng ồ ạt, bà con cần tiếp tục nâng cao chất lượng vườn cây, đăng ký sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Bên cạnh đó, để giảm áp lực của tình trạng “được mùa, rớt giá”, nông dân nên chú trọng thực hiện việc rải vụ thu hoạch một số loại trái cây bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp”, ông Nguyễn Chí Đức cho hay.
Bài, ảnh: QUANG VINH