Thực hiện phong trào “Đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp”, những năm qua, các cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện Châu Đức đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Viết Đạt (SN 1997 ở tổ 53, ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành) với mô hình nuôi gà An Viễn cho thu nhập 150 triệu đồng/năm. |
Châu Đức là địa phương có lực lượng lao động trẻ khá đông, với hơn 50.000 người tuổi từ 16 đến 30. Xác định công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho ĐVTN nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Huyện Đoàn Châu Đức đã phối hợp với Trung tâm DVVLTN tỉnh, Phòng LĐTBXH huyện triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm nhằm góp phần giải quyết việc làm cho ĐVTN. Ngoài việc tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm có sự tham gia của các DN tuyển dụng, Ban Thường vụ Huyện Đoàn còn tổng hợp thông tin các đơn hàng tuyển dụng từ các DN, sau đó gửi về Đoàn cơ sở các xã, thị trấn để tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt Đoàn, qua mạng xã hội facebook, zalo… Từ đầu năm 2013 đến nay, Huyện Đoàn Châu Đức đã giúp hơn 3.557 ĐVTN nông thôn có việc làm ổn định tại các DN trong tỉnh.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, anh Huỳnh Trung Tấn (SN 1991 ở tổ 40, thôn Hoàng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) có điều kiện thực hiện mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. |
Bên cạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, các cơ sở Đoàn còn phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân các cấp, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên nông thôn (Sở NN-PTNT) tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi cho ĐVTN, tổ chức cho ĐVTN đi tham quan, học tập những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhiều bạn trẻ đã nắm bắt được kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và triển khai có hiệu quả. Điển hình như anh Nguyễn Viết Đạt (SN 1997 ở tổ 53, ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành). Anh Đạt được tham gia lớp tập huấn “Những kiến thức cơ bản giúp ĐVTN vươn lên làm giàu bằng nghề nông” và thăm một số mô hình làm kinh tế giỏi do Xã Đoàn Quảng Thành phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức, đầu năm 2016, anh đã mạnh dạn đầu tư 83 triệu đồng để dựng chuồng trại trên diện tích 300m2, mua 2.000 giống gà An Viễn (có nguồn gốc từ Bình Định) về nuôi. Sau 3 tháng chăm sóc, đàn gà được xuất bán thu lãi gần 30 triệu đồng. 1 năm đúc rút kinh nghiệm và tích lũy vốn, đầu năm 2017, anh Đạt tiếp tục mở rộng chuồng trại, tăng đàn lên 4.000 con/lứa. Đến nay, cứ cách 100 ngày, anh Đạt lại xuất bán một lứa gà, mỗi lứa gà thu lãi từ 30-40 triệu đồng.
Từ năm 2013 đến nay, qua phong trào “Đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp”, các cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện Châu Đức đã phối hợp tổ chức 35 lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho 3.251 lượt ĐVTN, 26 buổi tư vấn, hướng nghiệp cho HS, thành lập 27 CLB “Thanh niên giúp nhau làm kinh tế”, vận động 765 triệu đồng để hỗ trợ cây, con giống cho ĐVTN phát triển kinh tế… |
Tính đến cuối năm 2017, thông qua sự giới thiệu của tổ chức Đoàn, Ngân hàng CSXH huyện Châu Đức đã cho ĐVTN trên địa bàn vay hơn 29 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Qua đó, nhiều bạn trẻ đã có vốn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh Huỳnh Trung Tấn (SN 1991 ở tổ 40, thôn Hoàng Long, xã Kim Long) là một ví dụ. Đầu năm 2016, anh Tấn được Xã Đoàn Kim Long đề xuất với Ngân hàng CSXH huyện cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi dê. Đến nay, từ tiền xuất bán các lứa dê, anh Tấn đã tích góp được gần 100 triệu đồng và đang trực tiếp hướng dẫn cho 18 ĐVTN trong xã về kỹ thuật nuôi dê để thu được lợi nhuận cao nhất.
Anh Lê Thiên Quang, Phó Bí thư Huyện Đoàn Châu Đức nhận định: Qua phong trào “Đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp” đã góp phần giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều ĐVTN có việc làm, vươn lên làm giàu chính đáng. “Huyện Đoàn sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các bạn trẻ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi và tăng cường phối hợp với các đơn vị mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ĐVTN, từ đó giúp họ mạnh dạn thực hiện các mô hình kinh tế tại địa phương”.
Bài, ảnh: MINH NHÂN