Chủ động phòng bệnh cho gia cầm

Chủ Nhật, 02/12/2018, 17:02 [GMT+7]
In bài này
.

Thời điểm cuối năm, thời tiết thay đổi thất thường sẽ tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh phát triển trên đàn gia cầm. Nhằm hạn chế dịch bệnh, ngành nông nghiệp và các hộ, cơ sở chăn nuôi đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm và thủy cầm trên toàn tỉnh.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Long Điền tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn thủy cầm trên địa bàn huyện.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Long Điền tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn thủy cầm trên địa bàn huyện.

Hiện nay, tổng đàn gia cầm của tỉnh hơn 4,8 triệu con, trong đó có hơn 3,2 triệu con gà và 1,6 triệu con vịt. Nhằm phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh đã thực hiện 2 đợt tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Theo đó, đối với các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nhỏ lẻ có tổng đàn dưới 2.000 con do người dân trong tỉnh đầu tư và các cơ sở chăn nuôi gia cầm, thủy cầm của lực lượng vũ trang được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cung cấp vắc xin, hỗ trợ toàn bộ chi phí công tiêm phòng và kiểm tra sau tiêm phòng. Đối với những trang trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm có số lượng hơn 2.000 con, các cơ sở chăn nuôi của các DN ngoài tỉnh, cơ sở chăn nuôi gia công, có vốn đầu tư nước ngoài…, chủ trang trại chăn nuôi chủ động thực hiện, tự trả kinh phí tiêm phòng. 

Theo ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, việc chủ động phòng chống dịch bệnh sẽ giúp hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Đến nay, việc tiêm phòng cúm cho những đàn vịt từ 500 con trở lên đạt 100%. 

Gia đình anh Lâm Đình Sửu (ấp Phước Trinh, xã Tam Phước, huyện Long Điền) chuyên nuôi vịt đẻ trứng. Anh Sửu cho rằng, nếu để xảy ra cúm gia cầm, trang trại sẽ thiệt hại rất lớn. Do đó, anh luôn chủ động các biện pháp để phòng ngừa bệnh cho đàn gia cầm. Với số lượng 1.600 con vịt, hàng năm, anh Sửu đều chủ động liên hệ với cán bộ thú y huyện để thực hiện tiêm phòng. Nhờ vậy, nhiều năm nay, đàn vịt của gia đình anh không bị cúm gia cầm.

Dù không được hỗ trợ chi phí và vắc xin tiêm phòng nhưng việc tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm, tiêu độc khử trùng chuồng trại luôn được các hộ, trang trại chăn nuôi có quy mô từ 2.000 con trở lên quan tâm thực hiện. Trước khi thả lứa gà mới, ông Phan Anh Thuận (chủ trang trại chăn nuôi gà tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) luôn tiêu độc khử trùng và vệ sinh trang trại sạch sẽ. Gà giống sau khi thả đều được tiêm phòng đầy đủ.

Trước tình hình cúm gia cầm diễn biến phức tạp trong giai đoạn chuyển mùa,  Sở NN-PTNT cho biết, để hạn chế tình trạng lây lan bệnh từ các tỉnh, thành khác đến BR-VT, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại 3 chốt kiểm dịch chính trên quốc lộ 51 (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ), quốc lộ 55 (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) và quốc lộ 56 (xã Xà Bang, huyện Châu Đức), kiên quyết không cho gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, gia cầm ở các vùng có dịch bệnh vào tỉnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người dân khi mua gia cầm, cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh vịt, thịt tái chưa qua nấu chín. Hiện nay, người dân có thể đến các cơ sở thuộc chuỗi “Thực phẩm an toàn” của tỉnh để mua gia cầm an toàn. Nếu phát hiện có gia cầm chết nghi bị bệnh cúm gia cầm, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, không giấu dịch bệnh, không giết mổ, bán gà, vịt bị bệnh, không vứt xác gia cầm chết bừa bãi.

Bài, ảnh: NGÔ THANH

;
.