Thực hiện đề án giảm nghèo bền vững - nhiều vấn đề đặt ra - Bài 2: Khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ

Thứ Hai, 19/11/2018, 18:00 [GMT+7]
In bài này
.

Theo Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, cùng với việc được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, các hộ nghèo còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ dạy nghề, nhà ở, tham gia vào các mô hình kinh tế. Song từ khi thực hiện Đề án đến nay, nhiều hộ nghèo vẫn chưa thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ này.

Đoàn khảo sát HĐND tỉnh đến căn nhà “không thể lụp xụp hơn” của bà Lê Thị Chanh (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền). Nếu bà Chanh có giấy CNQSDĐ thì năm vừa qua chắc chắn đã được xét duyệt hỗ trợ xây nhà theo chương trình nhà ở cho người nghèo.
Đoàn khảo sát HĐND tỉnh đến căn nhà “không thể lụp xụp hơn” của bà Lê Thị Chanh (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền). Nếu bà Chanh có giấy CNQSDĐ thì năm vừa qua chắc chắn đã được xét duyệt hỗ trợ xây nhà theo chương trình nhà ở cho người nghèo.

KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ NHÀ Ở

Theo khảo sát của Sở LĐTBXH, hiện nay, nhân khẩu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thiếu hụt về diện tích nhà ở bình quân đầu người chiếm 16,4% trên tổng số hộ nghèo. Ngoài ra, rất nhiều hộ nghèo không có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng hư hỏng, dột nát và họ không có khả năng sửa chữa, xây mới. Chỉ tính riêng số hộ nghèo mà chủ hộ từ 40 tuổi trở xuống khó khăn về nhà đã lên tới 506 hộ. Những hộ này hầu hết không có đất, hoặc đất không có giấy tờ hợp lệ để được xét duyệt hỗ trợ xây nhà. Do vậy, ở một số địa phương, dù được bố trí ngân sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, nhưng việc giải ngân không thực hiện được. Chẳng hạn, huyện Long Điền, năm 2018, huyện được phân bổ ngân sách xây dựng 20 căn nhà cho hộ nghèo (trị giá 60 triệu đồng/căn), nhưng đến nay, mới chỉ có 6 hộ nghèo đủ các điều kiện được hỗ trợ. Trong khi đó, qua khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, số hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở của huyện Long Điền là rất nhiều.

Điển hình như gia đình bà Lê Thị Chanh (tổ 21, khu phố Hải Hà 1, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền). Gia đình bà Chanh có 9 khẩu, đang sống chen chúc trong căn nhà tạm bợ, diện tích 46m2. Huyện Long Điền đã xuống khảo sát để hỗ trợ nhà ở nhưng không thể duyệt hồ sơ vì mảnh đất mà gia đình bà Chanh đang ở chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

CHƯA THỂ NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ

Theo Sở LĐTBXH, từ năm 2016 đến nay, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 2,5 tỷ đồng hỗ trợ cho 232 hộ nghèo thực hiện 7 mô hình phát triển kinh tế (nuôi gà, trồng rau, nuôi nhím, nuôi dê sinh sản…). Qua hơn 2 năm thực hiện, các mô hình kinh tế đều cho hiệu quả. Như mô hình trồng rau VietGAP triển khai cho 48 hộ nghèo ở xã Châu Pha, xã Tân Hải (TX.Phú Mỹ); phường Phước Hưng (TP.Bà Rịa) và xã Phước Hưng (huyện Long Điền). Các hộ nghèo tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với tổng chi phí 5 triệu đồng/hộ (hỗ trợ 3 vụ). Qua mô hình, một số hộ nghèo đã được cải thiện thu nhập, thậm chí có hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Con số “biết nói” về sự quan tâm chính sách giảm nghèo

Từ năm 2016 đến tháng 6-2018, thông qua Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã có 767 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà “Đại đoàn kết” trị giá hơn 25,1 tỷ đồng; 349.342 người nghèo được mua thẻ BHYT, kinh phí 186 tỷ đồng; 38.134 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện, với số tiền hơn 14,1 tỷ đồng; 25.434 hộ nghèo được trợ cấp Tết với kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, 40.000 lượt học sinh con hộ nghèo được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập với tổng số tiền 18,5 tỷ đồng.

 

Nhờ được hỗ trợ cây giống, phân bón để phát triển mô hình trồng rau ăn lá, cuối năm 2017, gia đình ông Nguyễn Văn Dân, thôn Tân Ro, xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ) đã thoát nghèo bền vững.
Nhờ được hỗ trợ cây giống, phân bón để phát triển mô hình trồng rau ăn lá, cuối năm 2017, gia đình ông Nguyễn Văn Dân, thôn Tân Ro, xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ) đã thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Dân (ở ấp Tân Ro, xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ) là một trong 12 hộ nghèo của xã Châu Pha được tham gia mô hình trồng rau VietGAP nói trên. Ông Dân được hỗ trợ phân bón và giống rau cải, mồng tơi, rau đay... để trồng trên 1 sào đất của gia đình. Ngoài ra, ông còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn. Nhờ đó, vườn rau VietGAP của ông Dân cho năng suất cao, trung bình mỗi vụ (20-30 ngày/vụ), thu lãi khoảng 5 triệu đồng. Với thu nhập từ mô hình trồng rau, chỉ sau 1 năm, gia đình ông Dân đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Điều đáng tiếc là hiện nay, chưa thể nhân rộng các mô hình giảm nghèo nói trên chỉ vì... chính sách ban hành quá chậm. Ông Lê Đức Tài, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến công-Khuyến ngư tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT) cho biết: Thông tư 15/2017/TT-BTC ngày 15-2-2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020, thì mức hỗ trợ cho hộ nghèo tham gia các mô hình kinh tế giảm nghèo do UBND trình HĐND tỉnh quyết định. Thông tư này được ban hành vào tháng 2-2017, nhưng tới tận tháng 10-2017, Bộ NN&PTNT mới ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, gây khó cho Sở NN&PTNT trong việc tham mưu. Đến tận bây giờ, Sở NN&PTNT mới có cơ sở để xây dựng Tờ trình quy định mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo gửi các sở, ban, ngành và địa phương đóng góp ý kiến. Dự kiến, tờ trình này sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh vào tháng 12-2018.

TIẾP ĐẾN LÀ CHUYỆN DẠY NGHỀ, HỌC NGHỀ

Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đề ra mục tiêu, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 400 người nghèo. Nhưng qua triển khai, số lượng người nghèo học nghề trong gần 3 năm qua chưa đạt 50% so với chỉ tiêu. Cụ thể, từ năm 2016 đến tháng 9-2018, toàn tỉnh chỉ có 195 người nghèo tham gia học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Vậy, trở ngại nào dẫn đến người nghèo không muốn tham gia học nghề?

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những vấn đề nội tại của cuộc sống người nghèo. Họ chật vật lo toan, nên rất khó bứt gánh nặng cơm áo để chú tâm đi học. Nhưng kể cả những người có đủ điều kiện để đi học họ vẫn không muốn học vì đơn giản họ không nhìn thấy một tương lai xa hơn so với cuộc sống hiện tại. Vì vậy, muốn đào tạo nghề cho người nghèo, ngoài các chính sách hỗ trợ, cần các biện pháp để người nghèo có thể thấy rõ học nghề là hữu ích, là cơ hội để đổi đời phía trước, với những cam kết về công việc càng rõ ràng càng tốt.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐTBXH) cho hay: Qua khảo sát các DN trong lĩnh vực cơ khí, lắp rắp có nhu cầu tuyển nhiều lao động, mức lương khá cao. Vì thế, Sở LĐTBXH đã lựa chọn những lĩnh vực này để mở lớp dạy nghề với mong muốn thu hút được người nghèo đến học. Và đây thực sự là cơ hội tốt cho họ. Nhưng để học và để kiếm được việc làm theo những gì mình đã được học, người nghèo cần phải biết chấp nhận bứt ra khỏi cuộc sống hiện hữu, chấp nhận cả những sự thay đổi về không gian sống, chấp nhận đi làm xa gia đình. Nếu không chấp nhận những điều đó thì kể cả có được học, người nghèo cũng khó có được công việc phù hợp.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG, TƯỜNG NGÂN

------------------------------------------------------

Bài 1: Sử dụng vốn vay không đạt hiệu quả

;
.