Ngành sản xuất vật liệu xây dựng: Tăng trưởng tốt nhưng nhiều trở ngại phía trước

Thứ Ba, 06/11/2018, 17:35 [GMT+7]
In bài này
.

Mấy năm trở lại đây, thị trường bất động sản hồi phục đã kéo theo nhiều ngành nghề liên quan tăng trưởng theo, trong đó có ngành vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thị trường vật liệu xây dựng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới.

TĂNG TRƯỞNG TỐT

Công nhân Công ty cổ phần TM - SX Tân Phước Khanh (KCN Phú Mỹ I, TX. Phú Mỹ). 
Công nhân Công ty cổ phần TM - SX Tân Phước Khanh (KCN Phú Mỹ I, TX. Phú Mỹ). 

Trong số các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng có mức tiêu thụ mạnh nhất. Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), mức tiêu thụ xi măng trong 10 tháng năm 2018 đạt hơn 85 triệu tấn, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 59 triệu tấn. Theo những người sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, từ nay đến cuối năm, sản lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa sẽ tiếp tục tăng, do nhu cầu xây dựng nhiều. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm nhiều dự án xây dựng, bất động sản lớn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Theo ông Lê Quang Uyên Phương, Giám đốc Chi nhánh phía Nam - Công ty CP xi măng Cẩm Phả (KCN Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ), tính đến nay, chi nhánh phía Nam đã đưa ra thị trường hơn 1 triệu tấn xi măng, doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng. Hiện nay, xi măng Cẩm Phả chiếm thị phần khoảng 6% trong tổng lượng xi măng tiêu thụ khu vực phía Nam, phân phối chủ yếu ở BR-VT, Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến năm 2018, Chi nhánh sẽ đưa ra thị trường khoảng 1.600 tấn xi măng, tổng doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng. “Năm 2019, dự báo nhu cầu thị trường sẽ tăng từ 6-7%, vì vậy, chi nhánh đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm tới. Cụ thể, sản lượng xi măng đưa ra thị trường dự kiến tăng 30% so với năm 2018. Bên cạnh đó, để cạnh tranh được với các thương hiệu xi măng khác, chi nhánh phía Nam tiếp tục sử dụng các nguyên liệu giá rẻ, thân thiện với môi trường, cắt giảm các chi phí không cần thiết để hạ giá thành; đồng thời nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ ra một số tỉnh miền Tây, Bình Dương”, ông Lê Quang Uyên Phương cho biết thêm.

Sau xi măng, một số DN sản xuất gạch xây dựng cũng cho biết, trong mấy năm gần đây, sản lượng tiêu thụ gạch ra thị trường cũng có mức tăng trưởng tốt. Ông Lưu Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân (KCN Mỹ Xuân A) cho biết:  Tính đến đầu tháng 11-2018, Công ty đã tiêu thụ hơn 87 triệu sản phẩm, doanh thu đạt hơn 197 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái), cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đặt ra từ đầu năm. Hiện tại, sản phẩm của công ty đã có mặt ở BR-VT, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ.

Sản xuất thép tại Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam.
Sản xuất thép tại Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam.

Đối với ngành thép, tổng năng lực sản xuất của ngành thép hiện vào khoảng 30 triệu tấn/năm. Cụ thể, ở mặt hàng phôi thép là 12 triệu tấn/năm, thép cán đạt 12 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu 5 triệu tấn/năm, thép ống 3 triệu tấn/năm. Bình quân mỗi năm tăng trưởng 20%. Với quy mô này, ngành thép được đánh giá đang đứng đầu các nước Đông Nam Á dù mới chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất.

NHƯNG CHƯA BỀN VỮNG

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, mặc dù sản lượng tiêu thụ  các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng mạnh trong những năm gần đây, tuy nhiên trong thời gian tới các mặt hàng này sẽ phải đối mặt với những khó khăn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất xi măng, phải cạnh tranh với các đối thủ ngoại rất khốc liệt như Thái Lan và Trung Quốc. Còn đối với gạch xây dựng, các DN sản xuất gạch nung truyền thống lại đang chịu sự cạnh tranh với sự ra đời mạnh mẽ của loại gạch không nung do có ưu điểm thân thiện với môi trường.  

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty CP  Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân. Ảnh: PHAN HÀ
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty CP Gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân.

Trong khi đó, thời gian tới, ngành thép nước ta sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như các vụ kiện của Hoa Kỳ, Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng sẽ áp mức thuế chống bán phá giá là 199,76% cũng như thuế đặc biệt 256,44% lên sản phẩm thép cuộn cán nguội từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc Trung Quốc, sau khi kết luận rằng những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ.

Các chuyên gia trong lĩnh  vực xây dựng cho rằng, để phát triển bền vững, các DN sản xuất vật liệu xây dựng trong nước cần phải có kế hoạch sản xuất phù hợp, đổi mới công nghệ, hướng đến sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Trong đó, đối với DN sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng khuyến nghị các DN cần nắm bắt diễn biến thị trường thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất. Đối với ngành thép, trong bối cảnh hiện tại, các DN nên chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để tăng tính cạnh tranh cho thép trong nước song song với việc tìm hiểu kỹ các luật lệ quốc tế để có ứng xử phù hợp nhất. Về phía Nhà nước, cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định để bảo vệ ngành thép trong nước trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu…

PHAN HÀ, ĐÔNG HIẾU

 

;
.