.

Mô hình chăn nuôi trong chuồng lạnh: Hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm vệ sinh môi trường

Cập nhật: 15:33, 29/11/2018 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi heo, gà trên địa bàn huyện Châu Đức đang thực hiện mô hình chăn nuôi trong chuồng lạnh. Thực tế cho thấy, mô hình này mang lại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường theo hướng chăn nuôi bền vững.

Chăn nuôi gà theo mô hình chuồng lạnh ở trang trại gà của bà Nguyễn Thị Ngọc Bông (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức).
Chăn nuôi gà theo mô hình chuồng lạnh ở trang trại gà của bà Nguyễn Thị Ngọc Bông (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức).

Trang trại chăn nuôi heo của ông Phạm Xuân Hùng (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) là một trong những trang trại nuôi heo áp dụng chăn nuôi chuồng lạnh đầu tiên của huyện Châu Đức. Hiện, trang trại của ông Hùng đang nuôi gia công cho Tập đoàn CJ Vina Agri của Hàn Quốc với quy mô 5.000 con, diện tích chuồng trại khoảng 7.000m2. 

Anh Phạm Đức Mạnh (con trai ông Hùng) cho biết, qua tìm hiểu nhận thấy chăn nuôi chuồng lạnh có nhiều ưu điểm, nên từ năm 2013, gia đình anh đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi heo theo hệ thống chuồng lạnh. Ban đầu chỉ nuôi thử nghiệm 3.000 con heo thịt. Đến năm 2015, thấy việc nuôi trong chuồng lạnh heo phát triển tốt, gia đình anh đã mở rộng quy mô chuồng trại và đàn heo lên 5.000 con. Các chuồng nuôi heo được xây dựng khép kín, hệ thống máy lạnh, quạt gió duy trì nhiệt độ ổn định ở mức 27oC, hệ thống xử lý chất thải bảo đảm thu dọn sạch, khử mùi tốt. Với phương pháp chăn nuôi chuồng lạnh, heo phát triển tăng trọng nhanh, ít bệnh, tiết kiệm được chi phí thuốc men, thức ăn, nhân công do hệ thống cho ăn tự động, chất lượng của thịt heo đáp ứng nhu cầu thị trường nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Trang trại chăn nuôi heo theo mô hình chuồng lạnh của gia đình ông Phạm Xuân Hùng (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức).
Trang trại chăn nuôi heo theo mô hình chuồng lạnh của gia đình ông Phạm Xuân Hùng (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức).

Hàng năm, trang trại heo của ông Phạm Xuân Hùng xuất chuồng khoảng 1.000 tấn heo thịt, mang lại thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm. “Nuôi heo theo phương pháp chuồng lạnh chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Nhưng về lâu dài, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi theo mô hình chuồng hở truyền thống.  Khi nhiệt độ được duy trì mát mẻ ở mức khoảng 27oC, sẽ giúp đàn heo tăng trưởng nhanh hơn do tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tốt, heo khỏe mạnh, có sức đề kháng mạnh nên ít dịch bệnh. Nhờ đó, thời gian nuôi được rút ngắn, trọng lượng bình quân vẫn đạt 100kg/con. Lợi nhuận tăng lên khoảng 10% so với mô hình nuôi truyền thống”, anh Mạnh cho hay.

Trang trại chăn nuôi gà theo mô hình chuồng lạnh của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Bông (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) được xây dựng khá quy mô, khang trang, thiết kế hệ thống làm lạnh cùng với những chiếc quạt thông gió, giúp điều hòa nhiệt độ luôn ổn định. Bên trong trại, hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn được sắp xếp hợp lý, phù hợp với từng ô ngăn cách, tạo không gian thoải mái cho đàn gà. 

Bà Bông cho biết, cuối năm 2017, gia đình bà Bông đã đầu tư hệ thống nuôi gà đẻ trứng theo mô hình chuồng lạnh. Nuôi gà trong phòng lạnh cho chất lượng trứng tốt hơn, năng suất cao hơn, giảm chi phí thức ăn 3-4%. Hiện tại, tổng đàn gà lên tới 20.000 con, mỗi ngày cho thu hoạch khoảng hơn 18.000 quả trứng. Với giá bán 1.300 đồng/quả trứng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tăng từ 4-5% so với chăn nuôi gà trong chuồng truyền thống (hở). “Nuôi gà chuồng lạnh còn tiết kiệm được chi phí nhân công, chỉ cần 2 lao động là có thể đảm nhiệm hết công việc hàng ngày của trại. Mặt khác, do trại chuồng lạnh xây dựng kiên cố, nên thời gian sử dụng có thể lên tới 10-15 năm, trong khi trại hở truyền thống chỉ sử dụng được 2-3 năm là xuống cấp, có khi phải làm lại”, bà Bông cho hay. 

Theo ông Lê Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, hiện nay trên địa bàn huyện có 15 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ, đầu tư xây dựng chuồng trại đồng bộ, khép kín với hệ thống làm mát (chuồng lạnh). Trong đó, 8 trại heo với tổng đàn lên tới 30.000 con và 7 trại gà với tổng đàn khoảng 300.000 con gà đẻ trứng và gà thịt. Thực tế, các mô hình chăn nuôi chuồng lạnh mang lại hiệu quả rất tốt cho người chăn nuôi và cho xã hội. Vì đây là mô hình chăn nuôi thân thiện với môi trường, ít xảy ra bệnh dịch cho vật nuôi, ít sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nên chất lượng thịt bảo đảm an toàn. 

“Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện, đối với những hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi mới, khuyến khích người nuôi đầu tư theo mô hình chuồng lạnh; với những hộ, đơn vị đã xây dựng chuồng hở thì vận động, hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình chuồng lạnh để mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường”, ông Lê Thanh Liêm cho hay.

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

 
.
.
.