.

Gỡ nút thắt về vốn cho "tam nông"

Cập nhật: 18:03, 05/11/2018 (GMT+7)

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay thuộc lĩnh vực “tam nông”: Nông nghiệp - nông dân - nông thôn, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây được xem là bước đột phá, đưa nguồn vốn đến gần hơn với nông dân để phát triển sản xuất.

Nông dân huyện Xuyên Mộc chăm sóc nhãn xuồng cơm vàng.
Nông dân huyện Xuyên Mộc chăm sóc nhãn xuồng cơm vàng.

NHIỀU ĐIỂM MỚI

Nghị định 116/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25-10-2018) được đánh giá sẽ tạo ra bước đột phá trong đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Cùng với Nghị định này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng ban hành Thông tư số 25/2018/TT-NHNN (Thông tư 25) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2015/TT-NHNN (Thông tư 10) nhằm kịp thời hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) trên cả nước thực hiện những chủ trương mới trong việc hỗ trợ nguồn vốn phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, những nút thắt trong quá trình cung ứng dòng vốn cho lĩnh vực “tam nông” như: xác định đối tượng vay vốn, thực thi các thủ tục hỗ trợ miễn giảm lãi vay và cơ cấu thời hạn trả nợ, cân đối hạn mức và thời hạn vay vốn đối với từng đối tượng sản xuất nông nghiệp… đều đã được Thông tư 25 tháo gỡ. Cụ thể, Thông tư 25 đã sửa đổi đối tượng khách hàng vay vốn để phù hợp với quy định của Nghị định 116, nghĩa là khách hàng vay vốn chỉ bao gồm là cá nhân và pháp nhân. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi quan hệ vay vốn thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì phải là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn. Quy định này một mặt giúp các TCTD thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư 39/2016/TT-NHNN của NHNN (về hoạt động cho vay của các TCTD), mặt khác cũng giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) xác định đúng khách hàng để cho vay thuận tiện, tránh các trường hợp không thống nhất câu chữ khi xác lập hồ sơ tín dụng dẫn đến các phiền hà về thủ tục, gây chậm trễ thời hạn giải ngân.

Ngoài ra, Thông tư 25 không hạn chế số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Trước đây, Thông tư 10 chỉ cho phép TCTD được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1 lần đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do những nguyên nhân bất khả kháng. Tuy nhiên, Thông tư 25 đã sửa đổi, bổ sung quy định trên theo hướng không hạn chế số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ phù hợp với chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, nhưng tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa không vượt quá thời hạn cho vay vốn ban đầu theo hợp đồng tín dụng đã ký nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thời gian khôi phục lại sản xuất. Trên thực tế, thời gian qua, mặc dù việc hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất cho vay vẫn liên tục được các NHTM thực hiện nhưng do các tác động tiêu cực từ quá trình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương vẫn chịu rủi ro khá lớn. Các đơn vị, DN ở khu vực kinh tế nông nghiệp - nông thôn vẫn cần có sự hỗ trợ từ các NHTM để khôi phục, duy trì và phát triển các mô hình, dự án sản xuất - kinh doanh đã được đánh giá tốt về hiệu quả kinh tế và có tác động tích cực đến xã hội.

Với chính sách tín dụng mới, nông dân sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn để đầu tư sản xuất. Trong ảnh: Thu hoạch hồ tiêu tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức. Ảnh: THẢO VINH
Với chính sách tín dụng mới, nông dân sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn để đầu tư sản xuất.
Trong ảnh: Thu hoạch hồ tiêu tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức.

NÔNG DÂN SẼ ĐƯỢC TIẾP CẬN NHIỀU VỐN VAY HƠN

Bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh BR-VT cho biết: Thời gian qua, các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn tiếp tục được quan tâm hỗ trợ. Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn từ đầu năm 2018 đến nay ước đạt 18.200 tỷ đồng, tăng 31,88% so với đầu năm, chiếm 28,04% tổng dư nợ toàn địa bàn; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới ước đạt 10.650 tỷ đồng, tăng 19,43% so với đầu năm, chiếm 16,41% tổng dư nợ toàn địa bàn tỉnh. Các ngân hàng đã tạo nhiều thuận lợi cho các cá nhân, hộ gia đình, DN tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi này, nông dân, HTX mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi...

Theo các TCTD, Nghị định 116 có thay đổi quan trọng về hạn mức cho vay. Đây được xem là bước đột phá để khơi thông nguồn vốn cho phát triển “tam nông” trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, HTX, liên hiệp HTX và chủ trang trại không có tài sản bảo đảm sẽ được TCTD cho vay tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thay vì chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng như trước đây. Đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn thì được vay tối đa 200 triệu đồng, gấp đôi quy định 100 triệu đồng theo Nghị định 55. Việc nâng hạn mức này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ông Huỳnh Trung Thành, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) cho biết: Trước đây, với số vốn vay 50 triệu đồng hay 100 triệu đồng chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều nông dân, dẫn đến thiếu vốn kinh doanh, không thể mở rộng hoạt động. Vì thế, việc nâng hạn mức cho vay sẽ tạo điều kiện cho nông dân có thêm vốn sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối Chợ Bến (xã An Ngãi, huyện Long Điền), những năm gần đây, một số hội viên của HTX đã đầu tư sản xuất muối sạch trải bạt đem lại hiệu quả cao, trên 20 triệu đồng/vụ/ha. Tuy nhiên, chi phí đầu tư để sản xuất bằng phương thức mới này khá cao, khoảng 500 triệu đồng/ha. Ông Thuyết cho biết: “Trước đây, đã có một số dự án cho diêm dân vay vốn để mở rộng sản xuất muối trải bạt. Tuy nhiên, số tiền tối đa được vay chỉ là 50 triệu đồng, đủ làm 1000m2 muối trải bạt nên dù hiệu quả cao nhưng chưa có nhiều hộ mở rộng sản xuất. Tới đây, nếu được vay vốn nhiều hơn, các hội viên của HTX có thể mạnh dạn đầu tư sản xuất theo phương thức mới để nâng cao thu nhập”.

Với nguồn vốn vay tăng, diêm dân xã An Ngãi, huyện Long Điền có cơ hội mở rộng diện tích làm muối sạch. Trong ảnh: Thu hoạch muối tại xã An Ngãi.
Với nguồn vốn vay tăng, diêm dân xã An Ngãi, huyện Long Điền có cơ hội mở rộng diện tích làm muối sạch.
Trong ảnh: Thu hoạch muối tại xã An Ngãi.
Để khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, Nghị định 116 quy định, các đối tượng khách hàng được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án. Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng về tài sản bảo đảm, đặc biệt là các tài sản có giá trị như: Nhà kính, nhà lưới, Nghị định đã bổ sung quy định khách hàng được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm.

THẢO VINH

.
.
.