Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Chiến tranh thương mại: Tương lai của DN sản xuất?” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn Bluescope Steel Việt Nam tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 23-11.
Trong hơn 3 tháng qua, Mỹ và Trung Quốc đã triển khai 3 gói áp thuế vào hàng hóa nhập khẩu của nhau và nâng quy mô áp thuế của hai bên lên tới 360 tỷ USD, với mức áp thuế bổ sung từ 5-25%. Đặc biệt, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng mức độ áp thuế lên 25% vào ngày 1-1-2019 đối với nhóm hàng hóa trị giá 200 tỷ USD đã bị áp thuế 10% vào ngày 24-9-2018; đồng thời xem xét mở rộng áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu không thực hiện các yêu cầu của Mỹ.
Những tác động này mang lại cả cơ hội và thách thức, nhất là khi Việt Nam có thể thay thế đáng kể lưu lượng hàng hóa thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Mặt khác, việc cạnh tranh tại thị trường trong nước cũng sẽ ngày càng căng thẳng do hàng hóa Trung Quốc có khả năng “đổ bộ” mạnh vào Việt Nam. Đồng thời, nguy cơ hàng hóa xuất sang thị trường Trung Quốc của DN Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách hàng hóa nội địa. Về chuyển dịch dòng vốn, Việt Nam sẽ chịu nguy cơ chuyển dịch giả mạo, gian lận thương mại do Trung Quốc “mượn” thị trường để tránh thuế…
Trước bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị DN sản xuất cần bám sát tình hình, cập nhật thông tin để xử lý kịp thời với từng biến động của thị trường toàn cầu. Ngoài ra, DN cũng nên tìm hiểu rõ cơ hội ở đâu, dành cho mặt hàng nào... từ đó sẵn sàng hành động, nắm bắt và chuẩn bị năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường. Một trong những điều quan trọng mà các chuyên gia nhấn mạnh là DN cần chú trọng củng cố những yếu tố nền tảng như năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, kết nối... để có thể bảo đảm thị trường bền vững trong bối cảnh xảy ra những biến động lớn
HOÀNG PHƯƠNG