Cần từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần
Hiện nay, các sản phẩm được làm từ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan và ngày càng trở nên phổ biến với người dùng. Tưởng chừng hữu ích và vô hại, nhưng các sản phẩm như ly, hộp, chén, dĩa… được làm từ nhựa dùng một lần lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường.
TRÀN LAN ĐỒ NHỰA DÙNG MỘT LẦN RỒI BỎ
Xe bán nước và đồ ăn vặt trước cổng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (TP.Vũng Tàu) sử dụng ly nhựa dùng một lần rồi bỏ để đựng thực phẩm, nước uống... |
Với tính năng nhẹ, bền, dễ sử dụng, đồ nhựa dùng một lần đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Những chế phẩm này rất được ưa chuộng tại những cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh hay trong những buổi tiệc, dã ngoại. Dạo quanh các cửa hàng thức ăn nhanh, quán cơm, quán cà phê, chúng tôi ghi nhận, các nơi này sử dụng tràn lan đồ nhựa dùng một lần từ ly, tách, dĩa, muỗng… đến các loại ống hút, hộp đựng tương, nước mắm. Tại quán cà phê H.L trên đường Trần Hưng Đạo (TP.Vũng Tàu), hầu hết thức uống đều được quán này đựng trong ly nhựa dùng một lần. Dạo quanh các chợ, siêu thị đến các cửa hàng bán tạp hóa, bánh sinh nhật…, chúng tôi dễ dàng mua các sản phẩm từ nhựa dùng một lần. Các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với nhiều mẫu mã khác nhau, với giá khá mềm: ống hút 7.000-8.500 đồng/bịch 80 cái; hộp xốp đựng đồ ăn 25.000-30.000 đồng/100 cái; tô nhựa 15.000-16.000 đồng/20 cái; dĩa tròn 25.000-28.000 đồng/20 cái; ly nhựa có nắp 17.000-25.000 đồng/50 cái…
Chị Trần Thị Thu Thủy, chuyên bán các mặt hàng kim chi, chả giò tại TP.Vũng Tàu cho biết, chị bán hàng online, ai gọi thì giao nên chỉ dùng các loại ly nhựa, hộp nhựa dùng một lần để đựng thực phẩm khi giao cho khách. Trong khi đó, tại một quán cơm tấm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.Bà Rịa, chị Lan chủ quán cho biết, trung bình một ngày, quán cơm của chị tiêu thụ hàng trăm hộp đựng cơm kèm theo muỗng và nĩa. Do giá thành của những sản phẩm nhựa này rẻ nên giá cơm hầu như không thay đổi.
CẦN TỪ BỎ THÓI QUEN CÓ HẠI CHO MÔI TRƯỜNG
Chén nhựa dùng một lần được bày bán tại siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu. |
Tháng 10-2018, Bộ TN-MT phát động phong trào chống rác thải nhựa nhằm kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen tiêu dùng và loại bỏ chất thải nhựa. BR-VT là một trong những địa phương hưởng ứng cuộc phát động này. Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT, các sản phẩm từ nhựa và ni-lông ra đời đã mang lại không ít tiện ích cho đời sống con người, nhưng việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường, sức khỏe con người. Phải mất hàng trăm năm, thậm chí, hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và ni-lông mới bị phân hủy. Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và ni-lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Theo Bộ TN-MT, trên thế giới, nhiều quốc gia như nước Pháp, Mỹ, Canada, Đài Loan… đã tẩy chay đồ nhựa dùng một lần. Pháp là quốc gia đầu tiên thông qua luật cấm tất cả ly, chén, dao, muỗng… sử dụng một lần làm bằng nhựa. Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Còn chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã mạnh tay thực hiện những biện pháp nhằm giảm thiểu số lượng sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Theo đó, những sản phẩm như chén, túi, hộp, ly… làm bằng nhựa dùng một lần không được phép mua bán, sử dụng tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống tại Đài Loan. Bên cạnh đó, lãnh thổ này cũng ban hành luật cấm vứt đồ nhựa dùng một lần ra môi trường.
Trong khi đó, tại BR-VT, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở TN-MT, trong số 761 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày thì đồ nhựa dùng một lần và túi ni-lông chiếm đến 30%. Trước thực trạng trên, việc hạn chế rác thải nhựa đòi hỏi vừa có chính sách sản xuất, phân phối, kiểm soát phù hợp, vừa cần tinh thần tự giác của người dân, bởi việc sử dụng đồ nhựa đã trở thành thói quen ăn sâu vào lối sống của người dân. “Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa của Bộ TN-MT, tỉnh BR-VT đang xây dựng các chương trình truyền thông vận động cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần”, ông Lê Ngọc Linh cho biết thêm.
Bài, ảnh: QUANG VŨ