Thực thi hiệp định CPTPP: Cơ hội nhiều, thách thức cũng không ít
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chuẩn bị có hiệu lực, mở ra nhiều cơ hội cho DN cả nước nói chung, BR-VT nói riêng xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên CPTPP. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các DN cũng cần chuẩn bị tâm thế để vượt qua không ít thách thức.
CƠ HỘI MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG
Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm từ gỗ sẽ được hưởng lợi về thuế quan khi xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất bàn ghế xuất khẩu tại Công ty Bắc Hà (TX.Phú Mỹ). |
Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội để DN Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường thành viên CPTPP, trong đó có các thị trường lớn như Canada, Nhật Bản, Australia. Các nhóm hàng thuộc ngành công nghiệp dệt may, hải sản, giày da, đồ gỗ của Việt Nam nằm trong danh sách các mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Tại BR-VT, theo báo cáo của Sở Công thương, trong 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trừ dầu thô đạt hơn 3,61 tỷ USD, tăng 13,43% so với cùng kỳ năm 2017. Trong nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh, nhóm ngành hàng dệt may, hải sản, giày da, đồ gỗ luôn chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 207 triệu USD; sản phẩm từ gỗ đạt hơn 147,8 triệu USD; hàng dệt may đạt hơn 287 triệu USD; giày dép đạt hơn 140 triệu USD…
Là ngành có nhiều cơ hội nhất khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, các DN xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường vào các nước thành viên CPTPP. Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) là một ví dụ. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Baseafood cho biết, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu, trong đó có Baseafood, bởi khi xuất khẩu vào 10 thị trường thành viên CPTPP, thuế quan sẽ được giảm dần về 0%. Điều đó giúp hàng hóa của DN rẻ hơn ở thị trường nước ngoài, giúp tăng sức cạnh tranh. Dự kiến năm 2019, giá trị xuất khẩu của Baseafood khoảng 40 triệu USD. Vì vậy, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, Baseafood sẽ chủ động nghiên cứu các thị trường mới để mở rộng xuất khẩu.
VƯỢT QUA THÁCH THỨC
Sản xuất thủy hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. |
Các nước tham gia Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD (bằng khoảng 1/6 kim ngạch thương mại toàn cầu). Hiệp định này giúp nhiều nước, trong đó có Việt Nam tiếp cận được với các thị trường thương mại tự do mới, tạo cơ hội cho các DN phát triển. DN Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hợp tác, liên kết với các DN trong khối CPTPP và phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội đó, các DN của tỉnh phải chủ động thay đổi phương thức sản xuất và thích nghi với luật chơi quốc tế để đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm, công nghệ hiện đại và đội ngũ lao động có tay nghề. Đây là thách thức không nhỏ đối với các DN tại BR-VT, vì hiện nay phần lớn các DN của tỉnh là DN nhỏ và vừa, công nghệ sản xuất còn lạc hậu.
Cùng với đó, cuộc “đổ bộ” của các DN đầu tư nước ngoài trong khối CPTPP vào Việt Nam sẽ khiến các DN nội phải đối diện với cuộc cạnh tranh gay gắt. Với năng lực quản trị, công nghệ, tiềm lực tài chính hạn chế, nguy cơ lớn nhất đối với các DN nội là nguy cơ mất thị trường. Ông Lê Đức Quang, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Quang Phú An (huyện Châu Đức) cho rằng, các DN phải sẵn sàng mọi mặt mới có thể tận dụng tốt những cơ hội mà Hiệp định mang lại cũng như đủ lực để ứng phó với những thách thức của một sân chơi lớn mang tầm vóc quốc tế. Là DN nhỏ chuyên kinh doanh nông sản, năm 2018, Công ty TNHH SX-TM-DV Quang Phú An đang đầu tư máy móc, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân và xây dựng thương hiệu vững chắc để vươn ra sân chơi thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức, các DN, hiệp hội, ngành hàng cần liên kết, tăng khả năng tự chủ về nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục có các giải pháp cải thiện toàn diện môi trường kinh doanh và môi trường thể chế, thay đổi chính sách, pháp luật trong nước, giúp DN tận dụng tốt cơ hội và ứng phó được trước những bất lợi, thử thách. Đặc biệt, với lĩnh vực nông nghiệp, cần tổ chức lại sản xuất, giúp nông dân chuyển sang sản xuất lớn, thành lập các tổ hợp tác, HTX để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), hiện đã có 7 quốc gia chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP gồm: Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia và Việt Nam. Ngoài Pêru chưa có dự án đầu tư vào Việt Nam, tất cả các thành viên CPTPP còn lại đều đã đầu tư vào Việt Nam với khoảng 123 tỷ USD, chiếm gần 37% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua. |