Hệ thống cảng cạn (ICD) tại khu vực BR-VT do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên các DN làm hàng xuất nhập khẩu đang phụ thuộc rất nhiều vào các ICD ở khu vực TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Đây cũng là một trong những lý do khiến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải khó “hút” hàng trong thời gian qua. Từ thực tế này, việc thúc đẩy đầu tư hệ thống cảng cạn tại BR-VT là rất cần thiết.
Tàu cập cảng quốc tế Cái Mép (TX.Phú Mỹ) để làm hàng. |
DN PHẢI ĐƯA HÀNG LÊN TP.HCM
ICD (Inland Container Depot) - cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển. Các dịch vụ chính của cảng cạn bao gồm: Điểm thông quan hàng hóa nội địa, bãi chứa container có hàng, container rỗng và container hàng lạnh, dịch vụ bốc dỡ container, vận chuyển hàng dự án, hàng siêu trường, siêu trọng, làm thủ tục hải quan, làm kho ngoại quan… Ngoài ra, cảng cạn còn có những chức năng phụ như: Đóng rút hàng tại bãi, lắp đặt trang thiết bị, kho đóng hàng lẻ, làm bao bì, đóng gói chân không và vẽ mã hiệu hàng hóa, sửa chữa và vệ sinh container, vận chuyển hàng nội địa… Xét về hiệu quả kinh tế, cảng cạn là xu thế phát triển tất yếu. Nó góp phần làm giảm ách tắc cảng biển, tăng khả năng thông quan nhờ các dịch vụ đóng gói, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan… Đối với những khu vực xa cảng biển, chi phí vận chuyển thẳng ra cảng tốn kém hơn chi phí trung chuyển tại cảng cạn. Còn về khía cạnh vận tải, cảng cạn là thành phần không thể thiếu trong chuỗi vận tải đa phương thức.
Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng thời gian qua, hệ thống cảng cạn tại BR-VT chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Theo các DN kinh doanh cảng biển, một trong những nguyên nhân dẫn đến DN “ngại” làm hàng tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) là do nơi đây không có ICD, nên các hoạt động dịch vụ tiếp nhận và giải phóng hàng hóa thường bị kéo dài, làm ảnh hưởng tới việc thông quan hàng hóa. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK), nhưng theo thống kê của ngành hải quan, có tới hơn 80% DN không làm thủ tục XNK tại cụm cảng CM-TV mà mang hàng lên cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh). Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cụm cảng CM-TV mới chỉ khai thác được hơn 30% công suất trong thời gian qua.
Do thiếu cảng cạn nên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải khó “hút” hàng. Trong ảnh: Bốc xếp hàng xuất nhập khẩu tại cảng quốc tế Cái Mép (TX.Phú Mỹ). |
Ông Trần Hoàng Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty Dongjin Global (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ) cho hay, một trong những tiêu chí để công ty lựa chọn xây dựng nhà máy tại KCN Đất Đỏ 1 là do KCN này gần hệ thống cảng biển, giúp DN thuận lợi trong việc XNK hàng hóa. Tuy nhiên, sau gần một năm đi vào hoạt động, DN vẫn chưa tận dụng được lợi thế này do vẫn phải đưa hàng lên cảng Cát Lái để xuất hàng. Nguyên nhân là do tại cụm CM-TV, các dịch vụ xếp dỡ, cung cấp container rỗng, đóng hàng, lưu kho và làm thủ tục hải quan cho hàng hóa... chưa đồng bộ, làm kéo dài thời gian lưu hàng tại cảng. Hiện mỗi tuần, Công ty Dongjin Global xuất khẩu 2-3 container hàng sang Hàn Quốc. Theo tính toán, nếu làm hàng tại cụm cảng CM-TV, thời gian vận chuyển hàng sẽ mất 8-10 ngày, trong khi tại Cát Lái thì thời gian vận chuyển hàng chỉ mất 6-7 ngày, đáp ứng được yêu cầu đối tác.
Do hệ thống cảng cạn tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải chưa đáp ứng được nhu cầu nên hiện nay, Công ty Dongjin Global (KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ) vẫn phải đưa hàng lên cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) để xuất hàng. Trong ảnh: Sản xuất dây cáp điện tại Công ty Dongjin Global. |
Bà Lê Thị Thúy Kiều, Trưởng Văn phòng Công ty TNHH Đại Không Gian (CCN Hắc Dịch 1, TX.Phú Mỹ) cho biết, bình quân mỗi tháng, công ty xuất khẩu 40 container hàng sang Hàn Quốc và một số nước khác. Trong đó, chỉ 3-4 container qua cụm cảng CM-TV, số container còn lại DN phải vận chuyển lên cảng Cát Lái. Việc này không chỉ tốn thời gian mà chi phí vận chuyển cũng tăng thêm khoảng 800 ngàn đồng/container, nhưng DN buộc phải chấp nhận vì tại cụm cảng CM-TV chưa có các ICD cung cấp container rỗng, dịch vụ đóng gói hàng hóa. Do đó, nếu muốn xuất hàng tại cụm cảng CM-TV, chủ hàng phải “ngược đường” lên TP.Hồ Chí Minh hoặc Đồng Nai để lấy container rỗng, dẫn đến chi phí tăng cao.
SỚM PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG CẠN
Ông Trần Hoài Chân Tâm, Giám đốc cảng SSIT (TX.Phú Mỹ) thừa nhận, hệ thống ICD tại cụm cảng CM-TV chưa được quan tâm đúng mức nên cụm cảng này đang phụ thuộc rất nhiều vào các ICD ở khu vực TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Vì vậy, đầu tư xây dựng hệ thống cảng cạn tại BR-VT là việc làm cấp thiết nhằm phát huy lợi thế của cụm cảng CM-TV.
Trước thực tế nêu trên, năm 2016, UBND tỉnh BR-VT đã đề nghị Bộ GT-VT bổ sung quy hoạch 2 cảng cạn tại khu vực Phú Mỹ - Cái Mép (diện tích 50-200ha) và tại Mỹ Xuân (diện tích 25-75ha) vào quy hoạch chi tiết hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ GT-VT phê duyệt vào tháng 6-2018 đã nêu rõ: Việc phát triển hệ thống ICD sẽ được ưu tiên, khuyến khích đầu tư trên các hành lang vận tải qua biên giới gắn với cửa khẩu quốc tế, các hành lang vận tải kết nối với cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển TP.Hồ Chí Minh, cụm cảng CM-TV). Trong đó, chú trọng hình thành ICD tại những vị trí kết nối được với hai phương thức vận tải, các khu vực gắn liền hoặc nằm gần các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung, trung tâm logistics cấp I.
Căn cứ quy hoạch nêu trên và thực tế hoạt động của cụm cảng CM-TV hiện nay, BR-VT bảo đảm đầy đủ các tiêu chí để phát triển hệ thống cảng cạn. Việc thúc đẩy phát triển các ICD sẽ hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển hiệu quả hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp XNK.
Bài, ảnh: THANH NGA