Thời gian gần đây, các DN xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn do các hãng tàu biển nước ngoài đồng loạt tăng cước vận chuyển và nhiều loại phí khác. Trong khi đó, giá hàng hóa xuất khẩu lại không tăng.
Cuối tháng 4-2018, các hãng tàu CMC, Yang Ming, CMA, CGM, OOCL, Wan Hai, Mearsk Line, Cosco, ZIM đã đồng loạt tăng phí, với mức tăng từ 5-7%. Theo đó, phí THC (xếp dỡ) tăng từ 5,2 triệu đồng lên 5,46 triệu đồng/container, phí DO (phí lệnh giao hàng) tăng từ 730.000 đồng lên 781.000 đồng/container, phí vệ sinh container tăng từ 680.000 đồng lên 714.000 đồng/container. Với mức tăng như trên, cước vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Mỹ và Canada tăng lên 4.500 USD/container. Các tuyến xuất khẩu sang thị trường châu Âu tăng lên 5.600 USD/container, sang Úc tăng lên 1.500 USD/container.
Giá cước vận tải tăng nhưng giá hàng hóa không tăng nên DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) cho biết: “Bình quân một tháng, Baseafood xuất khẩu 140 container. Do các hãng tàu tăng phí nên công ty phải tốn thêm hơn 200 triệu đồng/tháng chi phí vận chuyển. 3 năm trở lại đây, giá cước vận tải đã tăng hơn 50%, trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng, khiến DN xuất khẩu thủy sản đã khó lại càng khó hơn”.
Phí vận tải biển tăng khiến DN xuất khẩu thủy sản gặp khó.
Trong ảnh: Chế biến thủy sản tại Công ty Baseafood. |
Đại diện Công ty TNHH Đông Đông Hải (phường 12, TP.Vũng Tàu) cũng cho biết: Không chỉ tăng phí vận chuyển, các hãng tàu nước ngoài còn thu thêm nhiều loại phí khác như: Phí dịch vụ container, phí cân đối container, phí tắc nghẽn cảng, phí vệ sinh, phí sửa chữa vỏ container, phí làm lạnh, phí thủ tục… Việc phải “cõng” hàng chục loại phí khiến các DN xuất khẩu thủy sản thêm khó khăn.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics mới đây, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, hiện nay, giá cước vận tải biển tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines từ 10-15%. Trong khi đó, các hãng tàu cho rằng, do chi phí vận hành, giá dầu tăng và đặc biệt là tình hình bất ổn chính trị tại Syria vừa qua đã đẩy giá dầu tăng vọt, khiến giá cước tàu biển cũng phải tăng theo. Hiện có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, vận chuyển khoảng 88% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam đi quốc tế. Đáng chú ý, 100% lượng hàng đóng bằng container đều do tàu nước ngoài vận chuyển. Như vậy, việc tăng hay giảm giá cước phụ thuộc vào các hãng tàu lớn nước ngoài, còn DN xuất nhập khẩu trong nước không có sự lựa chọn nào khác.
Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng CMIT (TX.Phú Mỹ).
|
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã kiến nghị Bộ GT-VT và các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để làm rõ các khoản phí mà hãng tàu đang thu của DN xuất nhập khẩu. Đồng thời, cần có giải pháp yêu cầu các hãng tàu điều chỉnh mức phí phù hợp hơn. Có như vậy mới góp phần kéo giảm chi phí dịch vụ logistics hiện nay, hỗ trợ DN trong sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ đã đề xuất Chính phủ cho rà soát và có biện pháp kiểm soát các khoản phí mà hãng tàu đang thu. Cùng với đó, có các giải pháp hỗ trợ DN xuất nhập khẩu Việt Nam giảm lệ thuộc vào sự độc quyền của các hãng tàu biển quốc tế.
Bài, ảnh: AN NHẬT